17/10/2022 10:34:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (gọi tắt là thiết bị VMS) đối với các tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng xóa “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, các cơ quan chức năng trong đó có Lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị VMS nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản, người và tài sản của ngư dân.
Cụ thể hơn, VMS là thiết bị cung cấp thông tin về vị trí, vết đi và một số hoạt động của tàu thuyền cho nhà quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin giữa trạm quản lý và tàu thuyền hoạt động trong vùng kiểm soát của hệ thống. Điều đó góp phần vào việc quản lý nghề cá bằng công nghệ mới như: hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn; ước tính trữ lượng nguồn lợi thủy sản dựa trên cơ sở dữ liệu VMS; có thể xác định được phạm vi ngư trường chính xác cho các loài thủy sản; đặc biệt có thể xác định hành vi khai thác trái phép của tàu cá.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và Đồn Biên phòng Tràng Cát (Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng) vừa có đợt phối hợp tuyên truyền về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho bà con ngư dân tại cảng cá Mắt Rồng ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Đây là nơi neo đậu của gần 300 phương tiện đánh bắt hải sản và tàu dịch vụ nghề cá của 3 xã Lập Lễ, Phục Lễ và Phả Lễ.
Lực lượng chức năng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng tuyên truyền phòng, chóng IUU, tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân tại cảng cá Mắt Rồng.
Theo Thượng úy Lê Hoàng Việt - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Bạch Đằng, Đồn Biên phòng Tràng Cát, tại khu vực cảng cá Mắt Rồng, đến nay, số lượng tàu cá được lắp thiết bị VMS ở đây lên đến 98%, chỉ còn một vài tàu chưa lắp vì số tàu này thường xuyên nằm tại cảng. Thời gian qua, bên cạnh việc xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng đối với những chủ tàu cá vi phạm quy định khi không lắp đặt thiết bị VMS để nhằm răn đe, góp phần nâng cao kết quả thực hiện những khuyến nghị của EC trên địa bàn thành phố thì Lực lượng Biên phòng nói chung trong đó có Đồn Biên phòng Tràng Cát đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con ngư dân tự giác lắp đặt thiết bị VMS. Điều đó đã góp phần cùng cả hệ thống chính trị chung tay nỗ lực, quyết tâm gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản cả nước.
Lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân tại Nghệ An.
Theo ông Vũ Văn Cự - Liên tập đoàn trưởng, Liên tập đoàn Đánh cá biển Nam Triệu (xã Lập Lễ), trước đây, ngư dân của địa phương chủ yếu hoạt động tự do, chưa hiểu hết được mục đích, lợi ích của việc lắp đặt thiết bị VMS nhưng khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động thì bà con đã nhận thức được tầm quan trọng của việc làm này và tự giác chấp hành. Vừa đạt được lợi ích chung của đất nước, vừa vì quyền lợi của từng bà con và từng chủ tàu.
Có thể thấy, từ khi triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tình trạng ngư dân ở các địa phương của thành phố vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề đã giảm xuống. Không chỉ vậy, điều đó còn giúp cho ngư dân và phương tiện có được kênh thông tin, tránh được những rủi ro trong quá trình hành nghề.
Thường xuyên khai thác, đánh bắt tại ngư trường vịnh Bắc bộ, anh Đinh Như Tài - ngư dân xã Lập Lễ rất quan tâm đến thời tiết, mưa bão. Trước đây, anh thường xuyên cập nhật thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới cũng như được hướng dẫn di chuyển đến vùng an toàn. Sau khi lắp đặt thiết bị VMS, con tàu của anh có thêm một kênh tiếp nhận thông tin tin cậy. Anh Tài cho biết: “Không chỉ nhắc nhở cho chúng tôi biết vị trí, vùng biển mình đang khai thác hải sản, thiết bị VMS còn thường xuyên thông báo để ngư dân biết về tình hình thời tiết trên các vùng biển. Điều đó giúp chúng tôi chủ động hơn để ứng phó với thời tiết trong quá trình đánh bắt!”.
Còn anh Nguyễn Trọng Minh, ngư dân xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hiện đang làm việc trên tàu cá của xã Lập Lễ thì chia sẻ: “Việc lắp đặt thiết bị VMS giúp tôi biết được vùng miền mình đánh bắt ở đâu để không đi qua vùng biển của mình. Mình có thể biết được địa điểm và khi có vấn đề gì trục trặc trên biển thì có thể điện báo ngay cho các cơ quan đến hỗ trợ, thực sự VMS cũng có nhiều lợi ích lắm!”.
Là người thường xuyên làm nhiệm vụ trên biển, Thiếu tá Hoàng Văn Đức - Cảnh sát viên, Đội Nghiệp vụ số 1, Phòng Pháp luật (Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1) cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã kết hợp với lực lượng Biên phòng và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con ngư dân nắm chắc về tác dụng của thiết bị VMS. Thiết bị VMS rất quan trọng, nhất là trong quá trình gặp sự cố ở trên biển, thiết bị có thể giúp bà con xác định được vị trí tàu gặp nạn đề cơ quan chức năng đến ứng cứu kịp thời. Nhận thức được tầm quan trọng của thiết bị nên bà con tự giác lắp đặt thiết bị, bảo đảm quá trình khai thác thuỷ sản đúng khu vực, không vi phạm sang vùng biển nước ngoài”.
Giờ đây, bà con ngư dân đã tự tin hơn trong những ngày dài vươn khơi, bám biển. Cùng với sự hiểu biết về pháp luật, sự hỗ trợ từ các lực lượng chức năng, trong đó có Lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, những thiết bị VMS đã trở thành điểm tựa để bà con ngư dân vững tin vươn khơi khai thác thuỷ sản trên các vùng biển xa, vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lam Giang