Xu hướng về hàng hải toàn cầu và vấn đề hợp tác an ninh biển

08/10/2013 09:20:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Hội thảo liên ngành về An ninh biển do Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với Văn phòng Hợp tác Quốc phòng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức từ ngày 7 - 11 tháng 10 năm 2013 tại Hà Nội. Trong quá trình Hội thảo, đại biểu các cơ quan chuyên trách của Việt Nam cùng các học giả Hoa Kỳ đã trao đổi các vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an ninh biển, đặc biệt là các xu hướng hàng hải toàn cầu và vấn đề hợp tác an ninh biển trong giai đoạn hiện nay.

Sự phát triển của công nghệ thông tin, sự gia tăng về dân số, sự thay đổi các hoạt động kinh tế, nhu cầu về nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự ảnh hưởng của môi trường biển và vấn đề toàn cầu hóa đã và đang làm thay đổi bức tranh toàn cảnh về hàng hải toàn cầu. Theo đó, trong lĩnh vực hàng hải, có thể xảy ra ba xu thế sau: Xu thế thứ nhất, hàng hải toàn cầu vẫn tiếp tục theo hướng hiện tại và có thể có sự tăng trưởng đột biến ở một số nơi trong vòng vài thập niên tới. Xu thế thứ hai, nguồn tài nguyên dần cạn kiệt và môi trường biển ngày một suy thoái, do vậy cần xây dựng một thế giới phát triển bền vững hơn và tiến tới sự công bằng, thịnh vượng chung của toàn nhân loại. Chính phủ các nước sẽ cùng nhau thảo luận để tìm ra lợi ích chung và hợp tác để phát triển kinh tế toàn cầu dựa trên cơ sở phát triển bền vững. Xu thế thứ ba, các quốc gia sẽ cạnh tranh nhau và hành động chỉ vì lợi ích riêng của mỗi quốc gia. Đứng trước lợi ích to lớn mà biển đem lại, nếu các quốc gia cố tình hiểu không đúng quyền và lợi ích của mình trên biển thì xu thế cạnh tranh sẽ nổi trội. Như vậy, theo kịch bản này, rất khó có khả năng chính phủ các nước đạt được thỏa thuận để phát triển bền vững, tuân thủ theo luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế. Khi đó, sẽ kéo theo những cọ xát với hệ lụy khôn lường. Lợi ích chung của khu vực và toàn cầu có thể bị xâm hại, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ sẽ phát triển và kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái.

Trong ba xu hướng trên, xu hướng thứ hai vẫn được mọi người mong đợi. Tuy nhiên, đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác; hoà bình và xung đột; sự phát triển và suy thoái vẫn xảy ra thường ngày. Hoà bình và hợp tác vẫn là xu hướng chủ đạo trong tương lai, nhất là hợp tác trên lĩnh vực an ninh biển để đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu thuyền và các vùng biển. Hợp tác để đảm bảo sự tranh chấp có thể thương lượng và giải quyết bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ theo luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế, tránh sự hiểu nhầm giữa các lực lượng chấp pháp hay lực lượng quân sự của các nước dẫn đến các hành động khiêu khích hay leo thang đến mức xảy ra xung đột vũ trang.

Các học giả Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các vấn đề an ninh biển.

Toàn cảnh Hội thảo An ninh biển 2013 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Hợp tác an ninh biển trong giai đoạn hiện nay trở lên cấp bách hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các vấn đề xảy ra tại bất kể địa điểm, hay quốc gia nào trên thế giới đều có thể ảnh hưởng tới các quốc gia khác hoặc ảnh hưởng đến toàn cầu. Việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển vẫn là phương thức chủ đạo trên toàn cầu hiện nay. Ước tính khoảng 90% lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển; với sự gia tăng về dân số và phát triển kinh tế như hiện nay, ước tính lượng hàng hoá vận chuyển bằng đường biển trong những năm 2030-2050 sẽ tăng gấp đôi về số lượng. Thực tiễn, các tổ chức quốc tế và khu vực đã được thiết lập, để đẩy mạnh sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa các tổ chức và giữa các quốc gia để đảm bảo an ninh biển, như Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Hiệp định Khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á (ReCCAP).

Tuy nhiên, năng lực tiếp nhận và chia sẻ thông tin của mỗi nước còn có những hạn chế nhất định do chính sách quốc gia, thiếu nguồn nhân lực có đủ khả năng để tham gia các hoạt động ứng phó, đối phó với các vấn đề an ninh hàng hải; trang thiết bị dùng để chia sẻ thông tin hàng hải giữa các nước hiện tại chưa tương thích... Do vậy, các chương trình hỗ trợ của các nước phát triển đối với các quốc gia đang phát triển ven biển nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, như tổ chức các chương trình huấn luyện và đạo tạo nguồn nhân lực, tài trợ các trang thiết bị, công cụ thực thi pháp luật trên biển, phương tiện tàu thuyền để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hoạt động trái phép trên biển... Sự trợ giúp này không chỉ giúp nâng cao năng lực chấp pháp trên biển để đảm bảo an ninh, an toàn trên biển của mỗi quốc gia, mà còn góp phần tăng cường khả năng hợp tác với các quốc gia khác để đảm bảo vùng biển của quốc gia, trong khu vực và toàn cầu được an toàn, thương mại phát triển.

Khắc Vượt
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan