02/12/2022 01:24:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Vương quốc Thái Lan là một quốc gia độc lập có chủ quyền ở khu vực Đông Nam Á, phía Bắc giáp Lào và Myanmar; phía Đông giáp Lào và Campuchia; phía Nam giáp vịnh Thái Lan và Malaysia; phía Tây giáp Myanmar và biển Andaman. Lãnh hải Thái Lan ở phía Đông Nam tiếp giáp với lãnh hải Việt Nam ở vịnh Thái Lan, phía Tây Nam giáp với lãnh hải Indonesia và Ấn Độ qua biển Andaman.
Vương quốc Thái Lan có diện tích 513.120 km², dân số vào khoảng 68 triệu người (ước tính năm 2019). Thái Lan là một quốc gia Quân chủ lập hiến kết hợp với nghị viện. Hoàng tộc Mahidol của Vương triều Chakri là biểu tượng quốc gia, Quốc vương theo hiến pháp là nguyên thủ quốc gia, giữ chức vụ Tổng tư lệnh quân đội kiêm Nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo. Vua Thái hiện nay là Rama X, người kế vị ngai vàng từ Hội đồng lập pháp vào năm 2016, sau khi cha ông là Rama IX băng hà cùng năm đó.
Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có quan hệ ngoại giao thân thiết, cùng là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức tiểu vùng khác trong khu vực. Thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8-1976, tuy nhiên, quan hệ song phương giữa hai nước chỉ bắt đầu khởi sắc từ sau chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Thái Lan vào tháng 9-1978. Trong giai đoạn 1979 - 1989, do những bất ổn về chính trị của khu vực và thế giới tác động không nhỏ đến quan hệ Việt Nam - Thái Lan, khiến hai nước gặp khó khăn trong phát triển hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao.
Trải qua 46 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 - 2022), quan hệ Việt Nam - Thái Lan đã phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, trở thành “đối tác chiến lược”, hợp tác hữu nghị, toàn diện. Trong giai đoạn hiện nay, trước sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới và khu vực, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đứng trước những thách thức, khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hai nước để thúc đẩy mối quan hệ đi vào chiều sâu, phát triển hiệu quả, bền vững.
Trung tâm chỉ huy hàng hải Thái Lan (THAI-MECC) (Thai Maritime Enforcement Command Center) (trước đây là Trung tâm điều phối hàng hải Thái Lan - Thai Maritime Enforcement Coordinating Center) bao gồm lực lượng từ 6 cơ quan chính: Hải quân, Cảnh sát biển, Cục Hàng hải, Cục Kiểm ngư, Cục Hải quan, Cục Tài nguyên biển và bờ biển, trong đó Hải quân là cơ quan chủ trì, điều phối. Giám đốc của THAI-MECC là Thủ tướng Chính phủ (Đại tướng Prayut Chanocha); Phó Giám đốc: Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan (Đô đốc Somprasong Nilsamai).
Nhiệm vụ của THAI-MECC gồm: Điều phối các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong năng ngừa, bảo vệ và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp trên biển; thu thập, phân tích, chia sẻ thông tin liên quan với các cơ quan hàng hải; hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn trên biển. THAI-MECC được trao quyền khám xét, bắt giữ, điều tra và khởi tố. Sau khi nâng cấp, THAI-MECC do Thủ tướng Chính phủ làm Giám đốc, Tư lệnh Hải quân làm Phó Giám đốc.
Nhiệm vụ mới của THAI-MECC gồm: ứng phó với các thách thức an ninh trên biển (cướp biển, khủng bố, buôn bán trái phép ma túy, vũ khí…); an toàn hàng hải (tìm kiếm cứu nạn trên biển); vấn đề đánh bắt cá trái phép (IUU) và môi trường biển. Hải quân là cơ quan chủ trì, chỉ huy lực lượng liên ngành.
Cảnh sát biển Việt Nam và Trung tâm Chỉ huy hàng hải Thái Lan đã có phiên họp song phương tại Diễn đàn các Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật trên biển Vùng vịnh Thái Lan, năm 2014.
Về hợp tác quốc tế, trên diễn đàn đa phương: Cảnh sát biển Việt Nam (VCG), Hải quân Hoàng gia Thái Lan là thành viên của Hiệp định khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực Châu Á (ReCAAP).
Tại chuyến thăm chính thức Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 17-19/8/2017, hai nước đã đề cập đến việc kí kết Bản ghi nhớ (MoU) giữa VCG và Trung tâm Điều phối hàng hải Thái Lan (THAI-MECC). VCG đã chủ động liên hệ với THAI-MECC trao đổi về khả năng kí kết MoU trong thời gian tới. Tuy nhiên phía bạn cho biết chưa nhận được chủ trương của Bộ Ngoại giao Thái Lan và nhấn mạnh mọi vấn đề liên quan tới MoU phải thông qua kênh ngoại giao, Thai MECC không thể làm việc trực tiếp.
Bên lề Hội nghị Hội nghị cấp Tư lệnh Sáng kiến Vịnh Thái Lan lần thứ 5 (GOTI) vào tháng 12/2017, Trung tâm điều phối hàng hải Thái Lan (THAI-MECC) đã nhất trí hợp tác và chia sẻ thông tin với VCG về vấn đề đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU). Từ tháng 01/2018, THAI-MECC đã có một số thông báo cho VCG về thông tin tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng Thái Lan (Hải quân Hoàng gia Thái Lan) bắt giữ.
Về trao đổi tình hình tàu cá hoạt động trên vùng biển giáp ranh hai nước, do đây là nội dung liên quan đến hai quốc gia, nên thông tin bắt giữ sẽ được gửi chính thức qua kênh ngoại giao. Do đó cần liên hệ với THAI-MECC qua thư, qua trao đổi song phương bên lề các cuộc họp đa phương và các kênh khác, để đề nghị bạn định kỳ cung cấp thông tin tàu cá Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ. Đồng thời ta cần chủ động thông báo cho bạn tình hình công dân Thái Lan vi phạm trên vùng biển Việt Nam.
Về phương hướng hoạt động hợp tác trong thời gian tới, hoạt động tuần tra chung của lực lượng Hải quân hai nước đang được duy trì thường niên, do đó, VCG chưa đề xuất thực hiện tuần tra chung với THAI-MECC. Trong tương lai, khi ta hợp tác với THAI-MECC thường xuyên, hiệu quả hơn thì sẽ tìm hiểu thêm về quy trình, thủ tục ký kết văn bản hợp tác; trao đổi, bàn bạc về khả năng tuần tra chung; và tiếp tục trao đổi thông tin về tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng Thái Lan bắt giữ để nắm.
Hoạt động giữa VCG và THAI-MECC thời gian qua đã cho thấy những dấu hiệu tích cực của hai bên trong việc giải quyết có hiệu quả các vấn đề an ninh chung đang diễn ra trong vùng vịnh với tinh thần của một quốc gia có trách nhiệm, vì sự hòa bình và ổn định của vùng vịnh Thái Lan./.
BBT (Tổng hợp)