12/05/2022 01:55:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Công tác nghiệp vụ, pháp luật Cảnh sát biển có vị trí, vai trò rất quan trọng trong hệ thống các biện pháp công tác Cảnh sát biển, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đấu tranh, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam.
Những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, công tác nghiệp vụ, pháp luật Cảnh sát biển đã cơ bản hình thành, từng bước được chấn chỉnh, tăng cường, toàn diện hơn; nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển về công tác nghiệp vụ, pháp luật từng bước được nâng cao; quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ Cảnh sát biển có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu công tác nắm tình hình, phòng ngừa và phát hiện, đấu tranh nhiều chuyên án, vụ án lớn về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại trên các vùng biển Việt Nam.
Đặc biệt, từ tháng 11/2021 đến nay, lực lượng nghiệp vụ, pháp luật đã xây dựng kế hoạch, mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Kết quả đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án lớn, bắt giữ xử lý 227 vụ/387 đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật; thu giữ hơn 336 tấn than, hơn 97.000 lít xăng, gần 1,2 triệu lít dầu DO và FO, hơn 466 kg pháo nổ; 41 bánh heroin, gần 50.000 viên và hơn 63 kg ma túy tổng hợp; phát mại hàng hóa tịch thu và nộp ngân sách Nhà nước gần 12 tỷ đồng.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển phát biểu chỉ đạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiệp vụ, pháp luật Cảnh sát biển còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hành lang pháp lý về biện pháp nghiệp vụ Cảnh sát biển còn chưa được quy định đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; một số cơ quan, đơn vị nghiệp vụ, pháp luật Cảnh sát biển chỉ tập trung giải quyết vụ việc, vụ án hoặc nhiệm vụ đột xuất mà chưa quan tâm tới công tác nghiệp vụ trinh sát, xây dựng lực lượng mật; vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, pháp luật Cảnh sát biển chưa được chú trọng….
Quang cảnh lớp tập huấn tại các điểm cầu trong toàn Lực lượng Cảnh sát biển.
Để tập trung khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ, pháp luật Cảnh sát biển nhằm chủ động kiểm soát tình hình trên biển, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm vi phạm pháp luật trong tình hình mới, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển yêu cầu cán bộ, chiến sĩ cơ quan, đơn vị nghiệp vụ Cảnh sát biển cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hoạt động nghiệp vụ Cảnh sát biển; kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém, nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ Cảnh sát biển phải có kế hoạch tổng thể và cụ thể để thực hiện đầy đủ từng mặt công tác nghiệp vụ, bám sát yêu cầu thực tiễn, đúng trọng tâm, trọng điểm, chủ động ngăn chặn, giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh nhất là đối với các loại tội phạm vi phạm pháp luật có tổ chức, hoạt động lưu động, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, sử dụng công nghệ cao; không ngừng nâng cao chất lượng công tác trinh sát, tiến hành một số hoạt động điều tra theo thẩm quyền đồng thời khắc phục ngay tình trạng buông lỏng công tác nghiệp vụ cơ bản.
Cùng với đó, đồng chí Tư lệnh Cảnh sát biển cũng yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan cần tiếp tục rà soát, bố trí cán bộ nghiệp vụ, pháp luật có năng lực, trình độ phù hợp nhằm đảm bảo tổ chức triển khai có hiệu quả, đồng bộ các mặt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trên biển thuộc chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển; Tích cực nghiên cứu đổi mới chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác nghiệp vụ, pháp luật Cảnh sát biển, xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả và khen thưởng, kỷ luật trong công tác nghiệp vụ; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về công tác nghiệp vụ, pháp luật Cảnh sát biển. Tiếp tục ứng dụng thành tự khoa học - kỹ thuật và công nghệ phục vụ công tác nghiệp vụ, khẩn trương hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý các thông tin điều tra ban đầu. Tăng cường mở rộng quan hệ phối hợp giữa các lực lượng nghiệp vụ Cảnh sát biển với các lực lượng chức năng thuộc Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành khác có liên quan.
Đức Tĩnh