Cảnh sát biển Việt Nam tập huấn công tác vật tư CTĐ, CTCT năm 2024

29/07/2024 08:30:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Những giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả của vật tư trang bị tại các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng là nội dung chính được trao đổi tại Hội nghị tập huấn công tác vật tư công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) năm 2024 do Cảnh sát biển Việt Nam vừa tổ chức.

Thiếu tướng Trần Văn Xuân - Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu khai mạc tập huấn.

Tìm hiểu được biết, hơn 80 cán bộ, nhân viên tham dự Hội nghị tập huấn phần lớn là kiêm nhiệm, phụ trách quản lý, sử dụng vật tư CTĐ, CTCT tại các cơ quan, đơn vị; nhiều người trong số họ chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu nên gặp nhiều khó khăn trong công tác. Nắm được thực trạng đó, Cục Chính trị Cảnh sát biển đã nghiên cứu, phối hợp xây dựng nội dung chương trình tập huấn bài bản. Qua đó, khắc phục triệt để tình trạng cán bộ, nhân viên các đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng các loại vật tư CTĐ, CTCT chỉ dựa theo thói quen, kinh nghiệm của người trước truyền lại. Nhiều trường hợp học “lỏm”, hiểu không đúng nguyên lý hoạt động của các trang thiết bị, không khai thác hết tính năng các loại vật tư được trang bị, thậm chí còn làm giảm độ bền, dẫn đến nguy cơ hỏng hóc cao.

Các chuyên gia hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản và kỹ thuật chụp ảnh, ghi hình của các loại camera, máy ảnh kỹ thuật số.

Trung úy QNCN Nguyễn Văn Mẫn - Nhân viên Ban Tuyên huấn/Phòng Chính trị/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 chia sẻ: Đơn vị của đồng chí đóng quân tại Phú Quốc, Kiên Giang. Địa bàn nơi đây có độ ẩm cao, mưa thường xuyên cùng với gió biển nên công tác bảo quản các trang thiết bị, vật tư, nhất là hệ thống máy quay, máy ảnh rất được chú trọng. Qua đợt tập huấn này, đồng chí Mẫn đã thu được nhiều kinh nghiệm quý, nhất là về công tác bảo quản máy quay, máy ảnh trước, trong và sau khi tác nghiệp.

Tại hội nghị, các chuyên đề tập trung vào cách sử dụng, bảo quản các loại camera, máy ảnh kỹ thuật số, máy chiếu HD, máy phóng hình; kỹ thuật chụp ảnh, ghi hình; cách sử dụng và bảo quản hệ thống tăng âm truyền thanh, karaoke và đấu ghép hệ thống âm thanh, ánh sáng. Nội dung đi từ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với tất cả học viên tham dự. Ngoài ra, ban tổ chức còn bố trí vật tư phục vụ trực quan để học viên vừa nắm bắt lý thuyết vừa có điều kiện thực hành, đồng thời được đội ngũ chuyên gia, giàu kinh nghiệm trao đổi, trực tiếp giải đáp những khó khăn, vướng mắc.

Các học viên được hướng dẫn bảo quản hệ thống tăng âm truyền thanh, karaoke và đấu ghép hệ thống âm thanh, ánh sáng.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Vũ Dũng - Chủ nhiệm Nhà văn hóa/Ban Tuyên huấn/Phòng Chính trị/Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết, anh được giao nhiệm vụ phụ trách Hội trường của đơn vị đến nay là hơn 17 năm. Làm công tác bảo đảm, anh thường xuyên tiếp xúc, sử dụng các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại. Tuy nhiên, những kỹ năng khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị đó chủ yếu dựa vào học hỏi kinh nghiệm từ đồng đội và … “Google”. Chính vì vậy, nhiều nội dung thực hiện chưa được bài bản, nhiều khi còn “đi theo đường vòng”. Qua đợt tập huấn lần này, giúp anh nắm chắc nguyên lý hoạt động của hệ thống giúp tôi khai thác đúng tính năng kỹ thuật, phát huy hết chức năng của thiết bị; đồng thời kéo dài được tuổi thọ của các vật tư.

Phát biểu tại hội nghị tập huấn, Thiếu tướng Trần Văn Xuân - Phó Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam bày tỏ tin tưởng, với những kiến thức mới, kinh nghiệm của các chuyên gia được tích lũy trong hội nghị, cùng với sự sáng tạo trong học tập và niềm yêu thích công việc, cán bộ, nhân viên phụ trách tại đơn vị sẽ phát huy tối đa hiệu quả trong khai thác, sử dụng vật tư CTĐ, CTCT bảo đảm đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội. Qua đó, góp phần quan trọng vào xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm tiền đề hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đức Tĩnh

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com