13/07/2020 02:11:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Trong các ngày từ 8 đến 11/7, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về công tác chủ động phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn mùa mưa bão năm 2020.
Cùng đi với Thiếu tướng Trần Văn Nam còn có Thượng tá Phan Duy Cường - Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn/Bộ Tham mưu Cảnh sát biển; Thượng tá Phan Quang Huy - Phụ trách phòng PCTP ma túy/Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển; đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai; đại diện Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
“Nghệ An cần khắc phục nhanh các điểm xung yếu; xây dựng cụ thể phương án cứu hộ, cứu nạn khi có bão lụt” là yêu cầu của đồng chí Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển sau khi đi kiểm tra thực tế một số công trình đê và hồ đập.
Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển kiểm tra an toàn hồ đập Ba Khe tại xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn.
Tại huyện Nam Đàn, đoàn đã đến kiểm tra công trình hồ đập Ba Khe tại xã Thượng Tân Lộc, có nhiệm vụ tưới cho trên 100 ha cây trồng. Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Hồ đập Ba Khe không lớn nhưng thân đập rất cao, trong khi hiện trạng công trình đã có nhiều hư hỏng, bất cập trong phòng, chống lũ; đường giao thông dưới đập chật hẹp, nằm rất thấp so với đỉnh đập. Khi mưa to, nếu tràn xả lũ sẽ gây nguy hiểm cho đi lại và vận chuyển ứng cứu. Nếu xảy ra sự cố, sẽ có khoảng 500 hộ dân vùng hạ du bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước mùa mưa bão, xã đã chủ động chặt phát cây cối làm thông thoát hệ thống tiêu thoát lũ sau tràn xả lũ; các phương án cứu nạn, cứu hộ, di dời dân cư cũng đã được xây dựng cụ thể và chi tiết.
Đoàn cũng đã kiểm tra thực tế tại trọng điểm đê Hưng Phú - Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. Đây là đoạn đê trực diện với hợp lưu của hai nhánh sông Lam và sông La, do đó dòng chảy có xu hướng thẳng góc với đê, mặt khác khi lũ lớn nếu gặp bão thì đà gió ở đây từ 5 đến 15 km gây sóng lớn nguy hiểm cho đê. Trong khi đó, phần tre chắn sóng phía Hưng Khánh kém phát triển; chênh lệch cao trình đỉnh đê và cao trình nền đê phía đồng lớn, ở một số đoạn, lòng sông có xu thế xói sâu và áp sát chân kè có thể gây sạt lở.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2020, thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trên địa bàn Nghệ An đã chịu ảnh hưởng của 15 đợt không khí lạnh, 5 đợt nắng nóng, 22 đợt tố lốc, lũ quét. Hậu quả làm 3 người chết, sập đổ 35 ngôi nhà, hư hỏng 2.355 nhà, hư hại 2.897 ha lúa, ước tính thiệt hại 242 tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý đê điều, Nghệ An có 68 km đê cấp III (đê tả Lam). Hiện nay đê cấp III chưa được phân cấp, kinh phí đầu tư tu bổ còn ít.
Mặc dù thiên tai diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống thiên tai tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nghiêm túc. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, phát huy tốt “4 tại chỗ” chuẩn bị tốt các khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Nhờ đó, đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản.
Thiếu tướng Trần Văn Nam cho rằng: Nghệ An thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, vì vậy, cần kiện toàn BCH phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng thành viên; Xây dựng kịch bản cho các loại hình thiên tai.
Tiếp tục rà soát để xây dựng phương án hộ đê, xây dựng các phương án với các đoạn đê xung yếu. Cần gắn trách nhiệm quản lý hồ chứa đối với chính quyền địa phương, xây dựng các phương án duy tu, nâng cấp hồ chứa, xây dựng kịch bản an toàn cho vùng hạ du. Nghệ An thường xuyên xảy ra lũ quét, lũ ống, nên cần tuyên truyền cho bà con cách phòng tránh, kiểm tra nơi ở có nguy cơ để di dời bà con đến nơi an toàn...
Đồng chí Nguyễn Văn Đề - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận những ý kiến của đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tỉnh Nghệ An sẽ nghiêm túc tiếp thu, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai. Xác định thiên tai đang diễn biến ngày càng phức tạp, vì vậy các ban, ngành, địa phương phải chủ động ứng phó với thiên tai, từ đó mới giảm thiểu được thiệt hại.
Tỉnh Nghệ An sẽ xây dựng cụ thể phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo đối với các loại thiên tai; Đẩy nhanh tiến độ tu sửa, nâng cấp hệ thống, đê điều, hồ, đập; Tăng cường công tác quản lý tàu thuyền, phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai.
Sau khi kiểm tra thực tế các công trình, Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nêu rõ: Tình hình thời tiết năm nay được dự báo có nhiều diễn biến bất thường và nguy hiểm, số cơn bão đổ bộ vào Biển Đông nhiều. Trong khi đó, trên địa bàn Nghệ An hiện vẫn còn nhiều công trình thủy lợi xung yếu, chưa đảm bảo tốt yêu cầu phòng, chống lụt, bão.
“Ban Chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An cần có phương án chỉ đạo, phối hợp các ngành và địa phương liên quan có giải pháp khắc phục nhanh các điểm xung yếu; xây dựng cụ thể phương án cứu hộ, cứu nạn khi có bão, lụt; tuyệt đối không được chủ quan, coi nhẹ diễn biến bất thường của thời tiết” – Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh.
Tại tỉnh Hà Tĩnh đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã đi thực địa kiểm tra một số công trình trọng điểm ở Nghi Xuân và Lộc Hà (Hà Tĩnh).
Đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra công trình khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân). Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2019, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Hội – Xuân Phổ có sức chứa 500 tàu cho loại tàu đến 600 CV. Ngành chức năng đang triển khai giai đoạn 2 và khi hoàn thành sẽ có sức chứa 1.200 tàu. Tuy nhiên, hiện luồng cửa vào khu neo đậu đang bồi lắng khiến tàu thuyền ra vào khó khăn.
Đoàn cũng kiểm tra cảng cá Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) và ghi nhận tình trạng luồng lạch ra vào cảng bị bồi lấp nghiêm trọng. Tiếp đó, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tới kiểm tra quá trình xây dựng tuyến đê biển Nghi Xuân, đoạn qua xã Cương Gián. Tuyến đê biển qua huyện Nghi Xuân có chiều dài 4,7 km đã hoàn thành được 70% khối lượng, dự kiến tới tháng 11 này sẽ hoàn thành, qua đó tăng khả năng chống chọi mỗi mùa mưa bão, triều cường.
Tại huyện Lộc Hà, đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra công trình tuyến đê biển, đoạn qua xã Thịnh Lộc và kiểm tra khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót (xã Thạch Kim). Hoàn thành vào năm 2010, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót có sức chứa 300 tàu, cho loại tàu tới 300CV. Tuy nhiên, luồng lạch ra vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót cũng bị bồi lắng và tàu thuyền chỉ vào được những lúc thuỷ triều lên.
Thiếu tướng Trần Văn Nam - Trưởng đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Ông Ngô Đức Hợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Hà Tĩnh có 280 km đê biển chỉ ứng phó bão cấp 10 và trong 351 hồ đập lớn nhỏ có dung tích gần 1,6 tỷ m3 nước thì 57 hồ chứa xuống cấp không đảm bảo an toàn.
Mưa lũ cũng gây sạt lở, cuốn trôi hàng nghìn khối đất, đá, hàng chục cống tiêu giao thông; một số tuyến kè bờ sông, bờ biển... và hạ tầng kỹ thuật bị thiệt hại nghiêm trọng. Tổng thiệt hại năm 2019 ước tính gần 755 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 17 đợt không khí lạnh. Từ ngày 31/5 đến 30/6 đã xảy ra nắng nóng gay gắt, kéo dài trên toàn tỉnh, riêng tại huyện miền núi Hương Khê có ngày trên 41 độ C. Do nắng nóng kéo dài nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng với quy mô lan rộng tại các huyện Vũ Quang, Hương Sơn.
Trong tháng 5 đã xảy ra 2 trận lốc xoáy trên địa bàn các huyện Hương Khê và Kỳ Anh, làm tốc mái gần 200 nhà dân, chìm 2 tàu cá của ngư dân và làm đổ gãy nhiều diện tích lúa, hoa màu. Trên vùng biển đã xảy ra 4 vụ tai nạn tàu thuyền, làm chìm 10 phương tiện đánh bắt của ngư dân.
Đại tá Hồ Hữu Hành - Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh mong muốn Trung ương hỗ trợ Hà Tĩnh một số tàu, xuồng có công suất nhỏ (40 - 60 CV) cho các địa phương vùng lũ nhằm chủ động ứng cứu dân khi xẩy ra mưa, lũ lớn.
Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch về Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: Luồng lạch các cảng biển ở Hà Tĩnh bị bồi lắng nghiêm trọng qua từng năm, nếu dùng tiền ngân sách thì không thể đáp ứng được. Hiện nay đã cho chủ trương xã hội hoá việc này nhưng khi thực hiện khó khăn, cần thiết phải có hướng dẫn từ các ban ngành Trung ương.
Hà Tĩnh luôn thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó với thiên tai. Cả hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua và mang lại hiệu quả cao. Công tác khắc phục, tái thiết sau bão luôn được tỉnh chú trọng và tập trung cao với phương châm “không để người dân nào bị thiếu lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt”.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh cho biết: Là địa phương thường xuyên bị thiên tai, đặc biệt là bão, lũ gần như năm nào cũng xảy ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời và thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”, nhờ thế đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Thay mặt đoàn công tác, Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển đánh giá cao sự chủ động trong công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng kế hoạch để ứng phó với các loại hình thiên tai; đầu tư hệ thống quan trắc nhằm nâng cao dự báo cảnh báo thiên tai; xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai; đầu tư nâng cao khả năng chống chịu của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các đê điều, hồ đập xung yếu...
“Việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân là một việc rất quan trọng. Qua đó giúp người dân chủ động phòng, chống khi có thiên tai xảy ra”, Thiếu tướng Trần Văn Nam - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển nhấn mạnh.
Với những đề xuất, kiến nghị của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Thiếu tướng Trần Văn Nam khẳng định, đoàn công tác sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để có hướng giải quyết kịp thời, phù hợp.
Trước đó, Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Viết Tôn