Cách làm hay từ một mô hình nhỏ

13/10/2021 10:40:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Trong những năm qua, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cán bộ, chiến sĩ tại Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 3 có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Vùng thường xuyên quan tâm, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nghiêm túc thực hiện Điều lệ về công tác bảo vệ môi trường của Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng doanh trại xanh - sạch - đẹp.

Xuất phát từ thực tiễn tại đơn vị hàng ngày phát sinh nhiều chất thải tái chế và chế độ tổng vệ sinh thứ 6 hàng tuần, cán bộ, hội viên Hội phụ nữ Phòng Hậu cần/BTL Vùng Cảnh sát biển 3 đã đề xuất sáng kiến tận thu các chất thải tái chế để gây quỹ cho công tác Hội, vừa trực tiếp góp phần xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp, thông qua đó để tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Sau khi hội ý, Ban Chấp hành Hội lấy ý kiến của toàn thể cán bộ, hội viên với sự nhất trí cao.

Được sự đồng ý của Thủ trưởng BTL Vùng, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị, Hội Phụ nữ Phòng Hậu cần đã xây dựng ý tưởng về mô hình, thiết kế ngôi nhà tái chế vừa phù hợp, tiện lợi cho việc thu gom chất thải tái chế hàng ngày, vừa phải đảm bảo mỹ quan, làm đẹp thêm khuôn viên của đơn vị. Nhân kỷ niệm 107 năm ngày Quốc tế phụ nữ , ngày 8/3/2017, Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần đã đưa vào triển khai mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng - Ngày thứ 6 tái chế” với mục đích gắn phong trào xây dựng Quỹ ngôi nhà 1.000 đồng của Phụ nữ Cảnh sát biển với công tác bảo vệ môi trường, xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp của toàn đơn vị.

Mô hình “Ngôi nhà 1000 đồng - Ngày thứ 6 tái chế” của Hội Phụ nữ Phòng Hậu cần/BTL Vùng Cảnh sát biển 3 được Thủ trưởng Tổng cục Chính trị biểu dương và đánh giá cao.

Đây là ngôi nhà tái chế đầu tiên trong khuôn viên đơn vị. Ngôi nhà nhỏ được làm bằng sắt và tấm lợp tôn tận thu, khoác lên mình những tranh, ảnh, khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường xinh xắn. Với thiết kế khe thoáng linh hoạt, cán bộ, chiến sĩ có thể thuận tiện để chất thải tái chế mỗi ngày. Tại các đầu mối, hội viên phụ nữ chủ động phân loại, thu gom các chất thải tái chế, đồng thời vận động các đồng chí, đồng đội cùng thực hiện.

Trong những ngày đầu thực hiện mô hình, có nhiều trăn trở, lo lắng, đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Hậu cần đã chủ động tham mưu, đề xuất Thủ trưởng đơn vị ban hành văn bản chỉ đạo, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ toàn BTL Vùng  thực hiện việc phân loại rác, xây dựng doanh trại xanh - sạch - đẹp đi vào nền nếp. Ban Chấp hành Hội luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, tự giác, thường xuyên tự mình thực hiện trước, đôn đốc hội viên, kết hợp với công tác tuyên truyền, gặp từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị để vận động tích cực ủng hộ mô hình của Hội. Đồng chí Chủ tịch Hội chia sẻ cảm xúc: “Trong tháng đầu tiên bán phế liệu từ ngôi nhà 1.000 đồng thu về được gần 200.000 đồng, số tiền tuy không nhiều nhưng đã tiếp thêm niềm tin để toàn thể hội viên tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình”.

 

Ngày thứ 6 tái chế của Hội Phụ nữ Phòng Hậu cần.

Từ đó đến nay, Hội phụ nữ Phòng Hậu cần đã lắp đặt 4 ngôi nhà tái chế để ở nhiều vị trí trong khuôn viên đơn vị để đảm bảo cho việc thu gom phế liệu. Tích tiểu thành đại, góp gió thành bão là vậy, trung bình mỗi tháng, mô hình gom được 200kg giấy vụn, bìa catton, 30kg nhựa, 20kg sắt. Cho đến nay, gần 100% chất thải tái chế trong đơn vị được tận thu. Tổng số tiền thu được từ mô hình hơn 50 triệu đồng. Cùng với nhiều nguồn hỗ trợ huy động được, Hội đã trao tặng hơn 200 suất quà có giá trị 100.000 - 200.000 đồng/suất cho các cháu học sinh giỏi là con cán bộ, hội viên, nhân viên trong đơn vị; thăm hỏi gia đình hội viên, thân nhân gia đình liệt sĩ; trao tặng 40 phần quà sữa và bánh trung thu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương đơn vị đóng quân; thăm hỏi và trao tặng 30 suất quà cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm y tế...

Kết quả triển khai mô hình Ngôi nhà 1.000 đồng - Ngày thứ 6 tái chế của Hội Phụ nữ Phòng Hậu cần trong 3 năm qua cho thấy rằng: Nếu hàng ngày chúng ta phân loại, thu gom chất thải rắn tái chế thì những thứ tưởng chừng như vô giá trị đó sẽ trở thành tài nguyên để tái chế, sử dụng lại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu chi phí xử lý rác thải. Hội đã sử dụng nguồn vốn thu được từ mô hình vào các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, mang lại những giá trị tinh thần to lớn hơn, góp phần động viên, giúp đỡ được nhiều học sinh, hội viên, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời làm lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp từ hoạt động của mô hình.

Không những làm tốt mô hình của Hội, cùng với đoàn thiên, thanh niên trong đơn vị, cán bộ, hội viên phụ nữ Phòng Hậu cần/BTL Vùng Cảnh sát biển 3  tích cực thực hiện cuộc vận động “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, vệ sinh môi trường ven biển, khơi thông mương tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố Vũng Tàu, tham gia tích cực vào Ngày hội môi trường tại địa phương và đơn vị.

 

Từ những việc làm thiết thực, những con số biết nói của mô hình tại đơn vị đã lan rộng đến từng gia đình cán bộ, chiến sĩ, hội viên, thực hiện tốt việc phân loại rác tại nhà, nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình và giáo dục cho con cái ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường từ lúc còn nhỏ, ý nghĩa của việc thực hành tiết kiệm có hiệu quả. Mô hình đã được các cấp ghi nhận đánh giá cao, được nhân rộng trong Lực lượng Cảnh sát biển.

Từ việc thực hiện Mô hình “Ngôi nhà 1.000 đồng - Ngày thứ 6 tái chế”, cán bộ, hội viên phụ nữ Phòng Hậu cần cho thấy tinh thần tích cực của chị em trong việc thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Cảnh sát biển đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và cuộc vận động “5 không, 3 sạch” của Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Các chị không những hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn, luôn đoàn kết, sáng tạo mà còn có tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện tình yêu thương với đồng chí, đồng đội, luôn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm. Việc làm nhỏ đã thể hiện phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, là những nữ quân nhân giỏi giang nhưng dung dị, không ngại khó, không ngại khổ.

Mỗi người một hành động nhỏ, ý thức phân loại rác trong từng hoạt động của mình, để đúng nơi quy định như những gì Hội phụ nữ cơ sở Phòng Hậu cần đã và đang thực hiện là đã chung tay để bảo vệ môi trường, là thông điệp tốt đẹp truyền đi, lan tỏa cho cộng đồng và thế hệ trẻ tương lai./.

Lê Thị Hồng Thắm

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com