20/11/2016 09:16:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Vệ tinh Vinasat là vệ tinh viễn thông địa tĩnh, vệ tinh này có thể cung cấp dịch vụ đường truyền vệ tinh để phát triển các dịch vụ ứng dụng như dịch vụ điện thoại, truyền hình, thông tin di động, truyền số liệu, internet, các dịch vụ đào tạo và y tế từ xa, trao đổi thông tin từ đất liền tới các ngư dân làm ăn trên biển, dự báo thời tiết...
Về mặt quân sự, vệ tinh Vinasat cung cấp các đường truyền thông tin liên lạc quân sự và an ninh quốc phòng. Kết hợp với hệ thống thông tin cố định đã triển khai, hệ thống thông tin vệ tinh Vinasat bảo đảm thông tin liên lạc (thoại, fax, truyền số liệu) phục vụ cho công tác chỉ huy các đơn vị trong toàn quân, nhất là các đơn vị ở xa, nơi mà hệ thống cáp quang, Viba, tổng đài điện tử kỹ thuật số chưa vươn tới được. Đồng thời, hệ thống thông tin vệ tinh Vinasat bảo đảm thông tin liên lạc cho các đơn vị làm nhiệm vụ cơ động (kế hoạch A2, phòng chống lụt bão…).
Ngoài ý nghĩa kinh tế, quân sự, việc phóng vệ tinh Vinasat vào vũ trụ còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trong không gian và nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhờ đó, Việt Nam trở thành nước thứ 93 trên thế giới và nước thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á có vệ tinh riêng bay vào quỹ đạo.
Hiện nay Việt Nam có 4 vệ tinh đang ở trong vũ trụ, đó là:
Vinasat-1: Đây là vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên của Việt Nam (Vệ tinh địa tĩnh là vệ tinh mà ta quan sát nó từ trái đất dường như nó đứng im trên không). Điều kiện để có vệ tinh địa tĩnh là nó phải phóng sao cho mặt phẳng xích đạo của nó nằm trong mặt phẳng xích đạo của trái đất, chuyển động theo chiều quay của trái đất và có chu kỳ quay bằng đúng chu kỳ quay của trái đất. Như vậy nó phải ở độ cao tối thiểu là 35.880 km và có V=3,07 km/s. Vệ tinh Vinasat-1 bay vào vũ trụ năm 2008 từ bãi phóng Kourou, Guyana của Pháp. Dự án vệ tinh Vinasat-1 khởi động từ năm 1998 với tổng mức đầu tư khoảng hơn 300 triệu USD. Vinasat-1 có chiều cao 4 m, nặng 2.600 kg, tuổi thọ 15-20 năm.
Vệ tinh vinasat-1.
Vinasat-2: Cũng là vệ tinh viễn thông địa tĩnh của Việt Nam. Nó được phóng vào vũ trụ ngày 16/5/2012 tại bãi phóng Kourou, Guyana bằng tên lửa Ariane 5 ECA. Vinasat-2 có tổng kinh phí khoảng 260-280 triệu USD, được Thủ tướng thông qua và giao cho VNPT làm chủ đầu tư từ tháng 12/2009.
Giống như Vinasat-1, đối tác triển khai dự án Vinasat-2 vẫn là công ty Lockheed Martin của Mỹ. Công ty này cung cấp vệ tinh, thiết bị điều khiển và dịch vụ phóng vệ tinh viễn thông.
Vệ tinh vinasat-2.
Vệ tinh nhỏ F-1: Vệ tinh nhỏ F-1 được thiết kế bởi Phòng Nghiên cứu không gian Fspace, trường Đại học FPT. Vệ tinh này được đưa vào vũ trụ tháng 7/2012 từ bệ phóng HTV-3 tại Nhật Bản. Vệ tinh của FPT có hình dáng khối lập phương, mỗi cạnh dài 10 cm và nặng 1 kg. Vệ tinh F-1 do nhóm Fspace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải “sống” trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất, chụp được độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Vệ tinh nhỏ F-1.
Tuy nhiên, đến nay vệ tinh vẫn chưa phát tín hiệu, nguyên nhân có thể do mạch sạc của vệ tinh gặp sự cố nên không được cung cấp năng lượng từ tấm pin mặt trời.
Vệ tinh VNREDSat-1: Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam. Vệ tinh có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Vệ tinh VNREDSat-1 do công ty EADS Astrium của Pháp thiết kế và chế tạo. Vệ tinh được đưa vào quỹ đạo ngày 7/5/2013 từ bãi phóng ở Kourou, Guyana của Pháp.
Vệ tinh VNREDSat-1.
Trong hệ thống thông tin vệ tinh Vinasat, các vệ tinh nói trên của Việt Nam được hoạt động cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng dưới mặt đất đó là Trung tâm điều khiển vệ tinh, Trung tâm điều hành khai thác vệ tinh và các trạm teleport rất hoàn chỉnh và hiện đại. Cụ thể:
Trung tâm điều khiển vệ tinh
Hệ thống trung tâm điều khiển này được thiết kế có hệ số tin cậy và độ sẵn sàng cao trên 99,9% đảm bảo cho mục tiêu điều khiển vệ tinh Vinasat hoạt động ổn định trên vị trí quỹ đạo và các thông số hoạt động đúng chỉ tiêu. Trung tâm điều khiển chính được đặt ở miền Bắc tại Quế Dương, Hà Nội và Trung tâm dự phòng đặt ở phía Nam tại tỉnh Bình Dương. Hai trung tâm này được thiết kế cho phép dễ dàng mở rộng để điều khiển thêm các vệ tinh khác của Việt Nam sau này.
Trung tâm điều hành khai thác vệ tinh tại Quế Dương, Hà Nội.
Trung tâm điều hành khai thác vệ tinh
Trung tâm điều hành khai thác vệ tinh là một phần không thể thiếu trong hệ thống thông tin vệ tinh. Quy mô Trung tâm điều hành khai thác vệ tinh được thiết kế tối ưu cho dung lượng vệ tinh khai thác và các loại hình dịch vụ cung cấp cho khách hàng cũng như khả năng mở rộng khi có thêm các vệ tinh. Với 04 vệ tinh được đưa vào trong vũ trụ hiện nay, Việt Nam dần chứng tỏ khả năng tiếp cận với công nghệ không gian, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đồng thời phục vụ việc trao đổi thông tin giữa đất liền và các ngư dân làm ăn trên biển, dự báo thời tiết...
Đặc biệt vệ tinh Vinasat còn cung cấp đường truyền thông tin liên lạc cho các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lụt, đường truyền thông tin đến các vùng sâu, vùng xa, hải đảo mà các phương thức truyền dẫn khác khó vươn tới được./.
Thượng tá Hoàng Văn Tuấn
Phó Chỉ huy trưởng/Trung tâm chỉ huy/Bộ Tham mưu CSB