01/12/2022 02:16:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia đều mong muốn mối quan hệ giữa hai lực lượng không ngừng được duy trì, củng cố, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác thiết thực, hiệu quả, giải quyết tốt các vụ việc trên biển nhằm tăng cường an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, góp phần giữ gìn vùng biển trong khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Cộng hòa Indonesia là một đảo quốc liên lục địa, nằm giữa Đông Nam Á và Châu Đại Dương, được mệnh danh là "Xứ sở vạn đảo" vì lãnh thổ của nước này bao gồm 13.487 hòn đảo với dân số ước tính đạt hơn 279 triệu người (năm 2022), xếp thứ 4 thế giới và đứng thứ 3 châu Á. Indonesia l cũng là một trong 5 quốc gia tham gia sáng lập ASEAN, là thành viên của nhiều tổ chức toàn cầu lớn trong đó nổi bật nhất là G-20. Năm 2020, nền kinh tế Indonesia có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 15 toàn cầu hoặc hạng 4 châu Á và thứ 7 toàn cầu theo GDP sức mua tương đương (theo ước tính năm 2020). Tuy nhiên, do dân số quá đông (hơn 274,1 triệu người) nên GDP bình quân đầu người của nước này vẫn ở mức trung bình thấp. Quốc gia này có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao và được công nhận là một cường quốc ở khu vực Đông Nam Á cũng như cường quốc bậc trung trên thế giới.
Việt Nam và Indonesia bắt đầu quan hệ chính thức vào ngày 30/12/1955. Vào tháng 9/2011, hai nước đã ký Chương trình hành động giai đoạn 2012 - 2015. Ngày 27 và 28/6/2013, nhận lời mời của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân sang thăm Indonesia nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Indonesia - một đối tác truyền thống và quan trọng của Việt Nam. Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia được ký kết.
Cảnh sát biển Indonesia (BAKAMLA) được thành lập vào ngày 8/12/2014. Tiền thân là Ban Điều phối hàng hải Indonesia, do lực lượng Đặc nhiệm An ninh hàng hải Hải quân quản lý. Hiện nay, Cảnh sát biển Indonesia trực thuộc Tổng thống Indonesia. Trụ sở chính của Cảnh sát biển Indonesia đặt tại Jakarta. Lực lượng này được chia thành 3 Vùng gồm: Vùng phía Tây tại Batam (phụ trách phần phía Tây của Indonesia từ Aceh đến Semarang); Vùng miền Trung tại Manado (phụ trách từ Semarang đến Bitung); Vùng phía Đông tại Ambor (phụ trách từ Kupang đến biên giới giữa Indonesia và Papua New Guinea). Ngoài 3 Vùng ra, hệ thống tổ chức của Cảnh sát biển Indonesia còn có: 15 Trạm an ninh an toàn hàng hải dọc theo bờ biển Indonesia; 2 Trạm mặt đất tại Babel và Bitung; Hệ thống cầu cảng tại Batam, Serai và Ambon; Đang xây dựng 1 Trung tâm Đào tạo tại Batam trị giá khoảng 3,5 triệu USD do Hoa Kỳ tài trợ (Thông tin cập nhật năm 2021). Quân số: Khoảng 1.000 nhân sự (Thông tin cập nhật năm 2020). Trang thiết bị bao gồm: 36 tàu, xuồng các loại (tàu lớn nhất có chiều dài 110m - Thông tin cập nhật năm 2020).
Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia tổ chức Hội nghị Kí kết trực tuyến Bản Ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải vào ngày 28/12/2021.
Tình hình hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia
Trong hợp tác song phương, ngày 24/11/2015, tại Cục Đối ngoại/Bộ Quốc phòng, Đoàn công tác do Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Indonesia dẫn đầu đã đến làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam nhằm thảo luận về khả năng hợp tác giữa hai lực lượng. Năm 2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia đã ký Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa hai lực lượng. Năm 2018, bên lề Hội nghị Tư lệnh Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước Vịnh Thái Lan (GOTI) tổ chức tại Thái Lan, hai bên đã trao đổi về khả năng ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai lực lượng. Ngày 07/8/2020, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã có buổi gặp và làm việc với Ngài Ibnu Hadi, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam để trao đổi về tình hình việc ngư dân đánh bắt cá trái phép tại vùng biển giáp ranh giữa hai quốc gia, cập nhật tình hình Dự thảo Bản ghi nhớ giữa ảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia. Tháng 9/2020, Đại sứ Indonesia đã mời Tư lệnh Cảnh sát biển giao lưu thể thao và dùng cơm thân mật để củng cố thêm mối quan hệ hai bên, đồng thời thông báo về việc tổ chức họp trực tuyến giữa VCG và BAKAMLA trao đổi về Bản ghi nhớ hợp tác. Ngày 02/7/2021, sau nhiều lần trao đổi, phía Cảnh sát biển Indonesia đã gửi dự thảo lần cuối Bản Ghi nhớ về hợp tác an ninh và an toàn hàng hải giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia cho Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, ngày 28/12/2021, hai Bên tổ chức Hội nghị trực tuyến ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải.
Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với Cảnh sát biển Indonesia.
Trong thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia luôn duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên vùng biển liên quan; xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh trên biển (khai thác hải sản trái phép, cướp biển, cứu nạn cứu hộ ...). Tiêu biểu là vào năm 2016 và 2017, Cảnh sát biển Việt Nam đã hai lần tiếp nhận ngư dân Việt Nam bị bắt giữ do Indonesia trao trả với tổng số 828 ngư dân (lần một là 228 người và lần hai 600 người); Tháng 4/2020, tàu CSB 8005 của Cảnh sát biển Việt Nam cùng với tàu của Cảnh sát biển Indonesia đã phối hợp triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn ngư dân Việt Nam mất tích trên vùng biển Indonesia. Tháng 3/2021, Cảnh sát biển Việt Nam đã gửi thư thông báo cho các nước có vùng biển giáp ranh (trong đó có Indonesia) về việc lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên khu vực biển giáp ranh để phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các vi phạm liên quan đến đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cũng như gửi thư đề nghị phía Indonesia xem xét việc bắt giữ tàu cá Việt Nam tại khu vực phía Bắc đường phân định thềm lục địa Việt Nam - Indonesia.
Kể từ sau Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Indonesia lần thứ nhất (năm 2019) đến năm nay, hai Bên đã nhiều lần tổ chức họp song phương, trao đổi bên lề hội nghị các nội dung liên quan đến Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải. Hai bên cũng đã cử đại diện tham dự các vòng đàm phán về phân định Vùng đặc quyền kinh tế và triển khai các biện pháp tạm thời tại khu vực biển giáp ranh giữa Việt Nam - Indonesia (do Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì). Bên cạnh đó, hai Bên thường xuyên trao đổi qua điện thoại, gửi thư điện tử chúc mừng nhân dịp các ngày lễ lớn, sự kiện lớn của hai đất nước và hai lực lượng; đồng thời, trao đổi về tình hình tàu cá hai bên xâm phạm vùng biển của nhau đánh bắt hải sản trái phép.
Trong các cơ chế hợp tác đa phương, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia cùng tham gia tích cực, trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương như: Hội nghị Những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á (HACGAM); Hội nghị Cảnh sát biển toàn cầu (CG Global Submit); Các hoạt động do Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC); Diễn đàn Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á (SEAMLEI)...
Thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường duy trì kênh hợp tác với Cảnh sát biển Indonesia và kênh làm việc thường xuyên với Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam; triển khai các hoạt động theo Bản Ghi nhớ hợp tác đã ký với Cảnh sát biển Indonesia. Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia đều mong muốn mối quan hệ giữa hai lực lượng không ngừng được duy trì, củng cố, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác thiết thực, hiệu quả, giải quyết tốt các vụ việc trên biển nhằm tăng cường an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực trên cơ sở bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, góp phần giữ gìn vùng biển trong khu vực hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.
BBT