13/06/2016 06:51:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển trước hết phải là vùng biển được các quốc gia trong khu vực phân định rõ ràng, được lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước hợp tác bảo đảm tốt về an ninh, an toàn và duy trì tốt việc chấp hành pháp luật quốc gia ven biển và các điều ước quốc tế liên quan. Các hoạt động hàng hải, hoạt động kinh tế biển ngày nay phát triển nhanh chóng, không chỉ là độc quyền của quốc gia ven biển mà nó còn mang tính khu vực và toàn cầu. Để xây dựng được vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển cần có sự phối hợp, hợp tác của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới mà đại diện là lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng bảo vệ biển các nước.
Tàu lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản thăm và giao lưu với CSB VN. (Ảnh: Liên Nhâm)
Cảnh sát biển Việt Nam (CSB VN) là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam cũng như điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng XHCN Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế vì vùng biển Việt Nam hòa bình, hữu nghị và phát triển là yêu cầu cấp thiết; là đòi hỏi tất yếu, khách quan trong quá trình xây dựng và phát triển Lực lượng CSB VN.
Ngay sau khi được thành lập ngày 28/8/1998, Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Cảnh sát biển (nay là BTL Cảnh sát biển) đã đặc biệt coi trọng và triển khai nhiều hoạt động đối ngoại mang tính thực chất và đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình xây dựng, phát triển Lực lượng CSB cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại:
Hợp tác nâng cao năng lực cho CSB VN
Được sự đồng ý của Thủ trưởng các cấp, ngay khi vừa thành lập, CSB VN đã tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại của tổ chức SIDA (Thụy Điển) để nghiên cứu, xây dựng mô hình và nâng cao năng lực. Quá trình triển khai dự án trên, CSB VN đã được tham quan, học hỏi và tiếp cận mô hình tổ chức Lực lượng CSB tiên tiến của các nước châu Âu như Thụy Điển, Tây Ban Nha để có so sánh, lựa chọn và vận dụng sáng tạo vào mô hình, xây dựng, phát triển. Dự án cũng đã hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh cho các cán bộ thế hệ đầu của Lực lượng CSB.
CSB VN đã chủ động trong việc tìm nguồn, lựa chọn, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng về tiếp nhận các trang thiết bị chuyên ngành và hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực: BTL CSB được Lực lượng Bảo vệ biển Hàn Quốc chuyển nhượng 03 tàu tuần tra đã qua sử dụng với giá ưu đãi, hiện tại 03 tàu này đang hoạt động tốt trong biên chế của lực lượng; tiếp nhận 03 tàu cá đã qua sử dụng do Chính phủ Nhật Bản viện trợ (một chiếc đã đưa vào sử dụng và 02 chiếc đang trong quá trình sửa chữa, cải hoán) và đã hoàn thành thủ tục tiếp nhận các trang bị kỹ thuật phục vụ công tác tuần tra, thực thi pháp luật trên biển do Nhật Bản viện trợ trong năm tài khóa 2015; Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã và đang viện trợ nhiều trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát và đã bảo đảm kinh phí đào tạo các khóa tiếng Anh tại cơ quan BTL. Chương trình viện trợ này sẽ còn được tiếp tục trong các năm tiếp theo; CSB VN cũng đã đưa hàng chục cán bộ sang học tập, tập huấn về chuyên ngành CSB, ngoại ngữ, vận hành trang bị viện trợ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ bằng nguồn kinh phí do các nước trên tài trợ. Kết quả viện trợ và hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực của các nước đã được CSB VN tiếp nhận, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích và đã góp phần không nhỏ vào sự lớn mạnh của Lực lượng CSB ngày hôm nay.
CSB VN đã chủ trì đón tiếp nhiều lượt tàu thực thi pháp luật trên biển các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đến thăm và giao lưu. Qua các hoạt động thăm tàu, cán bộ, chiến sĩ hai Bên cùng nhau tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, xử lý ô nhiễm môi trường biển và cùng nhau luyện tập tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các hoạt động thiết thực này đã góp phần làm phong phú hơn kiến thức và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ CSB VN.
Hợp tác thực thi pháp luật trên biển
CSB VN rất coi trọng công tác phối hợp, hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có vùng biển tiếp giáp với biển Việt Nam. CSB VN đã ký văn bản hợp tác với: Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines; Ủy ban Quốc gia an ninh hàng hải Campuchia; phối hợp với Cảnh sát biển Trung Quốc hoàn chỉnh dự thảo Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bên và đang báo cáo các cơ quan chức năng để tổ chức ký trong thời gian tới; Đã báo cáo và được Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý về chủ trương xây dựng văn bản Ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Thực thi pháp luật trên biển Malaysia; Lực lượng Bảo vệ biển Indonesia. CSB VN cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản. Đây là những lực lượng có năng lực thực tế và bề dày kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển. Trong các văn bản hợp tác đã ký, các bên đều coi trọng nhiệm vụ chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm cứu nạn. Các nội dung hợp tác này là điều kiện cần thiết trong việc xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.
CSB VN và CSB Trung Quốc là đầu mối cơ quan giám sát thực thi Hiệp định Hợp tác nghề cá, vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ Việt Nam - Trung Quốc: hai Bên đã phối hợp, hợp tác chặt chẽ trong công tác tuyên truyền Hiệp định Hợp tác nghề cá tới ngư dân VN và Trung Quốc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngư dân hai nước thực hiện các quy định của Hiệp định; Cùng nhau tổ chức thành công 10 chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá, vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ. Qua việc phối hợp, triển khai hoạt động thực thi pháp luật trên biển giữa CSB VN và CSB Trung Quốc trong các vùng nước Hiệp định Vịnh Bắc bộ đã góp phần làm giảm đáng kể hiện tượng tranh chấp ngư trường, nạn trộm cắp ngư lưới cụ và đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản bằng các biện pháp hủy diệt như thuốc nổ, dùng điện của ngư dân hai nước. Sau 11 năm Hiệp định Hợp tác nghề cá có hiệu lực, Vịnh Bắc bộ nói chung và vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ nói riêng đã mang một diện mạo mới, trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển và là hình mẫu trong việc hợp tác, giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia có biển liền kề trong khu vực và trên thế giới.
CSB VN đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia Hiệp định liên Chính phủ về chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (ReCAAP); là thành viên của Hội nghị Những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á (HACGAM); đại diện cho Việt Nam tham gia Sáng kiến thực thi pháp luật trên biển Vịnh Thái Lan do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ; CSB VN còn phối hợp chia sẻ thông tin với Trung tâm An ninh hàng hải Hải quân Singapore (IFC), Trung tâm Thông tin chống cướp biển của Cục Hàng hải quốc tế đặt tại Kualalumpur, Malaysia (IBM). Trong quá trình tham gia các hoạt động đa phương, CSB VN luôn được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm. Đặc biệt, sau sự kiện CSB VN khống chế thành công 11 tên cướp khi chúng cướp tàu Zafirah mang quốc tịch Malaysia và điều khiển tàu hành trình vào khu vực biển Việt Nam tháng 11/2012 và việc tháng 6/2015, CSB VN đã phối hợp Cơ quan Thực thi pháp luật trên biển Malaysia truy tìm tàu Orkim Harmony mang quốc tịch Malaysia bị cướp có vũ trang tấn công và di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Kết quả là 08 tên cướp đã phải rời tàu để chạy trốn và đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ. Đây là những vụ việc tiêu biểu cho sự phối hợp, hợp tác quốc tế trong đấu tranh chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền hoạt động trong khu vực. Đồng thời, qua đó cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự mưu trí, sáng tạo, tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của CSB VN với tội phạm có tổ chức trong khu vực. Vụ việc này cũng được các tổ chức như ReCAAP, HACGAM ghi nhận và lấy làm bài học kinh nghiệm cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước.
Bài học rút ra
Chủ động trong công tác đối ngoại: thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại; kịp thời đề xuất, lựa chọn những lĩnh vực đối ngoại cần thiết và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng; lựa chọn đối tác phù hợp để hợp tác, ký kết các thỏa thuận song phương trong khuôn khổ thực thi pháp luật trên biển; Chủ động lựa chọn, tiếp nhận trang thiết bị viện trợ để nâng cao năng lực cho lực lượng CSB.
Tích cực trong công tác đối ngoại: tham gia vào các hoạt động song phương, đa phương nghiêm túc, đầy đủ; trong các diễn đàn đa phương cần tích cực tham luận, đề xuất các sáng kiến có giá trị, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của CSB VN trên trường quốc tế.
Phối hợp thực hiện công tác đối ngoại: Công tác chỉ đạo phải xuyên suốt, chặt chẽ từ trên xuống dưới; công tác phối hợp, chia sẻ thông tin phải đầy đủ, kịp thời; công tác xử lý các vụ việc có yếu tố nước ngoài phải nhanh chóng, chính xác.
Kết luận
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Thủ trưởng BTL, với tinh thần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, CSB VN từ một lực lượng non trẻ, mới được thành lập đã từng bước lớn mạnh về tổ chức, tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh và tự tin về công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. CSB VN đã trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong đại gia đình các cơ quan thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực và trên thế giới, được lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cũng như phối hợp, hợp tác trong các hoạt động thực thi pháp luật trên biển.
CSB VN đã tự tin trong việc bắt giữ và xử lý các vụ việc cướp biển, cướp có vũ trang, buôn lậu, gian lận thương mại có yếu tố nước ngoài trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đã tích cực, chủ động trong việc bảo vệ người dân làm ăn hợp pháp trên biển, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ thông tin và yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực giúp đỡ người dân Việt Nam khi gặp nạn trên biển. CSB VN cũng đã thể hiện được bản lĩnh, tinh thần kiên quyết, dũng cảm trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia được quy định tại Công ước Luật Biển 1982 bằng biện pháp hòa bình. Những thành tích đó là minh chứng sinh động để khẳng định CSB VN đã thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế vì vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.