Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 làm chủ công nghệ mới sửa chữa tàu thuyền

09/04/2017 04:44:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Khác với những lần sửa chữa trước, đây là lần đầu tiên tàu CSB 2013 được đưa lên đốc sửa chữa tại Trạm Sửa chữa tổng hợp của BTL Vùng CSB 2. Và đây cũng là lần đầu tiên sau khi đưa vào hoạt động, Trạm Sửa chữa tổng hợp của đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo dưỡng, sửa chữa thành công tàu thuyền hỏng hóc lớn.

Được đầu tư hiện đại và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 10/2016, Trạm Sửa chữa tổng hợp tại BTL Vùng CSB 2 là trạm sửa chữa đầu tiên của Lực lượng Cảnh sát biển có thể nâng hạ tàu và tổ chức sửa chữa lớn đối với tàu có lượng giãn nước dưới 250 tấn và các phương tiện tổng hợp khác. Trạm được trang bị nhiều máy móc hiện đại như máy phay, bào, tiện, máy cán tôn, uốn tôn, uốn ống, hệ thống phun cát, phun sơn và các hệ thống bổ trợ như xe cẩu tải hạng nặng, xe nâng… Với các thiết bị này, trạm có thể đáp ứng yêu cầu của qui trình sửa chữa trang thiết bị mặt boong, thay thế tôn vỏ, vệ sinh làm sạch toàn bộ thân và phục vụ sửa chữa máy chính, máy phụ cùng các loạt xuồng máy, thiết bị cơ khí hàng hải

Cán bộ, nhân viên Trạm sửa chữa BTL Vùng CSB 2 sử dụng hệ thống cẩu chuyên dùng đưa tàu CSB 2013 xuống nước

Cán bộ, nhân viên Trạm sửa chữa BTL Vùng CSB 2 sử dụng hệ thống cẩu chuyên dùng đưa tàu CSB 2013 xuống nước.

Tiếp nhận một trạm sửa chữa tổng hợp hiện đại ở Việt Nam và duy nhất của Lực lượng Cảnh sát biển, vấn đề đặt ra với BTL Vùng CSB 2 là làm sao vận hành an toàn, làm chủ công nghệ và phát huy năng lực của trạm vào nhiệm vụ. Với quân số ban đầu gồm 9 đồng chí được phân công tiếp nhận bàn giao thiết bị từ đơn vị cung cấp, sau 5 tháng, BTL Vùng CSB 2 đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ đội ngũ cán bộ chuyên môn của từng hạng mục kỹ thuật và đưa vào vận hành trạm sửa chữa. Để nhanh chóng làm chủ, khai thác hết thiết bị, phục vụ sửa chữa tàu CSB 2013, Phòng Kỹ thuật/ BTL Vùng đã liên hệ với các nhà máy đóng tàu như Nhà máy Sông Thu, Nhà máy 50 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), gửi đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đi học tập thực tế tiếp thu kinh nghiệm, kỹ năng sửa chữa, đồng thời tổ chức huấn luyện tại chỗ giúp cán bộ, nhân viên nắm bắt, làm chủ công nghệ trang thiết bị kỹ thuật tại Trạm. Với các trang bị mới, hiện đại như hệ cẩu nâng tàu BHT 260T, các loại máy CNC, Phòng Kỹ thuật BTL Vùng CSB 2 đã tổ chức huấn luyện thành thục và cẩu thành công, đưa tàu CSB 2013 từ âu tàu vào vị trí kê đà an toàn.

Phối hợp  với chuyên gia Nhà máy X 50 sửa chữa hệ thống chân vịt tàu CSB 2013

Phối hợp với chuyên gia của Nhà máy X50 để sửa chữa hệ thống chân vịt tàu CSB 2013.

Sau 5 tháng tiếp nhận và vận hành, việc đưa vào sửa chữa lớn tàu CSB 2013 cho thấy quyết tâm cũng như sự trưởng thành một bước của công tác đảm bảo kỹ thuật ở BTL Vùng CSB 2. Công tác tổ chức sửa chữa tàu CSB 2013 tại Trạm được chuẩn bị chu đáo từ việc xây dựng đầy đủ, đúng qui trình công nghệ, kế hoạch tiến độ và đôn đốc, giám sát thường xuyên của cơ quan chuyên môn. Sau hơn một tháng đưa vào Trạm, tàu CSB 2013 đã được sửa chữa nhiều hạng mục vượt cấp như: sửa chữa phao, máy, giá xuồng công tác, gia công hệ thống thông gió mặt boong, máy lọc nước biển, sửa chữa hệ thống khí CO2 toàn tàu... Các hạng mục này hoàn toàn được thực hiện bởi đội ngũ kỹ thuật của Trạm và cán bộ nhân viên tàu, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và tiến độ đề ra.

So với việc đưa tàu đi sửa chữa tại các nhà máy, giờ đây đơn vị không còn phải tốn chi phí dịch vụ đậu cảng và dịch vụ trên đà. Huy động được hơn 1.300 ngày công của cán bộ, chiến sĩ đảm trách hầu hết công việc bảo dưỡng, sơn sửa thân vỏ và trang bị trên tàu. Đây là những phần việc mà trước đây đều phải thuê dịch vụ khi tàu được sửa chữa tại các nhà máy đóng tàu. Việc lên đà sửa chữa tại BTL Vùng CSB 2 cũng tạo thuận lợi cho việc đảm bảo hậu cần, vật tư, giúp rút ngắn tiến độ sửa chữa tàu CSB 2013 sớm hơn 3 tháng.

Thiếu tướng Phan Thanh Minh, Phó Tư lệnh CSB kiểm tra, động viên CB, CS BTL Vùng CSB 2

Thiếu tướng Phan Thanh Minh- Phó Tư lệnh CSB kiểm tra kết quả sửa chữa tàu CSB 2013 và chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ chiến sĩ Trạm Sửa chữa tổng hợp BTL Vùng CSB 2.

Không chỉ tiết kiệm được 30-40% chi phí so với việc đưa tàu đi sửa chữa tại nhà máy, quyết tâm khai thác và vận hành Trạm Sửa chữa tổng hợp cũng là cơ hội quý báu để cán bộ, chiến sĩ ngành Kỹ thuật CSB học hỏi nâng cao thêm tay nghề và hoàn toàn làm chủ trang bị máy móc trong nhà xưởng. Qua đó còn giúp BTL Vùng CSB 2 hoàn thiện công tác hiệp đồng, chỉ huy trong tổ chức sửa chữa lớn tại Vùng, làm cơ sở xây dựng hoàn thiện bộ máy quản lý Trạm Sửa chữa tổng hợp. Việc đưa vào sửa chữa và sửa chữa thành công tàu CSB 2013 cũng là một dấu mốc thể hiện trình độ tay nghề của đội ngũ kỹ thuật và quyết tâm làm chủ công nghệ vận hành, sửa chữa, bảo đảm vật tư, trang bị kỹ thuật của ngành Kỹ thuật Vùng; thể hiện chủ trương lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của BTL Cảnh sát biển VN mà trực tiếp là sự chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát của Cục Kỹ thuật Cảnh sát biển.

Với kết quả này đã giúp BTL Vùng CSB 2 hoàn toàn chủ động trong việc đảm bảo trang bị kỹ thuật tàu thuyền, đồng thời là kinh nghiệm để các trạm xưởng sửa chữa khác tại các đơn vị trong lực lượng học tập, huấn luyện, làm chủ công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Tổ quốc./.

                                      Đại tá Phan Huy Tứ - Chủ nhiệm Kỹ thuật/BTL Vùng CSB 2

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com