Hội thảo lần 2 Đề án Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030

24/09/2021 04:20:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Sáng 24/9, Tổ Soạn thảo Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là Đề án) đã tiến hành Hội thảo lần 2 nhằm hoàn chỉnh Đề án báo cáo Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển. Đại tá Trần Quang Tuấn - Phó Tham mưu trưởng, Phó Tổ trưởng thường trực Tổ soạn thảo Đề án chủ trì Hội thảo.

 Đại tá Trần Quang Tuấn - Phó Tham mưu trưởng, Phó Tổ trưởng thường trực Tổ soạn thảo Đề án chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Thúy Nga)

Tại Hội thảo, thay mặt Cơ quan thường trực Tổ Soạn thảo Đề án, Đại tá Đàm Đức Hoan - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển đã trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Đề án sau khi tiếp thu ý kiến kết luận của đồng chí Tổ trưởng Tổ Soạn thảo và ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ Soạn thảo tại Hội thảo lần 1.

Đại tá Đàm Đức Hoan - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển báo cáo tóm tắt nội dung Dự thảo Đề án. (Ảnh: Thúy Nga)

Quá trình thảo luận, Hội thảo có 11 ý kiến tham gia đóng góp. Các ý kiến phát biểu nhìn chung đều bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung cơ bản của Đề án, đồng thời góp ý điều chỉnh lại tên gọi, bố cục Đề án và nội dung của từng bố cục, làm rõ thêm một số nội dung về sự cần thiết xây dựng Đề án, căn cứ xây dựng Đề án, nguồn kinh phí bảo đảm Đề án và các giải pháp thực hiện.

Trung tá Nguyễn Thành Long - Phó Phòng Quân lực phát biểu thảo luận tại Hội thảo. (Ảnh: Thúy Nga)

Phát biểu kết luận Hội thảo, Đại tá Trần Quang Tuấn - Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát biển đánh giá cao công tác chuẩn bị của Cơ quan Thường trực Tổ soạn thảo. Đồng chí Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát biển cơ bản nhất trí với các nội dung đóng góp tại Hội thảo và yêu cầu Cơ quan Thường trực Tổ soạn thảo phối hợp với Phòng Quân huấn nhà trường nghiên cứu, điều chỉnh lại bố cục, nội dung đề án để hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển thông qua theo đúng thời gian quy định. Cụ thể, điều chỉnh lại bố cục Đề án gồm 5 phần (Phần 1: Sự cần thiết xây dựng Đề án, Phần 2: Nội dung cơ bản của Đề án, Phần 3: Nhiệm vụ và phải pháp thực hiện Đề án, Phần 4: Tổ chức thực hiện Đề án, Phần 5: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh và kinh phí thực hiện Đề án). Trong đó, đồng chí nhấn mạnh tính cấp thiết của Đề án là đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên đủ năng lực làm chủ vũ khí trang bị kĩ thuật và quan hệ quốc tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong thời kỳ mới; nội dung cơ bản của Đề án phải làm rõ 4 vấn đề: đội ngũ giáo viên và học viên tham gia đào tạo; chương trình đào tạo; cơ sở vật chất bảo đảm và hợp tác quốc tế; các giải pháp phải bám sát nội dung và mang tính chủ trương, khái quát...

Duy Tuấn – Hải Yến

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com