Cảnh sát biển hai nước Việt Nam - Trung Quốc duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, củng cố lòng tin, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ

30/11/2022 01:53:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trung Quốc, quốc hiệu là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là một quốc gia có chủ quyền nằm ở khu vực Đông Á. Đây là quốc gia đông dân nhất trên thế giới với dân số ước tính đạt khoảng 1,405 tỷ người. Trung Quốc là quốc gia đơn đảng do Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, chính phủ trung ương đặt tại thủ đô Bắc Kinh. 

Cảnh sát biển hai nước Việt Nam và Trung Quốc thực hiện nghi thức chào xã giao trên biển.

Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18/01/1950. Mối quan hệ mật thiết đó do Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp. 72 năm qua, mặc dù có những thăng trầm nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ giữa hai nước. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn trên cơ sở phương châm 16 chữ: "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt: "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Cảnh sát biển hai nước Việt Nam và Trung Quốc hội đàm trong chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá vào tháng 10/2019.

Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG), gọi tắt là Hải cảnh, được thành lập tháng 3/2013, trên cơ sở tái cơ cấu Cục Hải dương Quốc gia, thành lập Cục Cảnh sát biển - thống nhất chỉ huy các lực lượng "tuần tra, chấp pháp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông", bao gồm các lực lượng: Hải giám (CMS), Hải cảnh (Cảnh sát biển của Cục quản lý biên phòng - BCD), Ngư chính (Cơ quan đảm bảo thực thi pháp luật Ngư nghiệp - FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC). Theo đó, các lực lượng này khi hoạt động ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đều phải lấy danh nghĩa Cảnh sát biển Trung Quốc và sẽ chịu sự "chỉ huy nghiệp vụ" của Cục Cảnh sát biển thuộc Bộ Công an Trung Quốc và “quản lý hành chính” của Bộ Đất đai và Tài nguyên.

Nhiệm vụ của CCG rất đa dạng, bao gồm: tuần tra vùng lãnh hải và lãnh thổ tranh chấp; chống buôn lậu, chống vi phạm chủ quyền; kiểm soát và kiểm tra tàu biển; đảm bảo an toàn và an ninh ven biển; nghiên cứu và khảo sát biển; tìm kiếm cứu nạn trên biển; bảo vệ thủy sản và các nguồn tài nguyên biển…

Hiện nay, mỗi tỉnh ven biển của Trung Quốc đều có từ 1-3 đội tàu Hải cảnh, tổng cộng có 20 đội tàu trải dọc theo các tỉnh ven biển. Cụ thể: Phúc Kiến: 3; Quảng Đông: 3; Quảng Tây, Liêu Ninh, Sơn Đông, Triết Giang mỗi tỉnh có 2 đội tàu. Các tỉnh Hà Bắc, Thượng Hải, Giang Tô, Thiên Tân mỗi tỉnh có 1 đội tàu. Riêng quần đảo Hải Nam, Trung Quốc bố trí 2 đội tàu, điều đó cho thấy đây là khu vực Bắc Kinh đặc biệt chú trọng. Hiện tại, CCG được trang bị khoảng hơn 400 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất.

Về mối quan hệ giữa lực lượng Cảnh sát biển (VCG) và CCG, kể từ năm 2006, VCG và CCG đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, hai bên đã có nhiều hoạt động như: trao đổi, chia sẻ thông tin tình hình, thường xuyên thông báo cho nhau tàu cá vi phạm của nhau trong vịnh Bắc Bộ và thông tin vi phạm khác; tổ chức hội nghị cơ quan giám sát nghề cá hai bên hàng năm; tổ chức kiểm tra liên hợp nghề cá. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động như Giao lưu sĩ quan trẻ Cảnh sát biển hai nước (2 lần); tổ chức tàu đến thăm lẫn nhau (2 lần); hội nghị công tác Cảnh sát biển (3 lần) và nhiều hoạt động khác. Mặt khác, VCG đã nhiều lần gặp và trao đổi với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam (Đại sứ và tùy viên Quân sự) để tăng cường hữu nghị, nắm bắt thêm tình hình, góp phần giảm căng thẳng trên biển.

Lực lượng Cảnh sát biển hai nước luyện tập phương án chữa cháy tàu bị nạn tháng 11/2022.

VCG và CCG là cơ quan đầu mối giám sát thực thi Hiệp định Hợp tác nghề cá của hai nước. Theo đó, từ tháng 11/2016 đến nay, hai bên tổ chức 8 chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá, vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ; 4 Hội nghị công tác kiểm tra liên hợp nghề cá hằng năm (2 lần tại Việt Nam vào các năm 2016 và 2018; 2 lần tại Trung Quốc vào các năm 2017 và 2019).

Sau khi Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam - Trung Quốc hết hiệu lực (01/7/2020), VCG và CCG đã triển khai hoạt động tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ (được quy định trong Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên ký tháng 6/2016). Tháng 12/2020, hai bên tổ chức thành công chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ đầu tiên, đến nay, Cảnh sát biển hai nước đã thực hiện thành công 5 chuyến tuần tra liên hợp.

VCG và CCG thường xuyên duy trì việc gửi thư chúc mừng nhân ngày lễ, tết quan trọng của hai nước, hai lực lượng; thư thăm hỏi về thiên tai, dịch bệnh giữa hai bên. Thông qua việc quan tâm, thăm hỏi và chia sẻ thông tin liên quan, hai bên đã duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ, củng cố lòng tin, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ./.

Lam Giang

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan