18/07/2024 04:27:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Đại đoàn kết toàn dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đây không chỉ là truyền thống quý báu mà còn là đường lối chiến lược, cội nguồn sức mạnh to lớn và có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn chú trọng hoàn thiện và phát triển quan điểm về đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của đại đoàn kết dân tộc trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, coi đây là động lực để kịp thời giải quyết các thách thức và yêu cầu mới đặt ra, gắn kết mọi tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển. Trải qua 26 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cảnh sát biển Việt Nam luôn tích cực tham gia gìn giữ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; coi đây là nguồn lực để phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển, là giải pháp quan trọng để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu CSB 9003 thực hiện nhiệm vụ trực, sẵn sàng chiến đấu tại khu vực nhà giàn DK1. (Ảnh: Khánh Nhân)
Cùng với bề dày suốt lịch sử đất nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đồng thời là giá trị cốt lõi, tạo nên dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Ngày nay, các giá trị về đại đoàn kết toàn dân tộc được Đảng ta kế thừa và phát huy, củng cố và mở rộng, vận dụng vào quá trình lãnh đạo nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc rằng sức mạnh của một dân tộc không chỉ đến từ tiềm lực kinh tế hay quân sự, mà còn từ sự đoàn kết chặt chẽ giữa các tầng lớp nhân dân, vì vậy, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, các tầng lớp nhân dân không phân biệt thành phần, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đã tập hợp trong Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những chiến thắng vĩ đại trong các cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, sức mạnh đoàn kết dân tộc tiếp tục được Đảng ta vận dụng và phát huy, trở thành nguồn nội lực mạnh mẽ mang lại nhiều thành tựu quan trọng trong kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống nhân dân và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là nhu cầu xuất phát từ chính trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Tinh thần đoàn kết không chỉ là kết quả của các chính sách triển khai từ Trung ương đến địa phương mà còn là nhu cầu và mong muốn xuất phát từ nhận thức của nhân dân về lợi ích của đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đó đồng thời là yêu cầu tất yếu của thời đại. Ngày nay, tình hình an ninh, chính trị thế giới và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các thách thức phi truyền thống mới đặt ra cho đại đoàn kết dân tộc những yêu cầu cao hơn. Đặc biệt, mỗi khi có vấn đề chính trị - xã hội bức thiết đặt ra, tinh thần đại đoàn kết dân tộc lại sục sôi, sẵn sàng huy động mọi nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân để giải quyết vấn đề đặt ra một cách hiệu quả nhất. Điển hình là khi an ninh biển đảo nước ta đứng trước nguy cơ bị xâm phạm hoặc đe dọa như các sự kiện giàn khoan HD-981 hoặc tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam,... thông qua các phong trào, các cuộc vận động sâu rộng trong cộng đồng như “Tất cả vì biển đảo quê hương”, “Hướng về Biển Đông thân yêu”, “Vì Trường Sa thân yêu”,… tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã hiện hữu trên tất cả các mặt trận, từ đất liền đến thực địa trên biển, gắn kết mọi tầng lớp nhân dân từ mọi miền đất nước, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, đều tự nguyện, tự giác, kiên định và đồng thuận thể hiện lòng yêu nước dưới nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc bằng các biện pháp pháp luật và hòa bình, bày tỏ quan điểm và ủng hộ đường lối, chủ trương, chính sách về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm tạo áp lực lên các hành vi xâm phạm của nước ngoài, lan truyền đi thông điệp chủ quyền hợp pháp tại các vùng biển đảo của Việt Nam.
Tàu CSB 4031 tiếp cận, tuyên truyền quy định về phòng chống khai thác IUU cho ngư dân trên khu vực biển giáp ranh Việt Nam - Thái Lan - Malaysia.
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển. Trải qua 26 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Cảnh sát biển Việt Nam luôn quyết tâm hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ được giao; tích cực, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các mặt công tác; mưu trí, dũng cảm, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp pháp luật dân sự, hòa bình, phù hợp với luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và an ninh, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Trên cơ sở đó, Cảnh sát biển Việt Nam đã kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhiều chủ trương, đường lối, đối sách về quản lý, bảo vệ biển đảo và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, khu vực phòng thủ biển đảo vững chắc; thực hiện tốt công tác nắm, rà soát, huy động, tiếp nhận nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo theo Nghị định 30, Nghị định 130 của Chính phủ và Thông tư 153 của Bộ Quốc phòng.
Những năm qua, cùng với sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền địa phương, Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, đóng góp tích cực vào việc củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Nổi bật là trong giai đoạn 5 năm 2019 - 2024, Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức tổ chức trên 334 chương trình công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” cho hơn 146.399 lượt cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; trên 91 chương trình “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc tôn giáo” cho hơn 16.788 lượt người; 84 cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” tại 283 trường cho hơn 113.401 học sinh, cán bộ, giáo viên; thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; tổ chức nhiều chương trình phối kết hợp, giao lưu, kết nghĩa với các cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân qua các chương trình “Tết hải đảo”, “Mùa xuân biển đảo”,…; tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,... từ đó đóng góp tích cực vào việc xây dựng, củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển, đảo và tăng cường sự gắn bó máu thịt với nhân dân.
Trung tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam dẫn đầu Đoàn công tác thăm và tặng quà ngư dân huyện Côn Đảo. (Ảnh: Đức Tĩnh)
Các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng đã thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đóng quân, nhất là ngư dân về ý thức cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, trách nhiệm trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển đảo. Giai đoạn 5 năm 2019 - 2024, Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức trên 420 hội nghị tuyên truyền cho hơn 8.400 lượt người; duy trì 120 tủ sách pháp luật, trên 450 đầu sách, tài liệu có nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật,... Kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” trên biển, đảo; giúp nhân dân, ngư dân nắm được quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển, không tham gia tiếp tay, bao che cho tội phạm làm ăn phi pháp trên biển, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, không làm cho tình hình an ninh, trật tự trên biển thêm phức tạp, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm vùng biển Việt Nam và kịp thời thông báo ngay cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoặc chính quyền địa phương có biện pháp, phương án xử lý theo đúng chủ trương, đối sách, pháp luật.
Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, đứng trước nhiều thách thức từ an ninh truyền thống và phi truyền thống, nhất là tại các khu vực biển tranh chấp, chưa phân định và các vùng biển giáp ranh. Thực tiễn đó đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới cao hơn cho Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng, cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân nói chung trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn trên các vùng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Để phát huy hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trước những thách thức của thời đại, ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Trên cơ sở quan điểm Đại hội XIII của Đảng về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và kết quả tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003, khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, có thể khẳng định Nghị quyết số 43-NQ/TW là sự phát triển về mặt tư duy lý luận, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tàu CSB 4037 lai dắt hai tàu cá gặp nạn về bờ an toàn. (Ảnh: CSB2)
Nêu cao truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật” của Lực lượng, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục kế thừa các giá trị và tham gia củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo từ sớm, từ xa trong tình hình mới. Những năm tiếp theo, Cảnh sát biển Việt Nam cần tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung, hình thức, biện pháp công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương ven biển và mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trong công tác hiệp đồng, hỗ trợ triển khai các hoạt động nghiệp vụ, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển đảo; đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là tại 28 tỉnh thành ven biển và ngư dân trực tiếp làm ăn sinh sống trên biển; làm tốt công tác dân vận, vận động quần chúng nhân dân và ngư dân tham gia phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đối ngoại Cảnh sát biển, xây dựng bền chặt mối quan hệ đoàn kết toàn dân tộc với đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của kiều bào ta ở nước ngoài nhằm nâng tầm chất lượng đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ hiệu quả công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở quán triệt, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt là Nghị quyết 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng thời bám sát vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam được xác định là lực lượng không tách rời của Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; là mắt xích quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận lòng dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên biển, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quản lý và bảo vệ toàn vẹn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Bá Thanh