Vì lợi ích chung của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia trong Vùng nước lịch sử

30/11/2022 10:36:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Vương quốc Campuchia là một quốc gia độc lập có chủ quyền nằm trên bán đảo Đông Dương ở vùng Đông Nam Á. Campuchia giáp với vịnh Thái Lan ở phía Tây Nam, Thái Lan ở phía Tây Bắc, Lào ở phía Đông Bắc và Việt Nam ở phía Đông. Campuchia có dân số hơn 15 triệu người. Phật giáo là quốc giáo chính thức và được hơn 97% dân số thực hành. Các nhóm dân tộc thiểu số của Campuchia bao gồm người Việt, người Hoa, người Chăm và 30 bộ tộc trên đồi núi. Thủ đô và thành phố lớn nhất của Campuchia là Phnom Penh, đây là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước Chùa Tháp. Campuchia theo chế độ quân chủ lập hiến theo hình thức tuyển cử, đứng đầu là quốc vương, hiện là Norodom Sihamoni, được Hội đồng Tôn vương lựa chọn làm nguyên thủ quốc gia. Người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Hun Sen, nhà lãnh đạo không thuộc hoàng gia phục vụ lâu nhất ở Đông Nam Á, nắm quyền từ năm 1985.

Ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua nhiều thăng trầm  lịch sử và những biến cố của thời đại, mối quan hệ hữu nghị, truyền thống của hai dân tộc láng giềng được thử thách, tôi luyện và ngày càng khăng khít, bền chặt dưới sự chung tay vun đắp của Chính phủ và nhân dân hai nước, đạt nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Đây là nền tảng vững chắc, tạo đà để thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Campuchia vì sự trường tồn và phát triển của mỗi dân tộc.

Ngày 07/7/1982, hai bên đã ký kết Hiệp định về Vùng nước lịch sử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia. Với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, những năm qua, quan hệ Việt Nam - Campuchia đã không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, trong đó, hợp tác quốc phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực và là một trong những trụ cột quan trọng trong mối quan hệ của hai nước.

Họp rút kinh nghiệm lần thứ 3 về thực hiện cơ chế liên lạc đường dây nóng giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Ủy ban Quốc gia An ninh hàng hải Campuchia.

Đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (VCG) và Ủy ban Quốc gia An ninh hàng hải Campuchia (NCMS), với mong muốn tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước nói chung, VCG và NCMS nói riêng, những năm qua, hai cơ quan đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả như: ký Biên bản hợp tác năm 2014; ký Nghị định thư về Cơ chế liên lạc đường dây nóng (Thông qua đường dây nóng, địa chỉ liên lạc đã trao đổi thông tin như: tình hình vi phạm’ cứu hộ, cứu nạn; thư từ thăm hỏi, chúc mừng, chia buồn; tổ chức các sự kiện chung…) năm 2017. Thực hiện các văn kiện này, hai bên duy trì trao đổi thường xuyên. Từ năm 2018 đến nay, hai bên đã tổ chức rút kinh nghiệm luân phiên. Đặc biệt, năm 2020, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã báo cáo Bộ Quốc phòng nhất trí hỗ trợ bạn để xây dựng trạm kiểm soát tại tỉnh Kep/Campuchia với số tiền trị giá gần 4 tỷ đồng.

Kết quả những hoạt động trên nhằm thể hiện lợi ích chung của nhân dân hai nước trong Vùng nước lịch sử, vùng biến tiếp giáp; vì hoà bình và ổn định trong khu vực cũng như không ngừng nâng cao hiệu quả phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn và phòng chống tội phạm giữa VCG và NCMS.

Năm 2022, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia, hai nước tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi trên khắp mọi miền đất nước. Nhân dịp này, hai bên cùng nhau tiếp tục khẳng định quyết tâm phấn đấu, kế thừa và vun đắp tình đoàn kết, mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, gắn bó và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển lên tầm cao mới, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới trong đó có Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”./.

Lam Giang

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com