BTL Vùng Cảnh sát biển 1 nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển

01/09/2017 10:31:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

BTL Vùng Cảnh sát biển 1 được giao quản lý vùng biển rộng trải dài từ cửa sông Bắc Luân tỉnh Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị. Đây là vùng biển khá nhộn nhịp đồng thời cũng là vùng biển có thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, giông lốc, sương mù... dễ xảy ra các vụ tai nạn trên biển. Để khắc phục, giảm thiểu tối đa thiệt hại, thời gian qua BTL Vùng CSB 1 đã phối hợp các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8003/BTL Vùng Cảnh sát biển 1 làm dây lai kéo tàu bị nạn trên biển.

Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát duy trì thực thi pháp luật; bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên vùng biển được phân công, nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng góp phần đảm bảo cho BTL Vùng hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng Đảng bộ Vùng trong sạch vững mạnh, BTL Vùng vững mạnh toàn diện.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (TKCHCN) trên biển, những năm qua BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Quốc phòng, BTL Cảnh sát biển và các văn bản liên quan của các bộ, ban ngành đối với công tác TKCHCN; Đảng ủy Vùng Cảnh sát biển 1 đã ra Nghị quyết chuyên đề số 230 - NQ/ĐU ngày 31/12/2014 về “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; ký quy chế phối hợp hoạt động TKCN trên biển với Trung tâm phối hợp TKCN Hàng hải khu vực 1 và Cảng vụ 9 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình; triển khai phối hợp tốt với các đơn vị Hải quân, Biên phòng và chính quyền địa phương 10 tỉnh ven biển phía Bắc trong việc chia sẻ, xử lý thông tin cũng như phối hợp thực hiện TKCHCN trên biển. Đặc biệt, quán triệt phương châm “Cứu người bị nạn như cứu người thân của mình”, tính riêng từ tháng 9/2015 đến nay, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã trực tiếp thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển thành công 16 vụ/ 16 tàu ( 03 tàu chở hàng, 13 tàu cá), hỗ trợ và cứu đưa về bờ an toàn 117 thuyền viên.
Điển hình là vụ tàu cá mang số hiệu NĐ- 92647 TS ngày 15/11/2016 bị hỏng máy chính, nước tràn vào khoang tại khu vực cách Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ 45 hải lý, trên tàu có 6 thuyền viên do anh Nguyễn Văn Thạch, sinh năm 1989, quê ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu (Nam Định) làm thuyền trưởng trong điều kiện trời mù, đêm tối gió mùa, sóng cấp 6 cấp 7. Ngay sau khi nhận được thông tin, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã điều động tàu Cảnh sát biển 8003 đang trực gần khu vực đến hỗ trợ tiếp cận được tàu cá bị nạn, tiến hành kiểm tra, chăm sóc y tế, cung cấp các nhu yếu phẩm và động viên tinh thần các thuyền viên trên tàu; tổ chức lai kéo đưa tàu bị nạn và toàn bộ thuyền viên về bờ an toàn.
Vụ tàu Thuận Phát 08 thuộc Công ty cổ phần vận tải biển Thuận Phát có trụ sở tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy (Thái Bình) ngày 27/11/2016 do anh Lê Trọng Lực, 29 tuổi, quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) làm thuyền trưởng, đang chở 3.100 tấn gạo hành trình từ Cần Thơ ra Hải Phòng, khi cách Đông Bắc đảo Hòn La 46 hải lý thì gặp sự cố máy chính không thể khắc phục được trong điều kiện đêm tối, sóng to cấp 7, cấp 8; tàu bị chìm. Ngay sau khi nhận được thông tin, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã điều động tàu Cảnh sát biển 2006 đang trực gần khu vực đến thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Kết quả đã cứu và đưa 11 thuyền viên bị nạn từ phao bè cứu sinh về bờ an toàn.
Vụ Tàu Bạch Đằng 06 (tháng 01/2017), trên tàu có 05 thuyền viên, bị chìm tại tọa độ 20012’N; 107044’ E trong điều kiện thời tiết sóng cấp 5, cấp 6, trời rét, mưa mù tầm nhìn hạn chế. Ngay sau khi nhận được thông tin, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã điều động tàu Cảnh sát biển 4036 đang thực hiện nhiệm vụ gần khu vực tới hiện trường tổ chức tìm kiếm, cứu nạn vớt đưa về bờ an toàn 04 thuyền viên.
Mới đây nhất, lúc 14h ngày 26/3/2017, tàu cá mang số hiệu NA 90314 TS, trên tàu gồm 8 thuyền viên do anh Hoàng Đình Thành, 36 tuổi, quê xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) làm thuyền trưởng đang đánh bắt hải sản tại khu vực cách Nam đảo Bạch Long Vĩ 30 hải lý (nằm trong vùng đánh cá chung, phía bên biển của Trung Quốc) bị hỏng máy, vỡ hộp số không thể khắc phục được trong điều kiện gió Đông Bắc cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Ngay sau khi nhận được thông tin, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã điều động tàu Cảnh sát biển 9004 rời cảng khẩn trương tới hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Đến 23h45 cùng ngày, tàu Cảnh sát biển 9004 đã tiếp cận được tàu cá NA 90314TS; triển khai công tác cứu nạn, chăm sóc y tế, động viên tinh thần, cung cấp nhu yếu phẩm cho các thuyền viên và lai kéo, đưa toàn bộ số thuyền viên tàu bị nạn về bờ an toàn.
Theo thống kê của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 1, trong vòng 5 năm trở lại đây (01/01/2012 đến 5/2017) trên khu vực biển Vịnh Bắc bộ đã xảy ra 329 vụ cần sự hỗ trợ trên biển, trong đó tàu cá 200 vụ, tàu vận tải 95 vụ; số vụ liên quan đến phương tiện khác là 34 vụ; số người được cứu và hỗ trợ là 1.821 người; số phương tiện được cứu và hỗ trợ là 122. Qua theo dõi, thống kê các vụ tai nạn hàng hải gần đây do lực lượng chức năng của BTL Vùng Cảnh sát biển 1 trực tiếp triển khai thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho thấy, số vụ tai nạn hàng hải xảy ra có chiều hướng ngày một tăng và hậu quả ngày càng nghiêm trọng bởi các lý do về sự biến đổi bất thường của khí hậu, thời tiết không theo qui luật; ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn hàng hải của các công ty, doanh nghiệp vận tải biển, chủ các phương tiện và một bộ phận ngư dân, nhân dân làm ăn trên biển chưa nghiêm, chủ quan, vì lợi nhuận trước mắt nên bất chấp các quy định về công tác đảm bảo an toàn hàng hải, cũng như cảnh báo về thiên tai, tai nạn... vẫn cho tàu hoạt động. Bên cạnh đó, công tác quản lý của các lực lượng chức năng liên quan đối với việc cho phép các phương tiện hoạt động còn lỏng lẻo; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các lực lượng trong việc chia sẻ thông tin, xử lý thông tin và trong phối hợp triển khai TKCHCN khi có vụ việc xảy ra trên biển chưa chặt chẽ...
Để nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cũng như góp phần giúp ngư dân, nhân dân giảm thiếu tối đa thiệt hại do tai nạn trên biển gây ra, thời gian tới BTL Vùng Cảnh sát biển 1 tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ chiến sĩ nắm vững chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển nói chung; chức năng, nhiệm vụ của BTL Vùng Cảnh sát biển 1 nói riêng. Thấy rõ nhiệm vụ TKCHCN trên biển là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của đơn vị và là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân trong BTL Vùng; Theo đó, cần thực hiện nghiêm Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy Vùng về “Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; cần phải xây dựng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có tinh thần trách nhiệm cao và có tình yêu thương đồng chí, đồng loại; có sức khỏe, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, không ngại khó khăn gian khổ vượt qua mọi khó khăn thử thách, trong điều kiện thời tiết phức tạp để TKCHCN, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, ngư dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hai là, Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác huấn luyện, tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ trong công tác TKCHCN; trong đó chú trọng huấn luyện, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trên các tàu và đội ngũ nhân viên TKCN nắm vững, sử dụng thành thạo các phương tiện, tàu xuồng, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác TKCHCN trên biển; tăng cường huấn luyện thực tế trên biển và diễn tập các phương án TKCHCN trên biển cho các tàu.
Ba là, Duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực, nắm chắc tình hình mặt biển, diễn biến thời tiết, tình hình luồng lạch phục vụ tàu hoạt động bảo đảm an toàn, kịp thời xử lý các tình huống. Đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu, sáng kiến cải tiến trang bị, phương tiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác TKCHCN trên biển; làm tốt việc tham mưu đề xuất với Đảng ủy, Thủ trưởng BTL Cảnh sát biển và cấp trên trong công tác bảo đảm, cải tiến trang thiết bị kỹ thuật và đầu tư mua sắm phương tiện, trang bị kỹ thuật, vật tư cho nhiệm vụ TKCHCN.
Bốn là, Tiếp tục duy trì, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng như: Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảng vụ các tỉnh… Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 06/2014/QĐ-TTg ngày 20/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển cũng như các quy chế phối hợp hoạt động TKCN trên biển khác với các đơn vị đã được ký. Tổ chức diễn tập, cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện, chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng trong xử lý thông tin, xử lý sự việc.
Năm là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con ngư dân, nhân dân làm ăn trên biển, các công ty, đơn vị, doanh nghiệp vận tải biển, đặc biệt là Luật Hàng hải, các qui định về bảo đảm an toàn hàng hải đối với các tàu thuyền; cung cấp tần số các kênh liên lạc khi tàu gặp sự cố, tại nạn ./.

Đại tá Trần Văn Thơ

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com