15/10/2021 01:51:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Thượng tá, ThS. Nguyễn Trịnh Hùng
Trưởng phòng Quan hệ quốc tế/BTL Cảnh sát biển
Công tác đối ngoại Cảnh sát biển, đặc biệt là giai đoạn 2015-2020, đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, thiết thực, hiệu quả; góp phần giữ gìn vùng biển an ninh, an toàn, hòa bình, ổn định và phát triển. Từ đó, góp phần quan trọng vào nâng cao vị thế, hình ảnh của Cảnh sát biển Việt Nam trên trường quốc tế; trở thành biện pháp công tác hữu hiệu để Cảnh sát biển Việt Nam góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Những năm qua, thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, khó đoán định; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, biến đổi khí hậu, khủng bố, an ninh, an toàn không gian mạng,… tác động mạnh mẽ và đặt ra nhiều thách thức mới đối với hội nhập quốc tế và đối ngoại, ngoại giao Việt Nam. Biển Đông và Đông Nam Á là trọng điểm can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Các mối đe dọa an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống ở khu vực này vẫn diễn biến phức tạp, nhất là trên thực địa, trên các diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, khu vực và toàn cầu.
Nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng, Chỉ thị Nghị quyết về đối ngoại quốc phòng của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, hoạt động đối ngoại Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn 2015-2020 đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn, hòa bình, ổn định trên vùng biển Việt Nam. Kết quả ấy thể hiện năng lực quy tụ, hình thành sức mạnh tổng hợp dưới sự chỉ đạo sâu sát của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cấp trên, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu Lực lượng Cảnh sát biển.
Trong hợp tác với Trung Quốc, Để góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có những nghiên cứu, kịp thời tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương các biện pháp xây dựng và phát triển quan hệ với Trung Quốc về lĩnh vực Cảnh sát biển; tích cực trao đổi, đàm phán và ký kết thành công Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc năm 2016. Đây là dấu mốc, bước đột phá quan trọng, đánh dấu sự nâng tầm, mở rộng quan hệ và làm sâu sắc hơn chính sách hợp tác với Cảnh sát biển Trung Quốc. Từ chỗ chúng ta chỉ thực hiện tuần tra liên hợp Vịnh Bắc bộ mỗi năm một lần, nay hoạt động này tăng lên 02 lần/năm; đáng chú ý là, vào năm 2017, tàu Cảnh sát biển Việt Nam có chuyến thăm Trung Quốc, tiếp tục mở rộng, đi sâu các hoạt động hợp tác thiết thực khác.
Cảnh sát biển Việt Nam hội đàm với Cảnh sát biển Trung Quốc trong chuyến tuần tra chung Liên hiệp nghề cá vịnh Bắc bộ năm 2019.
Trên cơ sở kiên trì, kiên định lập trường nhất quán giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình; trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo, chỉ huy toàn Lực lượng xây dựng và thực hiện tốt đối sách trên biển, trong đó có đối sách với tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam và tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển Trung Quốc; Tích cực trao đổi, hợp tác Cảnh sát biển hai Bên, qua đó đã giải quyết cơ bản vấn đề tàu cá hai Bên xâm phạm vùng biển của nhau, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Đồng thời, Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã có sự nhìn nhận, đánh giá cao kết quả hợp tác, sự tích cực, trách nhiệm của Cảnh sát biển Việt Nam, từ đó thay đổi biện pháp, nhất là với ngư dân Việt Nam, đối xử nhân đạo hơn, hạn chế bắt giữ, xử lý... góp phần làm giảm, tránh căng thẳng trên biển.
Trong hợp tác với các nước ASEAN, Công tác đối ngoại của Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ với các nước Đông Nam Á. Trên cơ sở coi trọng công tác xây dựng thể chế cho Lực lượng Cảnh sát biển nói chung và trong việc đàm phán, ký kết các văn bản hợp tác với Cảnh sát biển các nước nói riêng, tiến tới thiết lập, xây dựng quan hệ hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước đi vào chiều sâu. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có những chỉ đạo thúc đẩy ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác với những nước có liên quan, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới, ranh giới trên biển. Trong giai đoạn này, Cảnh sát biển Việt Nam đã ký được Nghị định thư về Cơ chế liên lạc đường dây nóng với Ủy ban Quốc gia An ninh Hàng hải Campuchia, Ý định thư với Cảnh sát biển Indonesia (BAKAMLA) năm 2017, Ý định thư với Malaysia năm 2019. Hiện nay, các Bản Ghi nhớ hợp tác với Indonesia và Philippines đang trong giai đoạn chuẩn bị ký kết. Từ các văn bản này, đã có nhiều hoạt động hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả với các nước, trong đó có các hoạt động góp phần đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam trong thời gian qua.
Trong hợp tác với Hoa Kỳ và các nước lớn như: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… Hiện thực hóa đường lối của Đảng về kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo nhạy bén, quyết liệt. Nhờ đó, có nhiều nước đã sẵn sàng tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả về trang bị, tàu thuyền, cơ sở vật chất hậu cần và công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao năng lực, kiến thức về pháp luật, an ninh, an toàn trong thực thi pháp luật trên biển. Cùng với đó, các chuyến thăm của tàu Cảnh sát biển Việt Nam đến các nước: Ấn Độ năm 2018, Nhật Bản năm 2019 đã góp phần nâng cao vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Đây cũng là cơ hội để chúng ta tổ chức huấn luyện, rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam có bản lĩnh, kinh nghiệm, sức chịu đựng và khả năng điều động tàu đi xa, dài ngày trên biển. Qua đó, nâng cao năng lực cho Cảnh sát biển Việt Nam, đồng thời tạo sự chủ động, bản lĩnh, cân bằng và đối đẳng trong quan hệ hợp tác giữa các nước lớn.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam đến thăm và giao lưu với Cảnh sát biển Ấn Độ năm 2018.
Về kênh hợp tác với Đại sứ quán các nước có liên quan tại Việt Nam, Nhận thức sâu sắc vai trò cầu nối của Đại sứ các nước trong mối quan hệ với Việt Nam trong thời gian qua, nhất là giai đoạn 2015-2020, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động, thường xuyên trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với Đại sứ và cán bộ Đại sứ quán các nước có quan hệ hợp tác về lĩnh vực Cảnh sát biển. Hoạt động này vừa tăng cường hợp tác về lĩnh vực Cảnh sát biển vừa giúp chúng ta có nhiều quyết sách đúng đắn, có đối sách phù hợp, góp phần bảo vệ biển đảo, giữ được tình hình ổn định và phát triển trên hướng biển, cùng có lợi.
Về hợp tác đa phương, Trong bối cảnh và tình hình mới, hợp tác đa phương có vai trò giải quyết các thách thức toàn cầu, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và các nỗ lực chung vì hòa bình và phát triển trên thế giới. Vì thế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các cơ chế, diễn đàn đa phương. Trong đó, nổi bật là Hiệp định Hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang (ReCAAP). Đây là cơ chế đa phương mà Cảnh sát biển Việt Nam tham gia đầy đủ nhất, thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia Hội đồng Điều hành, là đầu mối quốc gia về chia sẻ thông tin, cùng nhiều cơ chế diễn đàn như: (1) Hội nghị Những người đứng đầu Cảnh sát biển các nước châu Á (HACGAM). Đây là Hội nghị thường niên, bắt đầu từ năm 2004. Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức năm 2011 và năm 2021 là lần thứ hai chúng ta là nước chủ nhà; (2) Diễn đàn Tư lệnh Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia Đông Nam Á (SEAMLEI); (3) Các hoạt động trong khuôn khổ do Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức; (4) Hội nghị Cảnh sát biển toàn cầu (CGGS).
Trong công tác xây dựng ngành đối ngoại, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã lãnh đạo xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành đối ngoại Cảnh sát biển về kỹ năng xử lý tình huống, sự cẩn thận, khoa học, logic, đảm bảo an toàn thông tin, đúng quan điểm, đường lối đối ngoại. Theo đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có nhiều nội dung tham mưu đề xuất quan trọng và mang tính chiến lược với Quân ủy Trung ương trong xây dựng Lực lượng và công tác đối ngoại Cảnh sát biển đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngành đối ngoại Cảnh sát biển Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã có sự trưởng thành về lực lượng, thể chế, tổ chức, kỹ năng đối ngoại, cũng như khả năng nhạy bén, chất lượng trong công tác, thay đổi bản chất hoạt động đối ngoại Cảnh sát biển từ “thụ động” sang “chủ động”.
Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng phản động, tiêu cực lợi dụng sự việc Đảng, Nhà nước vừa có những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể và một số cá nhân Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015-2020 để cố tình xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo, suy luận cực đoan; cố ý phủ nhận những thành tựu của Lực lượng Cảnh sát biển và những phần thưởng, danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã trao tặng cho các tập thể, cá nhân trong Lực lượng. Do vậy, hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, nhân dân và người đọc cần hiểu rõ bản chất vụ việc, có cái nhìn khách quan và toàn diện, tin tưởng vào sự lãnh đạo và các quyết định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương. Đồng thời, chủ động, kiên quyết đấu tranh phản bác các thông tin độc xấu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng cơ hội, chống đối chính trị, xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, bôi nhọ và phủ nhận kết quả, thành tựu của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian qua.
Thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình mới, cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại Cảnh sát biển Việt Nam luôn ghi nhớ những đóng góp có giá trị thực tiễn, những dấu ấn lãnh đạo, chỉ đạo sát sao trong công tác đối ngoại Cảnh sát biển của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh qua các thời kỳ; tiếp tục kiên trì thực hiện tốt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương; từ đó nỗ lực củng cố và nâng tầm hoạt động công tác đối ngoại Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần giữ vững sự ổn định trên hướng biển, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc; thiết thực xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại./.