Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền chống khai thác IUU

08/12/2023 01:15:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng hiệp đồng, cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các các giải pháp chống khai thác IUU; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân, chủ tàu cá, ngư dân, quản lý cảng cá, chủ cơ sở, doanh nghiệp tàu thu mua thủy sản… chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Từ ngày 10 đến 18/10/2023, Đoàn Thanh tra của EC đã thanh tra thực tế lần thứ tư về chống IUU tại Việt Nam, sau 8 ngày làm việc, EC đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam và chuyển biến tích cực từ “nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm”. Tuy vậy, kết quả thực tế tại địa phương được kiểm tra còn hạn chế. EC cho rằng việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với doanh nghiệp gian lận chưa nghiêm; đề nghị Việt Nam loại bỏ tàu “3 không” (không có giấy tờ, không có đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Hội nghị rút kinh nghiệm đánh giá kết quả ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài đợt cao điểm tháng 10/2023, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Cục Chính trị Cảnh sát biển đã có công văn số 13271/CT-DV ngày 05/12/2023 đề nghị các đơn vị đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân và ngư dân, cụ thể như sau:

Đối tượng tuyên truyền

Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, ngư dân, chú trọng các đối tượng là người lao động, thuyền trưởng, chủ tàu cá đánh bắt, chủ thu mua thủy sản và nhà cung cấp các dịch vụ tàu cá.

Về nội dung tuyên truyền

Thay đổi nhận thức về tuyên truyền IUU; tập trung tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Công điện số 1058/CĐ-TTg ngày 04/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp và kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU (trong đó có hành vi ngắt kết nối tín hiệu VMS từ 06 tiếng trở lên).

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân.

Sửa đổi nội dung tờ rơi tuyên truyền: Ngoài nội dung tuyên truyền tác động các lệnh phạt về IUU của EC đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đưa các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài, tàu cá mất tín hiệu VMS từ 06 tiếng trở lên (trừ lỗi kỹ thuật) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến các hành vi vi phạm nghiêm trọng ( tịch thu tàu); lấy dẫn chứng cụ thể các vụ việc vi phạm khai thác thủy sản đã xử lý thời gian qua làm nội dung tuyên truyền để bảo đảm tính răn đe, cảnh tỉnh, làm thay đổi nhận thức của ngư dân; khuyến khích ngư dân khai thác hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa để được hưởng lợi ích từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ như: Âu neo đậu tàu, làng chài, dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, khu neo đậu tránh trú bão…góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển.

Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng làm tốt công tác tuyên truyền vận động, yêu cầu các chủ doanh nghiệp kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy hải sản không rõ nguồn gốc khai thác; cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi vi phạm khai thác IUU.

Về hình thức, phương pháp tuyên truyền

Tập trung đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận sát đối tượng, đáp ứng nhu cầu của đối tượng, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền miệng, cấp phát tờ rơi, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích, tranh ảnh...; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền thanh). Các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng nội dung tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018; việc xử phạt vi phạm pháp luật về khai thác hải sản bất hợp pháp, các tàu mất tín hiệu VMS, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS, theo hình thức “sân khấu hóa” phát sóng trên truyền hình của địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình xây dựng các phim, phóng sự, tin bài chuyên sâu, đưa các nội dung quy định chế tài xử phạt của Việt Nam và các nước trong khu vực khi tàu cá vi phạm IUU vào chuyên mục “Những điều ngư dân cần biết”, “Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển đảo”.

Các đại biểu tham gia Tọa đàm "Cảnh sát biển Việt Nam: Cùng ngư dân phòng, chống khai thác IUU" do Báo Quân đội nhân dân thực hiện.

Tiếp tục tập trung nguồn lực, phối hợp với các cấp ủy, cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội của địa phương tổ chức thành các tổ, đội tuyên truyền trực tiếp cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân các tàu đánh bắt xa bờ về neo đậu tại các âu tàu, cảng cá của địa phương; các tàu Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, nhất là trên các vùng biển giáp ranh chồng lấn, cần tích cực, chủ động tiếp cận tàu cá hoạt động đánh bắt trên thực địa, phát loa, thông qua hệ thống thông tin liên lạc để tuyên truyền cảnh báo tàu cá không vượt ranh sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy hải sản trái phép. Kết hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền với triển khai tổ chức tốt các hoạt động công tác dân vận (chương trình, mô hình…) và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, hành chính (yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm IUU...). 

Gỡ thẻ vàng EC là quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân vì lợi ích của nhân dân, đất nước, nâng cao vị thế, hình ảnh và trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết của Điều ước Quốc tế trong đó có quyết tâm không nhỏ của Quân đội nói chung và đặc biệt là Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng luôn sẵn sàng đồng hành với ngư dân. Chúng ta hi vọng rất lớn sẽ có một kết quả tốt, tích cực khi Đoàn Thanh tra của EC sẽ kiểm tra thực tế vào tháng 5 - 6/2024 tới đây.

Đức Tĩnh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com