Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tập huấn trực tuyến các chuyên ngành hậu cần năm 2021

24/02/2021 11:04:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 24/2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức tập huấn trực tuyến chuyên ngành hậu cần năm 2021 cho 146 cán bộ, nhân viên hậu cần tại các điểm cầu: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, 2, 3, 4; Đoàn Đặc nhiệm PCTP ma túy số 1, 3, 4; Đoàn Trinh sát số 1, 2. Đại tá Nguyễn Văn Hưng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển dự và phát biểu chỉ đạo.      

Đại tá Nguyễn Văn Hưng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển phát biểu chỉ đạo.  

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Đại tá Nguyễn Văn Hưng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển nhấn mạnh: Tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 765/NQ-QUTW và Nghị quyết 379-NQ/ĐU của Đảng ủy Cảnh sát biển về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; lấy nhiệm vụ “Bảo vệ chủ quyền thực thi pháp luật và xây dựng Cảnh sát biển chính quy, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện” gắn với xây dựng ngành hậu cần vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Do đó yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Hậu cần Cảnh sát biển ngày càng cao và nặng nề. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ngành Hậu cần Cảnh sát biển cần tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để nâng cao vai trò, năng lực của ngành lên một tầm cao mới. Một trong những giải pháp đó là công tác huấn luyện nói chung và công tác tập huấn nói riêng. Vì vậy công tác tập huấn là hết sức cần thiết, đòi hỏi Ngành Hậu cần Cảnh sát biển xác định là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác Hậu cần Cảnh sát biển... Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đợt tập huấn này, đồng chí Phó Tư lệnh yêu cầu các đồng chí tham gia tập huấn nghiêm túc, nắm chắc các nội dung tập huấn, làm cơ sở để phổ biến, quán triệt, tập huấn lại cho đơn vị, từ đó thực hiện thống nhất trong toàn lực lượng.          

Giáo viên Học viện Hậu cần lên lớp buổi tập huấn.

Quang cảnh buổi tập huấn.

Thời gian buổi tập huấn là cả ngày 24/02. Tham gia đứng lớp có các giáo viên là giảng viên Học viện Hậu cần, chuyên viên Cục Doanh trại/ Tổng cục Hậu cần và trưởng phòng Quân nhu, Quân y và Xăng dầu Cảnh sát biển. Tại buổi tập huấn, các cán bộ, nhân viên Ngành Hậu cần Cảnh sát biển đã tập trung nghiên cứu các chuyên đề về: một số nội dung chính của công tác xây dựng chính quy ngành hậu cần năm 2021; nội dung, biện pháp chính thực hiện “Nhà ăn, nhà bếp chính quy - an toàn - chất lượng”; quy trình, thứ tự các bước phòng chống dịch; hướng dẫn thực hiện công tác giám sát, quản lý, nghiệm thu chất lượng và thanh quyết toán dự án hoàn thành; hướng dẫn công tác bảo đảm, thanh quyết toán xăng dầu Cảnh sát biển... qua đó nhằm tạo sự thống nhất trong thực hiện công tác hậu cần, nâng cao trình độ quản lý chỉ huy, điều hành các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần, từ đó nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần, giữ ổn định, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng Ngành Hậu cần Cảnh sát biển vững mạnh, tiến lên hiện đại của Lực lượng.

Đại tá Lê Đông Thùy - Chủ nhiệm Hậu cần Cảnh sát biển phát biểu bế mạc buổi tập huấn.

Thừa ủy quyền của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Đại tá Lê Đông Thùy - Chủ nhiệm Hậu cần đã phát biểu bế mạc buổi tập huấn. Đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần nhấn mạnh: sau một ngày làm việc khẩn trương, tích cực, nhiệm vụ tập huấn các chuyên ngành hậu cần năm 2021 đã thực hiện đúng theo nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Đồng chí đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các giáo viên và cán bộ, học viên. Để buổi tập huấn các chuyên ngành hậu cần năm 2021 phát huy được tác dụng vào thực tiễn, yêu cầu các đồng chí giáo viên, cơ quan Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cần tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các nội dung tập huấn, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, kiểm tra việc vận dụng triển khai các nội dung tập huấn tại các đơn vị cơ sở; lấy ý kiến phản hồi từ đơn vị cơ sở, kịp thời bổ sung, hoàn thiện, củng cố, nâng cấp hệ thống văn bản, hướng dẫn, quy định sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần của đơn vị, đảm bảo thống nhất trong toàn lực lượng; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương thức tập huấn mới đảm bảo tính thiết thực hiệu quả như ứng dụng nhiều hơn nữa CNTT, sản xuất các mô hình học cụ, các chương trình cơ bản, biện pháp bảo đảm hậu cần mang đặc thù Cảnh sát biển… từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn góp phần xây dựng Ngành Hậu cần Cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với cán bộ, nhân viên tham gia tập huấn cần kịp thời triển khai, ứng dụng các nội dung tập huấn vào thực tiễn thực hiện các mặt công tác bảo đảm hậu cần của đơn vị theo đúng hướng dẫn, quy định của các chuyên ngành; phát hiện, bổ sung những vấn đề còn thiếu, chưa phù hợp để đề xuất với Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển làm cơ sở điều chỉnh thống nhất trong toàn lực lượng; đồng thời tổ chức phổ biến, quán triệt, tập huấn lại trong toàn đơn vị, góp phần tích cực trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu, thực hiện chính quy ngành Hậu cần Cảnh sát biển.

Tin, ảnh: Thúy Nga

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com