Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO)

15/02/2014 02:11:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Tổ chức Hàng hải Quốc tế được thành lập từ năm 1948. Đây là một trong những cơ quan nhỏ nhất của Liên Hợp Quốc, có trụ sở ở London, với ngân sách hàng năm trên dưới 20 triệu bảng và có quân số khoảng 300 người.

Các nhân viên của Tổ chức Hàng hải Quốc tế đến từ khoảng 50 quốc gia khác nhau và làm việc trong 6 cơ quan đó là : An toàn hàng hải; Môi trường biển; Pháp lý, Đối ngoại; Kỹ thuật; Hành chính và tổ chức sự kiện.

 

Trụ sở của Tổ chức Hàng hải quốc tế tại London, Anh.

Hiện nay, IMO có 167 quốc gia thành viên chính thức và 03 thành viên liên kết, bao gồm các quốc gia có quyền lợi trong hoạt động hàng hải, công nghiệp vận tải biển, bảo vệ môi trường biển v.v..

Ngoài ra, một số tổ chức liên Chính phủ và phi Chính phủ, đại diện cho một loạt các lợi ích khác nhau cũng được mời tham dự các Hội nghị của Tổ chức hàng hải Quốc tế. Các Tổ chức này cũng đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hoàn thiện và phát triển các tiêu chuẩn quốc tế về vận tải biển từ xưa đến nay.

Hoạt động của Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

Cứ 02 năm một lần, Tổ chức Hàng hải Quốc tế tổ chức Đại hội. Đại hội có trách nhiệm phê duyệt chương trình công tác, biểu quyết ngân sách và xác định chế độ tài chính của Tổ chức.

Mỗi kỳ Đại hội sẽ bầu ra một Hội đồng gồm 40 quốc gia thành viên. Giữa các kỳ của Đại hội sẽ có các cuộc họp của các Ủy ban và các Tiểu ban. Các cuộc họp này thường kéo dài trong một tuần hoặc lâu hơn, và trung bình khoảng 25 cuộc họp như vậy mỗi năm.

Bất kỳ một quốc gia thành viên nào của IMO đều có thể đề xuất một quy định mới hoặc sửa đổi một quy định hiện hành. Các đề xuất này có thể phát sinh từ một sự cố, hoặc chỉ đơn giản là từ một ý tưởng hay phát triển về kỹ thuật.

Một trong những công việc quan trọng nhất của IMO để phát triển năng lực là chương trình hợp tác kỹ thuật, nhằm khắc phục sự mất cân bằng về năng lực bằng cách đánh giá nhu cầu của quốc gia và kết nối các quốc gia này với các quốc gia khác và các tổ chức tài trợ để sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, tài chính và công tác đào tạo.

Biện pháp quan trọng nhất để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và đến nay đã đạt được là Bộ luật quốc tế về an ninh tàu và bến cảng (ISPS). Trong đó Bộ luật này yêu cầu các Chính phủ nên thực hiện đánh giá rủi ro để thiết lập mức độ đe dọa an ninh trong các cảng của nước mình.

Hiện tại IMO đang xem xét và đánh giá một chương trình lớn về an toàn đối với tàu chở khách bằng đường biển, đặc biệt đối với các tàu du lịch có sức chứa từ 3.000 hành khách hoặc nhiều hơn.

Sự an toàn của các tàu đánh cá vẫn là một vấn đề mà IMO quan tâm kể từ khi thành lập.Theo báo cáo hàng năm trong lĩnh vực đánh cá có khoảng 24.000 người chết do thiếu quy định an toàn đi biển.

Từ năm 1966 đến năm 1985 hàng năm đã có không dưới 300 tàu bị mất. Đăc biệt từ năm 1978 đến năm 1979 có 938 vụ tàu bị mất, chiếm tỉ lệ 0,67% tàu trong đội tàu thế giới.

Trong năm 1959, khi IMO bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực này, tỷ lệ tàu bị mất đã được giảm 5 phần nghìn.Tỷ lệ này được giảm dần trong các năm về sau.

IMO còn tập trung vào nghiên cứu môi trường và cùng với cộng đồng quốc tế tăng cường đóng góp bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

Mặc dù số lượng tàu không ngừng phát triển và lượng dầu được vận chuyển không ngừng tăng lên, nhưng nhờ có hoạt động của IMO số lượng các sự cố liên quan đến tràn dầu đã giảm liên tục trong 25 năm qua. Vận tải biển góp phần củng cố nền kinh tế toàn cầu, do vậy việc đảm bảo cho hệ thống giao thông đường biển an toàn, hiệu quả và môi trường biển trong sạch là trách nhiệm của mỗi chúng ta, mà từ đó tất cả chúng ta đều được hưởng lợi.

 Tổ chức Hàng hải quốc tế đã hoạt động để cống hiến cho việc thúc đẩy vận tải biển an toàn và hiệu quả.

Hoàng Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng QHQT

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com