10/08/2022 01:45:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Thượng úy Nghiêm Thanh Tùng
Bí thư Đoàn cơ sở Đoàn ĐNPCTP ma túy số 2
Hợp tác quốc tế là một trong 7 nhiệm vụ của Cảnh sát biển, được quy định cụ thể tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng thường xuyên tiến hành các hoạt động giao lưu, hợp tác với nước ngoài. Chính vì vậy, đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, bên cạnh trình độ về chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, pháp luật…; ngoại ngữ chính là một năng lực công tác đặc biệt quan trọng, thường xuyên phải được bồi dưỡng, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Lực lượng trong tình hình hiện nay.
Thượng úy Nghiêm Thanh Tùng - Bí thư Đoàn cơ sở Đoàn ĐNPCTP ma túy số 2 phát biểu tham luận tại Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cảnh sát biển lần thứ IV.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của ngoại ngữ; quán triệt và thực hiện các chương trình, đề án của Quốc gia, Bộ Quốc phòng, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ. Các cơ quan, đơn vị cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, như: tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngoại ngữ; tạo điều kiện và vận động cán bộ, chiến sĩ học thêm bên ngoài; áp dụng triển khai một số mô hình hay, cách làm sáng tạo từ các lực lượng khác như: mô hình “Con tàu ngoại ngữ, “Hội thi tiếng Anh” hằng năm của Trung tâm Đào tạo; mô hình “Câu lạc bộ tiếng Anh” ở một số đơn vị tàu Cảnh sát biển. Hiệu quả từ các giải pháp, mô hình, cách làm sáng tạo này là không thể phủ nhận ở cấp độ cơ quan, đơn vị. Thế nhưng, xét trên phạm vi toàn Lực lượng, thực trạng hoạt động học tập ngoại ngữ hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.
Có thể thấy một thực trạng là khi các cơ quan, đơn vị lựa chọn cán bộ tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế (như giao lưu, tập huấn, học tập tại nước ngoài, hay đơn giản là khi bắt giữ được đối tượng vi phạm là người nước ngoài), rất khó để lựa chọn được một cán bộ Cảnh sát biển vừa giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật lại vừa biết ngoại ngữ, đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định. Đối với cán bộ trẻ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thì lại càng khó khăn hơn rất nhiều; có chăng cũng lại là những cán bộ chuyên môn về hợp tác quốc tế, hoặc tuyển dụng ngành ngoài,… Họ không phải là những người được đào tạo chuyên môn về tham mưu tác chiến, hàng hải, nghiệp vụ pháp luật, nên rất khó có thể hiểu rõ và dịch đúng tính chất của các kiến thức, thuật ngữ chuyên ngành vốn đã rất trừu tượng, phức tạp và khó hiểu.
Chính từ thực trạng ấy, yêu cầu nâng cao chất lượng học tập ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trở thành nhiệm vụ vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài và cũng là nhiệm vụ được Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Cảnh sát biển rất quan tâm. Trong đó, đối tượng cán bộ trẻ, ĐVTN đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là người thực hiện, cũng chính là người thụ hưởng thành quả từ các giải pháp nâng cao chất lượng học tập ngoại ngữ hiện nay. Bởi vì, trong tương lai, chính những cán bộ, ĐVTN hiện nay sẽ trở thành những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, là chủ thể trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chính trị của lực lượng Cảnh sát biển. Chính vì vậy, cán bộ, ĐVTN phải là đối tượng được ưu tiên tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả học tập ngoại ngữ.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần có những giải pháp mang tính lâu dài, đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện và tình hình của cả lực lượng Cảnh sát biển và từng cơ quan, đơn vị ở cơ sở. Trong phạm vi bài phát biểu, tôi chỉ xin đề xuất một số giải pháp có tính định hướng, chủ yếu là các giải pháp liên quan đến cơ chế, hoạt động điều hành, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp.
Trước hết, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và trình độ ngoại ngữ của cán bộ, ĐVTN, từng cơ quan, đơn vị cần rà soát, phân loại ra các nhóm đối tượng khác nhau; xác định cụ thể đâu là nhóm đối tượng cần ưu tiên bồi dưỡng; nhằm tập trung nguồn lực và giải pháp để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho những đối tượng đó trước, để nhanh chóng có được lớp cán bộ đủ năng lực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế. Thông qua hoạt động đó, các đơn vị có thể rút kinh nghiệm, tìm ra những mô hình hay, giải pháp phù hợp với điều kiện của chính đơn vị mình để nhân rộng. Tuy nhiên, do chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của từng đơn vị là hoàn toàn khác nhau, nên không thể áp dụng rập khuôn, máy móc các giải pháp, cách làm của đơn vị này cho đơn vị khác. Và cũng cần tuyệt đối tránh hiện tượng bồi dưỡng dàn trải, không tập trung; chạy đua về số lượng các lớp bồi dưỡng, số lượng cán bộ, chiến sĩ được bồi dưỡng, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức.
Thứ hai, để tạo động cơ, mục đích học tập cho cán bộ, ĐVTN, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò của ngoại ngữ, tập trung vào đối tượng cán bộ, sĩ quan trẻ. Làm sao để cán bộ, sĩ quan trẻ thấy được rằng ngoại ngữ đóng vai trò rất lớn đối với con đường phát triển sự nghiệp của mình và học ngoại ngữ là một việc không hề khó. Cá nhân tôi tin chắc rằng, nếu như các đơn vị lấy năng lực ngoại ngữ làm một tiêu chí để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, bình xét thi đua, khen thưởng và đưa vào diện quy hoạch thì động lực để học ngoại ngữ của cán bộ, ĐVTN, nhất là cán bộ, sĩ quan trẻ sẽ rõ ràng hơn rất nhiều; từ đó sẽ phấn khởi và hăng hái hơn trong học tập.
Thứ ba, song song với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi để cán bộ, ĐVTN thường xuyên có cơ hội ứng dụng ngoại ngữ vào thực tiễn. Ngoại ngữ mà không được sử dụng thường xuyên thì cũng như vũ khí lâu ngày không được lau chùi, bảo quản, rất nhanh sẽ hư hỏng. Vì vậy, phải tiến hành thường xuyên, liên tục và đan xen các hoạt động mà ở đó yêu cầu cán bộ, ĐVTN khi tham gia phải sử dụng đến ngoại ngữ. Một số hoạt động, mô hình, cách làm hay của các lực lượng khác có thể tham khảo, áp dụng trong Lực lượng Cảnh sát biển như: Mô hình “Mỗi ngày một từ vựng/cấu trúc ngữ pháp/một câu giao tiếp tiếng Anh”, “30 phút tiếng Anh mỗi ngày”,… Ngoài ra, cũng có thể giao cho cán bộ, ĐVTN các nhiệm vụ như: tham gia giao lưu, học tập nước ngoài; Dịch các câu khẩu hiệu, các thuật ngữ chuyên ngành Cảnh sát biển ra tiếng nước ngoài (ở mức độ cao hơn sẽ là xây dựng các cẩm nang thuật ngữ theo từng chuyên ngành: Hàng hải, trinh sát, ma túy,…); Viết các bản tin, bài viết bằng tiếng nước ngoài và đăng lên các trang mạng xã hội của đơn vị (ban đầu thì là những bài viết đơn giản như giới thiệu về bản thân, đơn vị, dần dần sẽ nâng cao chất lượng nó lên, viết về lực lượng Cảnh sát biển hoặc là đưa tin về hoạt động của đơn vị…). Tổ chức và tham gia các cuộc thi liên quan đến học ngoại ngữ. Hằng năm, Trung ương Đoàn tổ chức rất nhiều các cuộc thi mà cán bộ, ĐVTN Cảnh sát biển nên tham gia, như: Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ; thi tìm hiểu lịch sử bằng tiếng Anh, thi hát tiếng Anh, hùng biện bằng tiếng Anh,…
Thứ tư, đẩy mạnh việc tự học ngoại ngữ của cá nhân cán bộ, ĐVTN. Đối với cán bộ, ĐVTN Cảnh sát biển hiện nay, để tự học đạt trình độ cơ bản B1, B2, với bất cứ ngoại ngữ nào, cũng là một việc không hề khó. Bởi vì, chúng ta là thế hệ được tiếp cận ngoại ngữ từ rất sớm, lại được cấp ủy, chỉ huy các cấp động viên, khuyến khích, tạo điều kiện hết sức; tài liệu để tự học thì không hề đắt, thậm chí là miễn phí và Internet chính là người thầy, thiết bị di động là người bạn của chúng ta trong việc học tập này. Trên chiếc smartphone nhỏ như thế này thôi nhưng có tới hàng ngàn ứng dụng hỗ trợ tự học; trên Facebook, Youtube, Google cũng có vô vàn các nguồn tài liệu, các trang, nhóm, kênh. Quá đủ để chúng ta học tập, nghiên cứu. Điều cốt lõi nhất nằm ở ý chí quyết tâm, động cơ, mục đích học tập của chính chúng ta./.
(*) Trích phát biểu tham luận tại Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cảnh sát biển Việt Nam lần thứ IV, ngày 9, 10/8/2022)