12/05/2020 08:48:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, vùng đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2 , có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng gấp 3 lần diện tích đất liền. Tài nguyên hải sản của vùng biển nước ta khá phong phú và đa dạng với hơn 2.000 loài sinh vật biển, bảo đảm trữ lượng khai thác hằng năm gần 2 triệu tấn cộng với các điều kiện thủy văn và hệ thống sông ngòi, kênh rạch rất thuận lợi cho việc phát triển, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, tạo nên những thế mạnh, tiềm năng trong phát triển kinh tế biển của đất nước.
Lực lượng Cảnh sát biển tặng phao tròn và tuyên truyền pháp luật cho ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển. (Ảnh: Lam Giang)
Có thể nói, từ lâu đời biển là không gian sinh tồn, chỗ dựa sinh kế cho hàng triệu ngư dân, với tổng số khoảng trên 130.000 tàu thuyền đánh cá, hằng ngày có tới 10% tổng số tàu của ngư dân hiện diện thường xuyên trên các vùng biển, ngoài việc làm ăn sinh sống có thể nói đây không chỉ là nhân tố tích cực trong việc phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh quốc phòng, mà đây còn là lực lượng nòng cốt, không thể thiếu trong chiến lực phát triển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên biển. Đến nay, số lượng, chất lượng tàu cá đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên cùng với sự phát triển này, trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng ngư dân ta đưa tàu đi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, đặc biệt là khoảng thời gian từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019, tình trạng tàu cá và ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép có diễn biến phức tạp, nhất là ở các vùng biển giáp ranh với các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Theo số liệu thống kê của lực lượng Cảnh sát biển, mỗi năm có tới vài trăm lượt tàu cá Việt Nam cùng hàng ngàn ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bị lực lượng chức năng của các nước bắt giữ. Qua theo dõi nắm được từ năm 2017 đến nay, trên cả nước đã có hơn 1.000 tàu cá bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ. Thực trạng này đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tác động xấu đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường thế giới và đây cũng là một trong những lý do mà Liên minh châu Âu đã rút “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam.
Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) ra quyết định áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam (23/10/2017), Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản và triển khai nhiều nội dung liên quan để các cơ quan, ban, ngành thực hiện nhằm khắc phục cảnh báo của EC về các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định như Công điện số 732/CĐ-TTg, 1275/CĐ-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg, Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và mới đây nhất là Quyết định số 596/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (BCĐ Quốc gia về IUU) để tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương thời gian qua, việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mới, phù hợp với quy định quốc tế đến công tác kiểm soát, giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận thủy sản khai thác đã có sự cải thiện đáng kể so với trước đây. Đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU tương đối mạnh đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, nhất là thời gian từ cuối năm 2019 trở lại đây.
Nếu như những năm trước, tàu cá và ngư dân ta vi phạm khai thác hải sản trái phép chủ yếu tập trung ở các vùng biển như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines với số lượng lớn, thì từ đầu năm 2020 đến nay số lượng tàu cá vi phạm ở các vùng biển này đã giảm mạnh, qua công tác theo dõi và thống kê cho thấy tàu cá vi phạm những tháng đầu năm nay chủ yếu là ghe, xuồng, tàu cá loại nhỏ, không có số hiệu của ngư dân Kiên Giang thường đánh bắt đi về trong ngày tại vùng biển giáp ranh với Campuchia. Mặc dù, công tác quản lý đã được siết chặt, các hoạt động của tàu cá trên biển đã được theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, ý thức chấp hành pháp luật của phần lớn ngư dân trong quá trình khai thác hải sản đã được nâng lên, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước cũng đã giảm đáng kể về số vụ việc và số tàu vi phạm. Tuy vậy, cũng vẫn còn một số ít tàu cá cố tình vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản trái phép bị lực lượng chức năng của các nước bắt giữ, xử lý. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do lợi ích kinh tế, nhận thức của ngư dân chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ tàu chưa nghiêm, công tác quản lý nhà nước thiếu đồng bộ, các cấp chính quyền cơ sở vào cuộc chưa thật sự kiên quyết, chế tài xử phạt chưa nghiêm. Bên cạnh đó, việc phát triển đội tàu cá còn tự phát, chưa được kiểm soát phù hợp với ngư trường nguồn lợi. Một số vùng biển nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng; các quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản chưa sửa đổi kịp thời; năng lực kiểm soát tàu cá trên biển còn hạn chế, chưa được bảo đảm, dẫn đến nhiều bất cập, làm cho số lượng tàu cá của ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn nhiều. Cùng với đó các nước trong khu vực tiếp tục có nhiều chính sách, biện pháp mới đối phó với nạn đánh cá bất hợp pháp, từ ban hành Luật, xây dựng lực lượng chấp pháp với nhiều trang bị hiện đại để tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý rất nghiêm đối với tàu cá và ngư dân nước ngoài, trong đó có tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển của họ để đánh bắt hải sản trái phép. Việc nhiều tàu cá của ngư dân ta bị nước ngoài xử phạt, thậm chí rất nặng, bị nhấn chìm, tiêu hủy, phạt tù, phạt tiền… điều này thể hiện sự quyết liệt và cứng rắn để bảo vệ lợi ích từ biển cũng như nguồn lợi tài nguyên hải sản, đây cũng là nguyên nhân làm tăng thêm số lượng tàu cá của ngư dân ta bị bắt trong thời gian qua.
Có thể nói, việc khắc phục và giải quyết các khuyến nghị của ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định hiện nay không còn là vấn đề của riêng bộ, ngành nào, mà là vấn đề đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với chức năng nhiệm vụ duy trì, thực thi pháp luật trên biển, vì vậy có vai trò trực tiếp trong việc kiểm tra, giám sát đối với các tàu cá hoạt động trên biển. Thời gian qua, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trên các vùng biển, Lực lượng Cảnh sát biển đã quán triệt có hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Quốc phòng về cơ chế, chính sách quản lý tàu cá, đặc biệt đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền cho ngư dân ở các vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vcác trường hợp tàu cá cố tình vi phạm; thường xuyên phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, đài truyền hình địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Xây dựng và viết trên 100 bài báo, phóng sự, clip về hoạt động chống đánh bắt cá trái phép và những giải pháp của Lực lượng Cảnh sát biển trong khắc phục “thẻ vàng” của EU, trong đó nổi bật và ghi dấu ấn trong hoạt động tuyên truyền thời gian qua là chương trình Cảnh sát biển “Đồng hành với ngư dân”. Đây là mô hình công tác dân vận mới, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng, chương trình gồm nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như: tổ chức giao lưu văn nghệ, tuyên truyền về biển, đảo và công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên biển cho ngư dân; ký kết quy chế phối hợp với các địa phương ven biển, tặng quà, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân. Qua đó, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cho ngư dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong trong toàn Lực lượng tổ chức, điều tra xác minh hàng trăm vụ việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, kịp thời báo cáo trên theo đúng quy định. Đã cùng với Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tiến hành ký Bản ghi nhớ hợp tác nhằm bảo đảm trong việc cam kết chống lại khai thác IUU; đồng thời đã chủ động trao đổi với lực lượng thực thi pháp luật, ký kết, lập đường dây nóng, tổ chức tuần tra chung với các nước có vùng biển tiếp giáp để đề nghị cung cấp thông tin và kịp thời giải quyết các vấn đề về tàu cá, ngư dân Việt Nam bị các nước bắt giữ. Bên cạnh đó, đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tuyên truyền cho ngư dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm của ngư dân (đặc biệt là thuyền trưởng, chủ tàu) trong thực hiện chỉ thị, chấp hành quy định của Nhà nước về hoạt động nghề cá; các điều ước quốc tế có liên quan; luật pháp, quy định của các quốc gia có biển lân cận; tác hại hậu quả khi bị các lực lượng chức năng bắt giữ... để ngư dân không xâm phạm, tự giác chấp hành khi hoạt động khai thác hải sản trên biển, góp phần đồng hành cùng ngư dân, để ngư dân cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và yên tâm vươn khơi bám biển.
Thời gian tới, tình hình thời tiết, dòng nước, lượng cá sẽ thuận lợi cho việc khai thác hải sản trên vùng biển giáp ranh với các nước trong khu vực; do đó, tình hình tàu cá Việt Nam tập trung hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực này có thể sẽ vẫn diễn ra. Nhằm tích cực góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành khai thác hải sản Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau.
Một là, tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai có hiệu quả Công điện 732, Công điện 1257, Chỉ thị số 45/CT-TTg, Quyết định 78 QĐ- TTg về Kế hoạch Hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Hai là, tăng cường, duy trì các lực lượng tuần tra kiểm soát các khu vực, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với Indonesia, Thái Lan, Malaysia để khẳng định chủ quyền, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, giải quyết kịp thời các tranh chấp và bảo vệ ngư dân hành nghề trên biển.
Ba là, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tàu cá, thuyền trưởng cố tình vi phạm và có hành vi đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, tạo sức răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản.
Bốn là, chủ động nắm tình hình trên các vùng biển và địa bàn có liên quan; kịp thời phát hiện, xác minh, điều tra các hành vi môi giới, đầu tư cho tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về Việt Nam không đúng quy định.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành ven biển và các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân tiếp cận đầy đủ thông tin cảnh báo “thẻ vàng”, thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU và các quy định của pháp luật.
Sáu là, khai thác hiệu quả đường dây nóng giữa Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng chấp pháp các nước trong khu vực, kịp thời trao đổi thông tin tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài; đề nghị các nước trong khu vực hỗ trợ, giúp đỡ khi ngư dân ta gặp phải các tình huống cần cứu hộ, cứu nạn và có chính sách nhân đạo khi ngư dân ta vi phạm vùng biển các nước trong khu vực.
Tích cực triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp trên, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ góp phần cùng với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng tàu cá và ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép và khắc phục các khuyến cáo của Ủy ban châu Âu để sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam./.
Thiếu tá Bùi Thị Thanh Huyền - Trợ lý Phòng PCTP vi phạm/Cục Nghiệp vụ và pháp luật