Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 giữ vững an toàn an ninh vùng biển đảo Tây Nam

10/01/2023 10:12:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 đảm nhiệm quản lý vùng biển Tây Nam Tổ quốc, có phạm vi khoảng 150.000 km2, vùng biển tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng. Vì vậy, các đối tượng triệt để lợi dụng, gia tăng các hoạt động vi phạm pháp luật gây mất an ninh, trật tự an toàn trên biển. Nhưng với bản lĩnh, kiên quyết, dũng cảm và tinh thông về nghiệp vụ pháp luật, cán bộ, chiến sĩ BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã kịp thời ngăn chặn, đấu tranh, bắt giữ, xử lý hiệu quả các vụ việc vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển…

Đại tá Trần Văn Lượng - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát biểu tại hội nghị.

Đại tá Trần Văn Lượng - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Các đối tượng vi phạm pháp luật trên biển rất liều lĩnh, manh động, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trước đây, đối tượng buôn lậu sử dụng tàu sắt để vận chuyển dầu DO trái phép, nhưng hiện nay hầu hết đều sử dụng tàu cá hoán cải. Sau khi cải hoán, các tàu thường có tốc độ cao, được trang bị thiết bị trinh sát hiện đại, đặc biệt một số đối tượng còn sử dụng ngư dân để theo dõi, báo khu vực, vị trí hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển nhằm đi vòng, đi tránh. Hoạt động giao - nhận hàng diễn ra chủ yếu ở vùng biển giáp ranh hoặc ở vùng biển nước ngoài sau đó vận chuyển về vùng biển Việt Nam để bán hoặc cấp cho các tàu khác. Do tàu buôn lậu thường hoạt động vào ban đêm, lại che chắn biển kiểm soát và ngụy trang thành tàu đánh bắt cá nên gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện. Nhiều đối tượng khi bị phát hiện thì bỏ chạy, có đối tượng chống trả quyết liệt... Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt khi hoạt động trên biển dài ngày; rồi đặc thù của lực lượng trinh sát hoạt động bí mật, chưa có nhiều phương tiện chuyên dụng, tốc độ của phương tiện cũng hạn chế...

Thời gian qua, công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm pháp luật, nhất là hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên khu vực biển, đảo Tây Nam có nhiều chuyển biến tích cực, để đấu tranh với các loại tội phạm, Đảng ủy, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 xác định, thực thi pháp luật trên biển, trong đó phòng, chống vi phạm những quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và ngăn chặn các loại tội phạm mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển là hai nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, từ đó dồn sức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao BTL Vùng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác sơ, tổng kết, đánh giá kết quả và nhất là phải dự báo chính xác tình hình. Từ đó, Đảng ủy Vùng và các cấp ủy xây dựng nghị quyết lãnh đạo; BTL Vùng và các cơ quan, đơn vị lập kế hoạch, triển khai thực hiện sát với tình hình nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, an toàn về mọi mặt. 

Lực lượng chức năng của BTL Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra hàng hóa vi phạm trên tàu.

Từ những chủ trương, biện pháp đúng, trúng nên thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 là một trong những đơn vị đạt kết quả cao về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển. Nhất là thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2022, khi tình hình thế giới có nhiều biến động, tác động trực tiếp đến giá cả nhiều mặt hàng trong nước, nhất là xăng, dầu. Sau khi đánh giá tình hình, Đảng ủy Vùng đã bổ sung nghị quyết lãnh đạo để tập trung triển khai thực hiện công tác trong tháng, trong quý. BTL Vùng chỉ đạo các lực lượng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó tăng cường lực lượng mật, lực lượng trinh sát hoạt động trên biển để phát hiện, đấu tranh ngăn chặn vi phạm, tội phạm. Trong năm 2022, thông qua việc sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã tổ chức kiểm tra, tiếp nhận, tiến hành xử phạt và tham mưu xử phạt vi phạm hành chính 192 vụ/215 lượt tàu với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng, tịch thu 1.808.347 lít dầu D.O, 52.429,9 kg phế liệu, 20 mét dây điện, bán tài sản tịch thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 37,4 tỷ đồng; tổng số tiền thu từ xử phạt và bán tài sản tịch thu do vi phạm hành chính gần 42 tỷ đồng.

Ngoài nạn buôn lậu xăng dầu, vùng biển Tây Nam còn nổi lên một điểm nóng về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Từ tháng 7 năm 2021, BTL Vùng Cảnh sát biển 4 được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên khu vực biển quản lý. Vùng và các đơn vị phối thuộc đã tăng cường số lượng tàu, xuồng, nhân lực ứng trực 24/24 trên biển. Bất kể ngày đêm, những cuộc tuần tra, kiểm soát luôn được cán bộ, chiến sĩ duy trì nghiêm. Cùng với việc kiểm soát thiết bị giám sát hành trình và các biện pháp nghiệp vụ, những dấu hiệu, hành vi vi phạm quy định đánh bắt được phát hiện nhanh chóng, kịp thời, làm cơ sở để xử lý. Lực lượng chức năng đã thường xuyên theo dõi qua hệ thống giám sát hành trình, kịp thời thông báo, cảnh báo và kêu gọi các tàu cá hoạt động trên khu vực giáp ranh có nguy cơ cao sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy hải sản trái phép về vùng biển Việt Nam. Trên thực địa, đã phối hợp tuần tra, kiểm soát chống vi phạm IUU các khu vực biển giáp ranh với vùng biển nước ngoài, trọng tâm là khu vực giáp ranh Việt Nam - Thái Lan, Việt Nam - Malaysia, trong đó tập trung vào tuần tra ban đêm. Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện đồng bộ, thống nhất. Các trường hợp cố tình tắt, vô hiệu hóa hoặc làm sai lệch thông tin thiết bị giám sát hành trình, sử dụng phương pháp đánh bắt trái pháp luật đều được phát hiện sớm và xử lý nghiêm…

Tuyên truyền cho ngư dân tại cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang.

Việc triệt để áp dụng các chế tài xử lý đã góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm quy định đánh bắt hải sản trái quy định. Nhưng để chấm dứt hoàn toàn đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và ý thức của ngư dân; sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, nhất là ngành thủy sản, chính quyền địa phương cấp cơ sở. Vì vậy, thời gian qua, Vùng CSB 4 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là đối với các chủ tàu cá có nguy cơ cao về vi phạm IUU và tổ chức cho các chủ tàu ký cam kết không vi phạm. Chỉ tính riêng trong năm 2022 Vùng CSB 4 đã tổ chức tuyên truyền được 8 đợt/ 16 địa bàn của 4 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu cho hơn 3.750 lượt cán bộ, nhân dân, kết hợp phát 13.640 tờ rơi và 2.150 tập tài liệu tuyên truyền, tặng 1.228 ảnh Bác Hồ, 12.440 lá cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân và vận động chủ tàu, tuyền ký kết không vi phạm IUU. Mưa dầm thấm lâu, sự kiên trì, bền bỉ của những người lính Cảnh sát biển đã tạo chuyển biến căn bản. Tình trạng tàu cá, ngư dân chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng cơ bản chấm dứt. Các hành vi cố tình vi phạm khai thác IUU đã giảm đáng kể, nhất là các vi phạm về bằng cấp chuyên môn, giấy tờ tùy thân của thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá. Đặc biệt, hoạt động khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài được giảm thiểu. Đó là tín hiệu tích cực, góp phần vào mục tiêu chấm dứt các hoạt động vi phạm quy định về khai thác IUU, sớm gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Với quyết tâm chính trị cao, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp mà BTL Vùng Cảnh sát biển 4 đã thực hiện cùng với sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương sẽ góp phần giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển mang lại sự bình yên cho cuộc sống của Nhân dân./.

Vũ Đình Ngà

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com