(Canhsatbien.vn) - Trong 10 năm qua, tình hình Biển Đông luôn diễn biến phức tạp, nhạy cảm, khó lường. Để nhằm khẳng định cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò”, “NN” đã thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp, cả về chính trị, ngoại giao, lịch sử, pháp lý, kinh tế và trên thực địa (các hoạt động quân sự, chấp pháp, khai thác kinh tế biển, xây dựng, mở rộng, nâng cấp, củng cố cơ sở hạ tầng kỹ thuật cả về quân sự và dân sự trên các đảo, bãi đá đang chiếm giữ trái phép ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Các hoạt động này đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển của Việt Nam, tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên biển. Đáng chú ý, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết của tòa đã bác bỏ “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông theo yêu sách “đường lười bò”. Nhưng ở các cấp độ khác nhau, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “không công nhận, không thừa nhận và không thực thi” phán quyết của PCA. Tuy nhiên gần đây, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã có chiều hướng giảm nhiệt, không căng thẳng như thời gian trước. Các tình hình này, cùng với sự quan tâm, can dự của một số nước lớn trên thế giới làm cho tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông luôn là điểm nóng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột, có thể ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.