Cảnh sát biển Việt Nam đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế vì vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển

03/12/2022 12:41:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đối ngoại quốc phòng, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng gắn với yêu cầu nhiệm vụ của Lực lượng trong tình hình mới. Từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy, tăng cường và triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế nhằm góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Trong những năm gần đây, các hoạt động hàng hải, hoạt động kinh tế biển ngày càng phát triển nhanh chóng; các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính chất toàn cầu ngày càng tác động rõ nét và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, khu vực. Điều này đặt ra đòi hỏi khách quan về sự phối hợp, hợp tác của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới mà đại diện là Lực lượng cảnh sát biển, lực lượng bảo vệ biển các nước nhằm xây dựng được vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á lần thứ 17 (HACGAM 17), tháng 12/2021.

Đối với Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam cũng như điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Vì thế, trước xu thế vận động của tình hình thế giới, nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế vì vùng biển Việt Nam hòa bình, hữu nghị và phát triển là yêu cầu cấp thiết, khách quan trong quá trình xây dựng và phát triển lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Nhận thức rõ những yêu cầu nói trên, ngay sau khi được thành lập (28/8/1998), Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Cảnh sát biển (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) Việt Nam đã đặc biệt coi trọng và triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình xây dựng, phát triển Lực lượng Cảnh sát biển, hướng tới cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao.

Cụ thể, Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tham quan, học hỏi và tiếp cận mô hình tổ chức Lực lượng Cảnh sát biển tiên tiến của các nước châu Âu như Thụy Điển, Tây Ban Nha để có so sánh, lựa chọn và vận dụng sáng tạo vào mô hình, xây dựng, phát triển. Các đơn vị Cảnh sát biển cũng đã chủ trì đón tiếp nhiều lượt tàu thực thi pháp luật trên biển các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đến thăm và giao lưu. Qua các hoạt động thăm tàu, cán bộ, chiến sĩ hai Bên cùng nhau tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, xử lý ô nhiễm môi trường biển và cùng nhau luyện tập tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các hoạt động thiết thực này đã góp phần làm phong phú hơn kiến thức và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Tàu Cảnh sát biển Việt Nam CSB 8001 đến thăm và giao lưu với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn độ, tháng 10/2018.

Với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam còn chủ động trong việc tìm nguồn, lựa chọn, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng về tiếp nhận các trang thiết bị chuyên ngành và hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có vùng biển tiếp giáp, vùng biển liền kề với biển Việt Nam.

Đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức ký kết và thực hiện theo nội dung các văn bản hợp tác đã ký kết với 9 Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Indonesia, Malaysia, và hiện đang thúc đẩy ký kết văn bản hợp tác với một số nước khác. Trong các văn bản hợp tác đã ký, các bên đều coi trọng nhiệm vụ chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm cứu nạn. Các nội dung hợp tác này là điều kiện cần thiết trong việc xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Cùng với đó, Cảnh sát biển Việt Nam cũng tham gia tích cực, trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn đa phương như: Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại khu vực châu Á (ReCAAP); Hội nghị những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á (HACGAM); Diễn đàn Tư lệnh Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á (SEAMLEI); Đối thoại thực thi pháp luật trên biển (MLED); Hội nghị thượng đỉnh Cảnh sát biển toàn cầu (CGGS)…

 

Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam làm việc với Tùy viên Quốc phòng Trung Quốc, Tháng 2/2022.

Trong công tác đối ngoại, tính trung bình mỗi năm, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức đưa trên 40 đoàn ra, với hơn 100 lượt cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển và đón tiếp trên 40 đoàn vào, với hơn 100 lượt người nước ngoài làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường kênh hợp tác với Đại sứ quán tại Việt Nam của các nước có quan hệ hợp tác về lĩnh vực Cảnh sát biển thông qua việc thường xuyên tổ chức chào xã giao, trao đổi, làm việc trực tiếp; mời cơm thân; tổ chức thăm các đơn vị Cảnh sát biển; gửi thư chúc mừng, chia buồn… 

Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tiếp xã giao Tham tán Công sứ, Bộ Nội vụ Australia, tháng 3/2022.

Với tinh thần tích cực, nhạy bén và sự chủ động, linh hoạt, trong hơn 24 năm xây dựng và phát triển, Cảnh sát biển Việt Nam đã từng bước thiết lập được các mối quan hệ hợp tác tin cậy, ổn định với hầu hết các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước ASEAN và nhiều nước lớn trên thế giới. Thông qua đó, đã góp phần giải quyết hài hòa những khác biệt, tạo sự đồng thuận cao giữa các nước, các lực lượng, cùng chung tay giữ gìn an ninh, trật tự và hòa bình trên biển.

Điển hình như tại vùng biển Vịnh Bắc bộ, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã mang đến cho vùng biển này một diện mạo mới. Nhờ có các chuyến tuần tra liên hợp nghề cá được tổ chức đều đặn 2 lần/năm giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc, công tác tuyên truyền các quy định pháp lý về hoạt động khai thác trên biển được tiến hành thường xuyên; công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của ngư dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc được thực hiện hiện quả. Qua đó, góp phần làm giảm đáng kể hiện tượng tranh chấp ngư trường, nạn trộm cắp ngư lưới cụ và đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản bằng các biện pháp hủy diệt như thuốc nổ, xung điện...; góp phần xây dựng Vịnh Bắc bộ trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển và là hình mẫu trong việc hợp tác, giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia có biển liền kề trong khu vực và trên thế giới.

 

Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Vịnh Bắc bộ.

Có thể thấy, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam thời gian qua không chỉ góp phần quan trọng trong nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam mà còn góp phần tạo môi trường hữu nghị, hòa bình, ổn định trên biển. Các hoạt động này cũng đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các diễn đàn đa phương khu vực và thế giới; sẵn sàng chung tay, góp sức vì các vùng biển an ninh, an toàn và phát triển bền vững./.

Liên Nhi

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com