24/04/2019 03:06:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Sáng 24/4, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức khai mạc Hội nghị Tập huấn chuyên ngành nghiệp vụ pháp luật năm 2019. Thiếu tướng, TS. Bùi Trung Dũng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển chủ trì Hội nghị.
Hội nghị diễn ra trong 03 ngày (từ 24 - 26/4) thông qua hình thức trực tuyến tại 5 điểm cầu với sự tham gia của các đồng chí cán bộ, chỉ huy cơ quan, đơn vị nghiệp vụ pháp luật, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Nội dung tập huấn tập trung vào 8 chuyên đề: Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam; Công tác hồ sơ biện pháp nghiệp vụ của Lực lượng Cảnh sát biển; Công tác hồ sơ nghiệp vụ của lực lượng chuyên trách PCTP ma túy Cảnh sát biển; Tiếp nhận và xử lý tố giác, tin báo vụ án hình sự; Xử lý ban đầu các vụ vi phạm pháp luật, bắt quả tang theo thẩm quyền của Lực lượng Cảnh sát biển và thu thập, bảo quản vật chứng; Lấy lời khai người làm chứng, người bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Chứng cứ, cách thu thập và chuyển hóa chứng cứ.
Quang cảnh buổi khai mạc tại điểm cầu BTL Cảnh sát biển.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng, TS. Bùi Trung Dũng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển nhấn mạnh: trong thời gian qua, nhiều văn bản luật liên quan đến công tác nghiệp vụ Cảnh sát biển đã được ban hành như Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019; Thông tư số 15/2019/TT-BQP quy định về quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam được Bộ Quốc phòng ký ban ban hành ngày 11/02/2019. Việc nắm và vận dụng các văn bản pháp luật này vào công tác lãnh đạo, chỉ huy, vào kỹ năng điều tra, xử lý vụ việc là yêu cầu cần thiết và bắt buộc đối với mỗi cán bộ, nhân viên làm công tác nghiệp vụ pháp luật. Vì vậy, đồng chí Phó Tư lệnh Cánh sát biển yêu cầu các học viên tham gia học với tinh thần cầu thị, ghi chép, nắm vững những nội dung cơ bản, mạnh dạn trao đổi, thảo thuận những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; những nội dung chưa rõ, để được thống nhất về nhận thức và triển khai thực hiện, bảo đảm cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm ngày càng đạt hiệu quả cao. Đối với các đồng chí giáo viên cần chuẩn bị giáo án chu đáo, nhấn mạnh vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, sát thực với cơ quan, đơn vị; lấy ví dụ thực tiễn, dành thời gian trao đổi, thảo luận, giải đáp các thắc mắc; đồng thời truyền thụ kiến thức và các kinh nghiệm trong thực tiễn. Sau tập huấn, tiếp tục hoàn thiện nội dung các chuyên đề đã được thảo luận, thống nhất làm tài liệu chính thức cho các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện, tập huấn lại và huấn luyện thường xuyên tại đơn vị từ đó nâng cao hơn nữa kỹ năng điều tra, xử lý vụ việc của cán bộ, nhân viên làm công tác nghiệp vụ pháp luật, đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tin, ảnh: Thúy Nga