Nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển

05/09/2024 08:41:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Chiều 5/9, Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức Hội thảo nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển trong giai đoạn hiện nay theo hình thức trực tuyến tại 11 điểm cầu trong toàn lực lượng. Thiếu tướng Lê Đình Cường - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Thiếu tướng Lê Đình Cường - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại biểu Ban Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự, đại biểu Ban Giám đốc Học viện Biên Phòng, đại biểu Phòng Quản lý Nhà giáo và Khoa học quân sự/ Cục Nhà trường/ Bộ Tổng Tham mưu, đại biểu Khoa Ngoại ngữ/ Học viện Chính trị; Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và đại diện các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng.

Quang cảnh Hội thảo.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, cùng với sự phát triển như vũ bão của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư thì nhu cầu giao lưu, hội nhập quốc tế, hợp tác trong mọi lĩnh vực trong đó có hoạt động quân sự ngày càng được mở rộng. Việc nâng cao khả năng làm chủ khoa học công nghệ, vũ khí trang bị kỹ thuật, tăng cường khả năng giao lưu quốc tế là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong đó ngoại ngữ là công cụ, là hành trang không thể thiếu của người cán bộ Quân đội thời hội nhập nói chung và của cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển nói riêng.

Thiếu tướng Trần Văn Xuân - Phó Chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong toàn lực lượng, nhất là sau khi Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị số 105/CT-BQP ngày 26/5/2020 về việc “Tăng cường học tập ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Kế hoạch số 1844/KH-BQP ngày 27/5/2020 thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030. Cụ thể, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành Chỉ thị số 10222/CT-BTL ngày 18/8/2020 về việc “Tăng cường học tập ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Kế hoạch số 11281/KH-BTL ngày 30/8/2020 về thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030”; xây dựng Đề án và Kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2022-2023” (gọi tắt là Đề án).

Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Trung - Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Thực hiện Kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án, Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức Hội thảo lần này nhằm tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan chức năng trong và ngoài lực lượng để nâng cao chất lượng dậy học và sử dụng ngoại ngữ sát với yêu cầu, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển hiện nay.

Đại tá, Th.S. Phạm Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý Nhà giáo và Khoa học quân sự/ Cục Nhà trường/ Bộ Tổng Tham mưu phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Các tham luận tại Hội thảo tập trung làm rõ thực trạng, nhu cầu sử dụng, tính cấp thiết của công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội nói chung và cho cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển nói riêng; phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn, kết quả, bài học học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ tại các đơn vị trong toàn Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; làm rõ ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động dạy và học ngoại ngữ, nhất là vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp; đề xuất các nội dung, phương pháp nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ phù hợp cho từng đối tượng.

Đại tá Ngô Minh Tùng - Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Đình Cường - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cảm ơn các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các học viện, nhà trường và đại diện các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển đã quan tâm viết tham luân, dự và phát biểu ý kiến tại Hội thảo. Các tham luận gửi tới Ban Tổ chức đều được chuẩn bị công phu, có hàm lượng khoa học cao, thể hiện tâm huyết, tình cảm dành cho Lực lượng Cảnh sát biển, trong đó đều thống nhất đánh giá cao tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với cán bộ Quân đội nói chung và đối với cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển nói riêng, với những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển. Đây là những vấn đề hết sức thiết thực bổ ích để Cảnh sát biển Việt Nam nghiên cứu, vận dụng nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ trong thời gian tới.

Đồng chí Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, Cảnh sát biển Việt Nam nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, lựa chọn bổ sung, hoàn hiện tài liệu để áp dụng vào quá trình triển khai thực hiện Đề án và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, đóng góp tâm huyết của các đại biểu trong thời gian tới để nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Cảnh sát biển, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và an ninh, trật tự an toàn biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và hợp tác quốc tế.

Thúy Nga

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com