Một số giải pháp tăng cường công tác phòng chống khai thác IUU, tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” EC

13/09/2022 09:45:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Việt Nam là một trong những nước có nguồn lợi thủy, hải sản phong phú, đa dạng trong khu vực và trên thế giới; có tốc độ tăng trưởng thủy sản nhanh nhất, đứng thứ 3 thế giới về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đã có mặt tại 170 quốc gia trên thế giới, được nhiều nước ưa chuộng và thị trường châu Âu (EU) được coi là thị trường xuất khẩu thủy sản chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng biện pháp cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu với lý do ngành khai thác thủy sản của nước ta vi phạm Quy định của EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thực tế trong suốt thời gian hơn 4 năm qua, đã có 21 quốc gia bị rút thẻ vàng, trong đó 14 quốc gia đã gỡ được, còn lại 7 quốc gia, trong đó có Việt Nam. EC cho rằng, Việt Nam vẫn còn hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, đặc biệt là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn bất cập. Đáng lo ngại là không phải ngư dân nào cũng biết, khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam sẽ bị kiểm tra gắt gao khi xuất khẩu sang EU. Theo đó, hệ lụy từ “thẻ vàng” IUU đã gây ra nhiều tổn thất đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam vào thị trường thế giới và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hải đoàn 21/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phát tờ rơi tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân.

Trên địa bàn vùng biển của Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 2 quản lý trải dài từ Cồn Cỏ/Quảng Trị đến Cù Lao Xanh/Bình Định, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và một phần phía Bắc quần đảo Trường Sa. Đây là vùng biển dồi dào về tài nguyên biển, nguồn thủy sản đa dạng phong phú; các điều kiện thủy văn và hệ thống sông ngòi, kênh rạch rất thuận lợi cho việc phát triển, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, tạo nên những thế mạnh, tiềm năng trong phát triển kinh tế biển của đất nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản lượng thủy sản trên khu vực biển này đã giảm xuống do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân là việc khai thác không đúng quy trình, khai thác hủy diệt bằng các loại chất nổ, chất độc, các loại lưới không đúng kích thước quy định, đèn pha quá công suất, khai thác ở vùng biển cấm, vào mùa sinh sản hạn chế khai thác… dẫn đến nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt. Do đó, vì lợi ích kinh tế, chủ tàu (thuyền trưởng) đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài với nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau dẫn đến vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là ở các vùng biển giáp ranh với các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Đây cũng là một trong những lý do mà Ủy ban châu Âu đã rút “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Hiện nay, tổng số tàu cá đang hoạt động của 6 tỉnh trên địa bàn đơn vị quản lý là khoảng trên 17.000 tàu. Trong đó, số tàu đã lắp đặt VMS là trên 15.400 tàu; số tàu khai thác xa bờ là trên 8.500 tàu. Ngư trường truyền thống chủ yếu ở khu vực biển Hoàng Sa và cửa Vịnh Bắc Bộ. Tình hình tàu cá trên địa bàn đơn vị quản lý xâm phạm vùng biển nước ngoài, bị bắt giữ có giảm nhưng chưa vững chắc, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tỷ lệ chưa cao (Quảng Trị chỉ đạt 60,55%); công tác truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác tại nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đảm bảo độ tin cậy (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị); tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra (Bình Định, Quảng Ngãi); khi hoạt động trên biển còn có tình trạng một số tàu cá tắt thiết bị giám sát hành trình (Quảng Ngãi, Bình Định...), gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã xảy ra 06 vụ/08 tàu cá/87 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, bị lực lượng chức năng nước ngoài phát hiện, truy đuổi, bắt giữ và đưa về bờ xử lý (Bình Định: 05 vụ/07 tàu/44 ngư dân; Quảng Ngãi: 01 vụ/01 tàu/43 ngư dân). Phần lớn các tàu cá bị bắt giữ đều xâm phạm sâu vào vùng biển Malaysia khai thác hải sản trái phép (khu vực Đông Bắc - Đông Đông Nam Kuala Terengganu/Malaysia khoảng 72-102 hải lý/Nam đường yêu sách Malaysia - Việt Nam khoảng 62-87 hải lý); sử dụng nhiều thủ đoạn để né tránh các lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát như: Lợi dụng thời tiết xấu, lực lượng chức năng trên thực địa còn mỏng để vi phạm, tắt thiết bị giám sát hành trình khi di chuyển đến khu vực giáp ranh với vùng biển Malaysia....

Có thể nói, việc khắc phục và giải quyết các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định hiện nay không còn là vấn đề của riêng Bộ, Ngành nào, mà là vấn đề đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường, tác động đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Vì lợi ích kinh tế, ngư dân ta vẫn có xu hướng đưa tàu ra vùng biển nước ngoài khai thác vi phạm IUU và có các hoạt động khai thác thủy sản trái với quy định của pháp luật trên chính vùng biển của ta. Mặt khác, nếu chúng ta không khẩn trương tiến hành các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tàu cá vi phạm IUU để EC gỡ "thẻ vàng" thì nguy cơ bị áp "thẻ đỏ" về lĩnh vực thủy sản là rất lớn, đồng nghĩa với việc EC sẽ cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản khai thác của Ta, làm ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân. Trước tình hình trên, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU. BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác phòng chống khai thác IUU tiến tới gỡ bỏ “thẻ vàng” EC như sau:

Nhóm giải pháp thứ nhất: Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng: Cảnh sát biển, Công an, Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Nghiệp đoàn Nghề cá và chính quyền địa phương:

 - Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đơn vị quản lý thực hiện các nội dung, chủ trương, giải pháp tại Báo cáo số 1913/BCĐ-CQTT ngày 05/7/2022 của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về IUU gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và Công văn số 6152/BTL-NV ngày 04/7/2022 của Tư lệnh Cảnh sát biển gửi lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh ven biển.

 - Chia sẻ, trao đổi, phối kiểm, xác minh thông tin về tình hình tàu cá vi phạm IUU, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển. Các lực lượng nắm chắc, giám sát chặt chẽ địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để, xử lý ngay từ cơ sở, từ “gốc rễ” của vấn đề, quản lý đội ngũ tàu từ xã, phường, tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phòng chống khai thác IUU đến từng cán bộ, từng người dân một cách hiệu quả, thường xuyên.

 - Quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm soát chặt chẽ tàu cá từ lúc xuất bến, rời cảng đến khu vực được phép khai thác, đánh bắt thủy sản qua hệ thống VMS. Kịp thời phát hiện các tàu cá có dấu hiệu vi phạm, yêu cầu các tàu nghi vấn chấp hành nghiêm quy định, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Kịp thời cập nhật tình hình, xác minh cụ thể, nhanh chóng và chính xác các vụ việc.

Nhóm giải pháp thứ hai: Tăng cường công tác bám nắm địa bàn đơn vị quản lý

 - Lực lượng trinh sát, pháp luật tăng cường biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nắm tình hình địa bàn, trên biển, nắm chắc thông tin tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, làm tốt công tác trao đổi, phối kiểm thông tin với các lực lượng hiệp đồng, tiến hành xác minh thông tin các vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý.

 - Lập danh sách, khoanh vùng đối tượng (chủ tàu, thuyền trưởng, đối tượng liên quan), nắm chắc địa bàn để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

 - Làm tốt công tác điều tra cơ bản, phối hợp với Công an, Bộ đội Biên phòng của các địa phương để thu thập tài liệu làm căn cứ xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh, bóc gỡ đường dây của các tổ chức, cá nhân có hành vi môi giới, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và chuộc tàu từ nước ngoài về để xử lý nghiêm minh.

Nhóm giải pháp thứ ba: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát

 - Tiếp tục duy trì và tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn đơn vị quản lý để phòng, chống khai thác IUU; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các lực lượng thực hiện nhiệm vụ qua hệ thống VSAT và trên thực địa. Thường xuyên duy trì lực lượng tàu trực tại các vùng biển, đặc biệt là trên các khu vực biển giáp ranh, vùng biển trọng điểm, thay đổi quy luật tuần tra, kiểm soát tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát vào ban đêm để kịp thời pháp hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý các tàu thuyền vi phạm đánh bắt trên các vùng biển.

 - Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức các đợt cao điểm để tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để tuyên truyền, giáo dục.

 - Làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, con người, trang bị để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát khi có lệnh. Đồng thời sẵn sàng tăng cường lực lượng thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại vùng biển giáp ranh khi có yêu cầu và chỉ đạo của BTL Cảnh sát biển.

Nhóm giải pháp thứ tư: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

 - Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền chống khai thác IUU theo hướng tập trung tuyên truyền tại các địa phương có nhiều tàu đánh bắt xa bờ, tàu có “nguy cơ cao” vi phạm IUU (Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị…), gắn với việc tổ chức các hoạt động, chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc tôn giáo” cho cán bộ, ngư dân, đưa nội dung các câu hỏi về chống khai thác IUU vào cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương".

 - Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức: sân khấu hóa, thông qua pano, áp-phích, cấp phát tờ rơi... tổ chức tuyên truyền phòng chống IUU trên sóng truyền hình của địa phương. Trực tiếp gặp gỡ các đối tượng là chủ tàu, thuyền trưởng (nhất là các tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép) để tuyên truyền.

 - Khi thực hiện nhiệm vụ trên biển, kết hợp tổ chức tuyên truyền cho tàu cá, ngư dân đang hoạt động trên biển các quy định của pháp luật Việt Nam về chống khai thác IUU, đề nghị ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi hoạt động trên biển, đồng thời kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng khi phát hiện các vi phạm của tàu, thuyền khác./.

Đại tá LÊ HUY SINH
Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com