26/02/2021 02:37:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Sau hơn một năm đại dịch COVID-19 hoành hành, đến nay đã có hơn 100 triệu người mắc bệnh với trên 2 triệu ca tử vong tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguồn truyền nhiễm là SARS-CoV-2 đã xuất hiện nhiều biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn và có khả năng làm giảm tác dụng bảo vệ của vacxin hiện đang lưu hành. SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 là virut lây qua đường hô hấp với 3 phương thức lây truyền chính: giọt bắn, tiếp xúc và qua đường không khí khi làm thủ thuật y tế. Việc sản xuất ra vacxin và được tiêm chủng ở một vài quốc gia đã góp phần làm giảm số người mắc bệnh trong thời gian qua, những người được tiêm vacxin khi bị nhiễm SARS-CoV-2 thì khó có khả năng bị bệnh nhưng vẫn có khả năng truyền bệnh cho người khác. Tuy nhiên, việc liên tục xuất hiện những biến thể mới làm giảm hiệu quả của vacxin trong phòng bệnh và việc vacxin có thể bảo vệ được trong thời gian bao lâu chưa được chứng minh đầy đủ đã đặt ra những thách thức mới cho công tác phòng chống dịch. Do đó thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch kết hợp với tiêm vacxin mới có thể từng bước đẩy lùi và khống chế dịch.
Tại Việt Nam, đến nay qua 06 đợt dịch đã có trên 2.000 người nhiễm bệnh và 35 ca tử vong (chủ yếu là những người mắc bệnh nền nặng). Chỉ tính riêng từ ngày 27/01/2021 đến nay, chúng ta đã có trên 800 người nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng với 03 biến thể của SARS-CoV-2 là chủng ở Anh, Rwanda và Nam Phi, đây là những biến thể có khả năng lây lan nhanh. Với chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương, chúng ta đã từng bước đẩy lùi và ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng do có một số cá nhân, địa phương còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch dẫn đến có từng thời điểm dịch bùng phát tại một số địa phương.
Chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch, với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đặc biệt là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân có biểu hiện lơ là, chủ quan trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Đến nay, trong toàn Lực lượng chưa ghi nhận trường hợp bị nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị rất nặng nề. Chúng ta phải tiếp nhận chiến sĩ mới trong tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước còn tiếp tục diễn biến phức tạp mặc dù đã từng bước được kiểm soát, trong cộng đồng vẫn còn tồn tại người nhiễm SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng, làm cho dịch bệnh khó kiểm soát và có nguy cơ lây nhiễm vào trong đơn vị. Các đơn vị bắt đầu bước vào giai đoạn huấn luyện, đồng thời thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển trong điều kiện vừa phải chống dịch COVID-19; trong nước diễn ra bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 cho các thuyền viên hoạt động trên biển.
Để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo COVID-19/Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt các nội dung chính sau:
- Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch/Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch/ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan chuyên môn. Vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế, mức độ nguy cơ của đơn vị để triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, bảo đảm phương châm “Nhanh hơn và cao hơn một bước so với quy định”. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không được hoang mang, dao động trước mọi diễn biến của dịch bệnh. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.
- Tổ chức tuyên truyền cho mọi người đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19; nguyên nhân, đường lây truyền, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống; hậu quả của dịch bệnh COVID-19 đối với sức khoẻ, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống dịch COVID-19.
Để làm tốt công tác phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị mỗi Quân nhân, CNVCQP và các cơ quan đơn vị trong toàn Lực lượng cần phải xác định thực hiện thông điệp “5K” là thực hiện mệnh lệnh tác chiến của người chỉ huy với dịch bệnh.
- Để có tấm áo giáp chống lại “tên bay, đạn thẳng” thì khẩu trang chính là tấm áo giáp đó để ngăn ngừa giọt bắn có SARS-CoV-2 của người bị nhiễm bệnh xâm nhập vào đường hô hấp của người lành. Đeo khẩu trang thường xuyên, nhất là khi đến những nơi tập trung đông người như siêu thị, chợ, các nơi vui chơi, giải trí, trên các phương tiện giao thông công cộng… Phải đeo khẩu trang đúng cách, che được mũi, miệng. Với khẩu trang y tế chỉ dùng một lần và bỏ đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi nơi công cộng. Với khẩu trang vải khử khuẩn dùng trong ngày sau đó phải được giặt sạch, mỗi khẩu trang vải khử khuẩn chỉ được dùng trong thời gian nhất định theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Vũ khí tiêu diệt SARS-CoV-2 trong phòng, chống dịch chính là khử khuẩn. Khử khuẩn giúp diệt virut có ở ngoại cảnh, là biện pháp giúp ngăn ngừa phương thức lây truyền qua tiếp xúc.
Đối với cá nhân, ngoài vệ sinh thân thể, phải thường xuyên làm sạch bàn tay nhất là khi sờ, nắm vào các vật dụng và trước khi đưa tay lên mặt.
Đối với tập thể, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị phải thường xuyên vệ sinh nhà ở, nhà làm việc: lau rửa, vệ sinh sàn nhà, tay nắm cửa, bàn ghế, giường tủ bằng xà phòng hoặc các dung dịch diệt khuẩn, các phòng mở cửa sổ đảm bảo thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa khi không thật cần thiết. Thường xuyên tổ chức vệ sinh doanh trại, vệ sinh môi trường xung quanh, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh chất thải sinh hoạt...
Các đơn vị căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn để tổ chức phun khử khuẩn bằng Chloramin B từ 1-2 lần/tuần đến 1-2 lần/tháng. Khử khuẩn phương tiện ra, vào đơn vị.
Để giành chiến thắng trong phòng, chống dịch cần bố trí đội hình tác chiến hợp lý, giữ khoảng cách hợp lý khi tiếp xúc chính là đội hình đó, giữ khoảng cách làm giảm nguy cơ truyền bệnh qua giọt bắn và tiếp xúc. Cần phải giữ khoảng cách hợp lý trong quá trình tiếp xúc. Tùy vào tình hình dịch bệnh ở từng địa phương mà quy định khoảng cách khi tiếp xúc. Trong điều kiện làm việc bình thường mới thì khoảng cách tiếp xúc hợp lý nhất tối thiểu trên 1 mét, khi các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ thì khoảng cách tối thiểu là 2 mét.
Trong nghệ thuật tác chiến, việc tổ chức, bố trí lực lượng ở mỗi khu vực trên trận địa góp phần vào chiến thắng và hạn chế tiêu hao binh lực đến mức thấp nhất. Trong phòng, chống COVID-19, không tụ tập khi không thật cần thiết chính là việc tổ chức, bố trí lực lượng ở trận chiến này. Hạn chế tập trung đông người khi không thật cần thiết góp phần làm giảm nguy cơ truyền bệnh qua giọt bắn và tiếp xúc gần. Tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa bàn đóng quân và trong đơn vị mà đưa ra số người tập trung cho phù hợp, đặc biệt là trong các hội nghị, hội thảo, huấn luyện, giảng dạy, tại phòng ăn... Nếu thực hiện phong tỏa thì thực hiện ai ở đâu ở nguyên tại đó, nhà cách ly với nhà, ngõ cách ly với ngõ, phố cách ly với phố, xóm cách ly với xóm.... Nếu thực hiện Chỉ thị 15 thì không được phép tập trung quá 10 người, nếu thực hiện Chỉ thị 16 thì không tập trung quá 2 người, nếu làm việc trong điều kiện vùng có nguy cơ cao thì không tập trung quá 20 người...
Trong mỗi trận chiến, trách nhiệm của mỗi cá nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao góp phần vào thắng lợi của cuộc chiến, khai báo y tế trong phòng, chống dịch chính là thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Đây là biện pháp để cơ quan y tế nắm bắt được tình trạng sức khỏe cũng như hành trình của cá nhân người khai báo, từ đó định hướng được người đó có liên quan đến những ca bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh không? Bên cạnh việc khai báo y tế trên tờ khai thì việc cài đặt phần mềm Bluezone cũng góp phần xác định được bạn có ở gần người bị nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 không?
Khi đơn vị ở trong vùng có nguy cơ cao, hạn chế quân nhân ra ngoài đơn vị khi không thật cần thiết, tăng cường công tác phòng, chống dịch: phun khử khuẩn 1 lần/tuần, phun khử khuẩn xe ra vào đơn vị, kiểm tra thân nhiệt hàng ngày, tổ chức khai báo y tế cho mọi quân nhân sau khi đi phép, đi công tác về đơn vị, không cho cán bộ, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ đi phép, tranh thủ, công tác đến các vùng có dịch, hạn chế tập trung đông người khi không thật cần thiết, bố trí chỗ ngồi tại ăn cho phù hợp với quy định phòng, chống dịch...
Khi đơn vị có người nghi ngờ mắc bệnh (thuộc các F), ngoài việc tăng cường phòng, chống dịch cao hơn một mức so với các biện pháp phòng, chống dịch như khi đơn vị ở trong vùng có nguy cơ cao, phải đưa các đồng chí thuộc các F vào khu cách ly tập trung của đơn vị (trừ các đồng chí là F1 phải đưa vào khu cách ly tập trung của địa phương nơi đóng quân). Tùy điều kiện của từng đơn vị đưa các đồng chí không phải dạng F nhưng đi từ vùng thực hiện Chỉ thị 15, 16 và ra khỏi vùng vừa hết phong tỏa đến các khu cách ly tập trung của đơn vị hoặc để tại phòng làm việc để theo dõi y tế (nếu để tại phòng ở, phòng làm việc để theo dõi y tế thì phải chấp hành các quy định phòng, chống dịch: đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với mọi người, không tham gia hội họp, ăn tại phòng ở, phòng làm việc...). Khi đơn vị có người nhiễm SARS-CoV-2 phải lập tức phong tỏa đơn vị “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đưa người bị bệnh đến các cơ sở điều trị được chỉ định, “thần tốc truy vết” những người có tiếp xúc gần (F1, 2, 3), toàn đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
Phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “không để dịch bệnh lây lan vào đơn vị” cần sự tập trung mọi nguồn lực, với nỗ lực và quyết tâm cao nhất trong hành động của các cấp, các ngành từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đến các cơ quan, đơn vị, trong đó vai trò của từng cá nhân là yếu tố quyết định, tự bảo vệ bản thân để không bị mắc bệnh dịch là góp phần bảo vệ gia đình, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phát huy tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch; đồng thời phải là một chiến sĩ cũng như một tuyên truyền viên trên mặt trận phòng, chống dịch./.
Bác sỹ Lương Xuân Lợi
Chủ nhiệm quân y/Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển