Đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ ngư dân, tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trên biển, chống IUU

25/07/2020 01:27:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Bảo vệ ngư dân hoạt động, khai thác hải sản trên biển luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Trước tình trạng nhiều tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử phạt, bị tàu cá các nước uy hiếp, tấn công, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, tăng cường các biện pháp nhằm hỗ trợ, bảo vệ, ứng cứu ngư dân theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. 

Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp,
không khai báo, không theo qui định trên biển. Ảnh: Đức Hạnh

Là quốc gia ven biển với hơn 1 triệu km2 các vùng nước, Việt Nam cũng giống như hầu hết các quốc gia có biển khác, đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh trên biển, nổi lên là nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và các vụ va quệt, tranh chấp ngư trường, nguồn cá; các vụ xung đột pháp luật, bắt giữ, xử lý vi phạm về nghề cá của lực lượng chức năng các nước. Đây là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, khó giải quyết dứt điểm trong bối cảnh Biển Đông đang trở thành “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền, lợi ích những năm gần đây.

Trong khi lực lượng chức năng nước ta đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam để khai thác hải sản thì tình trạng ngư dân và tàu cá Việt Nam sang đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài cũng diễn biến phức tạp. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương ven biển đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ để thực hiện khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống IUU nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với hải sản Việt Nam, song đến nay số lượng tàu cá và ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, số lượng tàu cá vi phạm có giảm nhưng chưa vững chắc.

Đáng chú ý, thời gian qua, số vụ việc tàu cá và ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử phạt, thậm chí bị đối xử thiếu nhân đạo như: tịch thu ngư lưới cụ, đánh chìm tàu... vẫn xảy ra phức tạp do các nước trong khu vực tăng cường các biện pháp cứng rắn để bảo vệ ngư trường của họ. Theo thống kê của Lực lượng Cảnh sát biển, chỉ trong tháng 4 và tháng 5/2020, đã có 108 tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý, trong đó chủ yếu là tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang. Khu vực bắt giữ thường xảy ra ở các vùng biển giáp ranh Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Có những vụ việc nghiêm trọng xảy ra ở vùng biển nước ngoài như vụ 02 tàu cá của Bình Định vi phạm vùng biển Indonesia khai thác hải sản trái phép, ngày 20/4/2020 đã bị một tàu giám sát hải sản của Indonesia truy đuổi, bắt giữ, quá trình truy đuổi, một tàu cá Việt Nam bị chìm làm 4 ngư dân mất tích. Mới đây, phía Malaysia thông báo: vào ngày 03/6/2020, lực lượng chức năng Malaysia đã phát hiện số lượng lớn tàu cá Việt Nam đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Malaysia tỏ ra rất bức xúc vì hoạt động đánh bắt bất hợp pháp này đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Malaysia; làm ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Cơ quan chức năng cũng ghi nhận một số vụ việc tàu cá Việt Nam bị tàu cá nước ngoài uy hiếp, tấn công trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 10/6/2020, một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã truy đuổi và đâm va vào tàu cá QNg 96416TS của ngư dân Quảng Ngãi khi đang đánh bắt hải sản bình thường ở khu vực cách đảo Linh Côn (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 8 hải lý về hướng Tây Nam (thuộc vùng biển Việt Nam). Sau khi đâm va, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã khống chế, đánh đập ngư dân, lấy ngư cụ, tịch thu hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu…

Những vụ việc trên đã lặp đi lặp lại nhiều lần, gây bất an, bất bình cho ngư dân, không chỉ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của ngư dân mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý của các lực lượng chức năng, gây mất an ninh, trật tự, an toàn trên biển, ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, hữu nghị trên vùng biển của khu vực.

Quán triệt thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định, hướng dẫn, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, các bộ ngành liên quan về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu, chống khai thác IUU; với phương châm “Bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển”; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện kế hoạch chống khai thác IUU đã được Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng phê duyệt, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, nắm chắc tình hình trên biển, nhất là tình hình về vi phạm khai thác IUU; tăng cường lực lượng trực tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân làm ăn trên biển; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam cũng như tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn tình trạng khai thác IUU, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Lực lượng Cảnh sát biển đã điều động, sử dụng 214 lượt/chiếc tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; duy trì thường xuyên từ 18-25 lượt/chiếc tàu trực và thực thi pháp luật tại các khu vực biển trọng điểm; đã phát hiện 1.198 lượt/chiếc tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; tuyên truyền, yêu cầu 415 lượt/chiếc ra khỏi vùng biển của Việt Nam; ghi số hiệu 294 tàu, lập biên bản điểm chỉ hải đồ và phóng thích 06 tàu vi phạm. Đáng chú ý, Lực lượng Cảnh sát biển đã ngăn chặn, tuyên truyền cho 58 tàu cá Việt Nam không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép; nắm, xác minh, theo dõi 77 vụ/214 tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý do vi phạm vùng biển của họ đánh bắt hải sản trái phép. Từ đó phân tích, nhận định, đánh giá tình hình và kịp thời tham mưu cho cấp trên, đề xuất các giải pháp ngăn chặn, xử lý, giải quyết vụ việc.

Lực lượng Cảnh sát biển cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, trọng tâm là Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Luật Cảnh sát biển, các văn bản pháp luật liên quan đến IUU; tăng cường các hoạt động đối ngoại, trao đổi thông tin với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực nhằm bảo hộ, trợ giúp ngư dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế; bảo vệ hoạt động khai thác hợp pháp của ngư dân, chống khai thác IUU.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, của Quân ủy Trung ương về đối ngoại, hợp tác quốc tế gắn với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ năm 2019 đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực để trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động IUU nhằm kịp thời phối hợp xử lý nhanh chóng, hiệu quả các vụ việc liên quan. Nổi bật là, Cảnh sát biển Việt Nam đã phát huy hiệu quả các đường dây nóng, trực tiếp liên lạc với cơ quan thực thi pháp luật các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Campuchia... triển khai thường xuyên các hoạt động chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình tàu cá các nước vi phạm vùng biển của nhau; Hợp tác với Cảnh sát biển Trung Quốc tổ chức kiểm tra liên hợp nghề cá tại vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ; thực hiện thường xuyên hiệu quả Thỏa thuận hợp tác với Cục Biên giới biển thuộc Cảnh sát Quốc gia Campuchia và Ủy ban Quốc gia an ninh hàng hải Campuchia về thiết lập hệ thống cung cấp thông tin, trao đổi hợp tác vấn đề ngư dân trên biển; phối hợp lực lượng chức năng các nước trong khu vực đón hàng ngàn ngư dân bị nước ngoài bắt giữ đưa về nước an toàn; phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ, trợ giúp ngư dân…

Thông qua các hoạt động thực tiễn, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp xử lý hiệu quả nhiều vụ việc, bảo vệ an toàn, hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật, tạo chỗ dựa và củng cố niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển. Đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát người, phương tiện nghề cá hoạt động trên biển; tiếp thu được được nhiều kinh nghiệm quý báu trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, thiết thực góp phần cùng các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nỗ lực từng bước để tháo gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam, góp phần giữ vững vùng biển hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển.

Trong thời gian tới, tình hình tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam và tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép dự báo phức tạp. Nhiệm vụ bảo vệ, hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác hải sản đúng quy định và chống khai thác IUU của Lực lượng Cảnh sát biển đứng trước nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về biển và khai thác biển phù hợp với các quy định quốc tế, là cơ sở thuận lợi cho Cảnh sát biển thực thi pháp luật về thủy sản. Với lực lượng, trang bị, phương tiện hiện có, Cảnh sát biển Việt Nam cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chống khai thác IUU; cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm cao, có kinh nghiệm trong cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân, xử lý các tình huống trên biển. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, ngăn chặn tàu cá và ngư dân đánh bắt trái phép trên biển, Lực lượng Cảnh sát biển lại không có thẩm quyền xử phạt hành vi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển quốc gia khác theo quy định tại Điều 20, Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ. Quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng gặp nhiều khó khăn như việc xác định vị trí vi phạm của tàu, nhiều chủ tàu và thuyền trưởng không thừa nhận sai phạm, không muốn khai báo nhằm tránh bị xử lý. Tàu cá nước ngoài vi phạm thường có sự bảo vệ của tàu công vụ, gây khó khăn trong việc tuyên truyền, xử lý và dễ gây ra các xung đột, va chạm trên biển…

Từ đặc điểm tình hình và những thuận lợi, khó khăn nêu trên, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ ngư dân, tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trên biển, chống khai thác IUU, Lực lượng Cảnh sát biển cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc Phòng, Ban Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về chống khai thác IUU, trọng tâm là Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ; các quy định, quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp về chống khai thác IUU cùng các hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về triển khai công tác tuyên truyền, thực hiện công tác pháp luật, kiểm tra, xử lý đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU... Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm, ưu tiên triển khai thực hiện về chống khai thác IUU.

Hai là, duy trì thường xuyên lực lượng trực tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam với các nước, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ chủ quyền, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân trên biển và ngăn chặn, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm, kịp thời phát hiện, tuyên truyền, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền các tàu cá của ngư dân ta vi phạm khai thác IUU, vi phạm các quy định về giấy phép hoạt động, trang thiết bị an toàn, định vị... Quá trình hoạt động trên biển cần thực hiện đúng đối sách; xử lý đúng tình huống theo pháp luật Việt Nam và quốc tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị phương tiện.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Thủy sản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thường xuyên trao đổi, phối hợp với chính quyền các địa phương liên quan trong điều tra, xác minh tàu cá vi phạm, thông tin cho địa phương về số tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài để có biện pháp quản lý, xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật các nước trong khu vực tổ chức các hoạt động tuần tra chung và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ tàu cá và ngư dân khi có tình huống.

Bốn là, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ven biển về khu vực khai thác hợp pháp, các quy định về phòng chống, chấm dứt khai thác IUU. Thông qua các buổi tuyên truyền, các hoạt động giao lưu, ký kết quy chế phối hợp, chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” và các cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” để tuyên truyền cho nhân dân và ngư dân nắm được các quy định của pháp luật liên quan đến mức xử phạt (hành chính, dân sự, kinh tế, hình sự) đối với các hành vi khai thác IUU để nâng cao nhận thức pháp luật, đẩy mạnh tính giáo dục, răn đe. Quá trình tuyên truyền kết hợp cung cấp thông tin về tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam, việc khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC, qua đó khích lệ cộng đồng xã hội cũng như mỗi cá nhân thống nhất, đoàn kết, chung tay thực hiện các hành động cụ thể chống khai thác IUU.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác chặt chẽ với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực để trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm phối hợp xử lý nhanh chóng, hiệu quả các vụ việc phát sinh liên quan đến ngư dân, tàu cá của Việt Nam và các nước vi phạm khai thác IUU trên tinh thần nhân văn, nhân đạo, phù hợp với luật pháp trong nước và quốc tế. Khi giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, cần kết hợp chặt chẽ các yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ để xử lý linh hoạt, mềm dẻo các tình huống, bảo đảm hài hòa cả vấn đề lợi ích kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và đối nội của đất nước. Thông qua các kênh liên lạc, trao đổi thông tin đã được thiết lập để đẩy mạnh các hoạt động tuần tra liên hợp, diễn tập chung, tổ chức các diễn đàn, hội thảo quốc tế, khu vực nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong nỗ lực chống khai thác IUU. Thường xuyên thông tin kịp thời các hoạt động về chống khai thác IUU của Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng chức năng Việt Nam để các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hiểu chính xác, đầy đủ những quyết tâm, nỗ lực của chúng ta trong giải quyết vấn đề khai thác IUU, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay./.

Trung tướng, TS. NGUYỄN VĂN SƠN
Tư lệnh Cảnh sát biển

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com