Những hòn đảo nhân tạo nổi tiếng

14/06/2018 11:04:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Hiện nay, do quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số, khiến đất đai ngày càng chật hẹp, tại nhiều nước trên thế giới người ta đã bắt đầu chuyển sang ở những hòn đảo nhân tạo – là các công trình kiến trúc do con người làm ra nhằm giảm thiểu gánh nặng dân số, diện tích đất đai và các vấn nạn xã hội. Vì sự hữu dụng của đảo nhân tạo và những phương tiện ra đảo tiến bộ, đây cũng sẽ là một nơi ở mới đầy tiềm năng trong tương lai.

Có khá nhiều hòn đảo nhân tạo ấn tượng ở biển mà một ví dụ là Đảo Cọ Jumeirah, Dubai- UAE (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Đảo này ra đời từ năm 2001, không chỉ đẹp có hình dạng của một cây cọ (hoặc vương miện) với 17 nhánh lá và một vầng trăng lưỡi liềm tỏa sáng trên cùng mà còn là hòn đảo nhân tạo lớn nhất châu Á và thế giới. Kể từ khi xuất hiện, nó đã thu hút rất nhiều du khách và trở thành một khu resort cao cấp với hơn bốn nghìn căn hộ sang trọng, các trung tâm giải trí và 520 kilômét bãi biển thanh tĩnh. Không xa đảo này, cũng tại Dubai là quần đảo nhân tạo ấn tượng nhất trái đất- Đảo Thế giới với khoảng 300 hòn đảo xếp hình bản đồ thế giới, nằm cách bờ biển Dubai sáu kilômét và được bao bởi một vành đai hình ô van. Chúng được hình thành nhờ 321 triệu mét khối cát nạo từ đáy biển và 31 triệu tấn đá rắn pha thành hỗn hợp xi kết chạy quanh lấn biển mà tạo thêm một diện tích 55 kilômét vuông cho thành phố này. Mỗi hòn đảo có diện tích từ 14 nghìn đến 42 nghìn mét vuông và cách nhau hơn 100 mét. Nhờ sự san sát như vậy, nếu không nhìn từ trên cao xuống sẽ ngỡ nó là một dải đất liền thật thụ.

Đẹp không kém là quần đảo Durrat Al Bahrain ở Bahrain gồm 14 đảo nhỏ trong đó năm đảo hình trăng lưỡi liềm, sáu đảo hình con cá, tổng diện tích lên tới 20 triệu mét vuông. Nhìn từ trên cao xuống có cảm tưởng như thấy một đàn thủy sinh đang kéo một con thuyền ra biển. Tất cả được dành cho du lịch với nhiều dịch vụ chất lượng.

Cũng là một quần đảo nhân tạo song đảo Amwaj nằm ở phía đông bắc Bahrain là nơi đầu tiên của nước này không tính phí đất cho khách nước ngoài. Với diện tích gần ba triệu mét vuông, nó được khởi công từ năm 2002 trên các vùng biển nông gần với đảo Muharrag là đảo cực bắc của vương quốc. Người ta dùng cát và cột đá tạo nên vành đai của đảo, sau đó dùng các vật liệu khác gia cố và trồng san hô xung quanh chống bão và sự xói vì biển. Phần lớn nhà cửa ở đây đều được xây dựng theo kiểu thành phố nổi Venice, Italia.

Đảo Ngọc trai, Doha - Qatar.

Tương tự đảo Amwaj, đảo Ngọc trai, Doha- Qatar cũng là nơi khởi đầu cho người nước ngoài ở tự do. Nằm cách biển Doha 350 mét, đảo có diện tích bốn triệu mét vuông và một bờ biển dài 32 kilômét. Sở dĩ được gọi đảo Ngọc trai, đảo viên châu vàng vì nó có dạng giống một chuỗi ngọc, kim cương đeo cổ. Vào đầu năm 2016, trên đảo đã có 40 nghìn dân, 15 nghìn ngôi nhà, ba khách sạn lớn và sáu đại lộ đem lại cảnh quan thơ mộng.

Quần đảo Khazar hay đảo Caspia, Azerbaijan lại là những đảo nhân tạo đặc sắc nhất Á Âu. Công trình gồm 41 đảo, cách thành phố Baku 25 kilômét, một phần đã được xây xong, một phần vẫn đang thi công và nếu hoàn chỉnh sẽ mở thêm 30 kilômét vuông diện tích trên biển Caspia. Tương lai, nơi này sẽ có đến một triệu dân, 150 trường học, 50 bệnh viện, trung tâm mua sắm và đặc biệt là tòa tháp Azerbaijan cao nhất thế giới và là điểm nhấn trung tâm của đảo. Cũng có 150 cây cầu và một sân bay lớn nối đảo với đất liền.

Kỳ lạ nhất châu Âu là đảo Peberholm hay đảo Quả ớt bắc qua hai nước Đan Mạch - Thụy Điển. Nó thực chất là một hòn đảo nhân tạo ở eo biển Oresund của thành phố Copenhagen- Đan Mạch, có diện tích 200 nghìn mét vuông. Tuy nhiên, có thể nối với thành phố Malmo- Thụy Điển, nhờ cây cầu Oresund được xây trên đảo, dài 16 kilômét nối liền hai nước. Trên đảo cũng có một hầm đường sắt hai làn dài 4.050 mét và là tuyến đường sắt dài nhất châu Âu. Hàng năm, chỉ có các nhà sinh vật tới đây nghiên cứu. Vào năm 2007, họ đã phát hiện được 10 loài chim, nhện cùng 454 loài cây quý hiếm.

Đảo Gospa od Skrpjela là một hòn đảo hấp dẫn nữa của châu Âu nằm tại Montenegro. Kế cận bờ biển Perast trong vịnh Kotor, nó được làm từ các con tàu hỏng, cũ chất đá nhấn chìm xuống biển. Để mở rộng diện tích từ thế kỷ 15, cứ vào trung tuần tháng bảy, người ta lại đi thuyền quanh đảo liệng đá xuống biển theo tục fasinada. Hiện nay, đây là hòn đảo nhân tạo duy nhất trên biển Adriatic là nơi có nhà thờ Đức mẹ, trong đó trưng bày nhiều tác phẩm mỹ thuật đặc sắc như 68 bức tranh sơn dầu của các danh họa Baroque và 2.500 tấm tranh vàng, bạc.

Tuy có nhiều hòn đảo nhân tạo đẹp song đông nhất ở một hạt thậm chí cả nước Mỹ là đảo Balboa- một chuỗi ba đảo trên bờ biển Newport- California. Đến đâu cũng thấy ngợp người vì do đảo chỉ có 0,52 kilômét vuông mà có đến 3.000 dân và là nơi đông đúc nhất của hạt Orange. Từ đảo có một cây cầu nối với đất liền và bên bờ là một bến cảng hàng ngày rất đông ô tô, tàu bè qua lại.

Quần đảo Khazar.

Ngoài các hòn đảo trên biển, cũng có các hòn đảo trên hồ và sông. Phần lớn chúng đã có lâu đời mà một trong đó cũng là hòn đảo nhân tạo đầu tiên trên thế giới là đảo Tenochtitlan – kinh đô của người Aztec Mexico từ thế kỷ 14 trên hồ Texcoco. Nó có diện tích khoảng tám đến 13 kilômét vuông, với rất nhiều kênh rạch cho phép đi lại dễ dàng bởi hàng nghìn người. Tuy nhiên, đến thế kỷ 16, hòn đảo đã bị thực dân tàn phá trong quá trình chinh phục thuộc địa. Phần lớn thành phố Mexico hôm nay được mở rộng từ đảo này.

Quần đảo Uros cũng là một tác phẩm tuyệt vời do bàn tay con người làm ra và hơn thế còn tạo từ sậy ven hồ Titicaca Puno nằm giữa Peru và Bolivia. Từ lâu, thổ dân Uros của Peru đã dùng sậy totora làm nhà và đảo nhân tạo. Do loại sậy này có rễ cực dày nên họ đã trồng chúng khắp nơi nhằm cố định đất và dùng thân sậy đan thành các lớp kiến tạo mặt đảo. Kế đó cắm que gia cố chắc chắn. Hiện tại có hơn 40 hòn đảo như vậy và trên mỗi đảo có từ ba đến 10 gia đình.

Đảo Donauinsel là một đảo dài và hẹp giữa sông Danube và kênh Neue Donau, Vienna- Áo. Đây là một công trình tối quan trọng trong việc chống lũ của thành phố vì con sông cắt qua Vienna lúc nào cũng có thể gây lụt lội. Người ta bắt đầu xây đảo từ đầu những năm 1970, lấy đất từ kênh đào Neue Donau và lòng sông để bồi đắp đảo, sau đó trồng cây ổn định đất (hai triệu cây). Hiện nay, đảo được chia làm ba khu gồm khu công viên thành phố và hai khu tự nhiên ở hai phía nam-bắc. Nếu đứng trên cao nhìn xuống sẽ thấy hòn đảo có hình dạng khá ngộ nghĩnh vì tuy dài đến hơn 21 kilômét, song có những chỗ của nó chỉ rộng từ 70 đến 120 mét. Từ lâu, đảo đã là lá phổi của thành phố, cũng là trung tâm giải trí ở Vienna với nhiều quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ.

Giống nước Áo, Hà Lan cũng có nhiều hòn đảo nhân tạo vừa để làm đê chắn sóng vừa làm nơi ở do phần lớn lãnh thổ nước này nằm thấp hơn mực nước biển. Riêng tại hồ Ljmeer của Amsterdam đã có tới 10 hòn đảo hay quần đảo Ljburg, xuất hiện từ năm 1997. Để xây dựng đảo, người Hà Lan dùng kỹ thuật gọi là phương pháp bánh kếp, theo đó họ đặt những tấm xốp dưới nước tạo hình cho đảo, rồi phun cát xuyên qua các lỗ xốp làm thành lớp bùn nhão, khi lớp này xong lại tiếp lớp khác, cứ thế như những lát bánh nhỏ chồng chất và ngoi lên mặt nước đến độ cao hai mét.

Trên sông Seine, Paris- Pháp từ năm 1827 đã có đảo Ile aux Cygnes (Chim thiên nga) để bảo vệ cảng Grenelle. Tuy khá nhỏ bé, chỉ có diện tích khoảng 9.350 mét vuông song nó cực đẹp vì có đến ba cây cầu lớn bắc qua và một con đường rợp bóng cây chính giữa. Hơn thế, còn có một thứ rất ăn khách là bức tượng Nữ thần Tự do bằng một phần tư so bức tượng mà Pháp tặng cho Mỹ và cũng nhìn về một hướng tương tự.

Lớn nhất Ấn Độ về đảo nhân tạo là đảo Willingdon ra đời năm 1936 cùng hải cảng hiện đại Kochi và mang tên toàn quyền Ấn Độ bấy giờ. Sau khi nạo vét hồ Vembanad, người ta đổ cát quanh một hòn đảo tự nhiên và mở rộng nó ra như ngày nay. Hiện trên đảo có hải cảng, căn cứ hải quân Kochi, Viện nghề cá và nhiều khách sạn, trung tâm thương mại nổi tiếng.

Ngoài để ở, còn có những hòn đảo phục vụ cho các hoạt động công nghiệp như đảo Thilafushi ở phía tây thủ đô Male- Maldives. Từng là một phá hoang sơ, dài bảy kilômét rộng 200 mét, nó dần dà được bồi thành một bãi đất trữ rác lớn nhất nước. Mỗi ngày, hàng trăm tấn chất thải cứng được chở tới đây và cho hòn đảo nở thêm mỗi ngày một mét vuông diện tích. Ngoài ra, còn có các hoạt động khác như đóng tàu thuyền, gói xi măng, nạp khí methane… Vì sự độc đáo, có nhiều du khách đến thăm đảo. Hay, ở trên hồ Kamfers Dam, phía bắc thành phố Kimberley - Nam Phi có một hòn đảo hình chữ S lớn được dùng làm nơi sinh sống quan trọng của loài tiểu hồng hạc. Vào năm 2006, công ty Ekapa đã dùng 26 nghìn tấn vật liệu tạo nên đảo này và một tổ ấm cho 50 nghìn con hồng hạc; ở trên sông của Opolskie và Lubuskie, Ba Lan cũng có các đảo dành cho các loài chim nước sinh sống.

Nhắc đến đảo, mọi người thường nghĩ đến những khu đất rộng, đa dạng song thực ra nó cũng có thể là một kiến trúc nhà cửa cụ thể. Như đảo Pháo đài ngoài biển Anh và là một tòa thành cao bằng thép, đá rắn chắc. Nó vốn là một công trình quân sự từ thời Victoria để chống lại các cuộc tấn công của hải quân Pháp và nay được biến thành một khách sạn hạng sang với 21 phòng, một bể bơi và hai sân bay. Công trình được rao bán vào năm 2007 song vẫn chưa ai mua. Hoặc như tòa nhà Burj Al Arab ở Dubai- UAE. Cao 320 mét, sừng sững trên bầu trời và là khách sạn cao thứ tư thế giới. Nó nằm trên một đảo nhân tạo cách bờ biển Jumeirah 276 mét, nối với lục địa nhờ một cây cầu. Để làm móng đảo, thợ xây đã cắm những cây cọc bê tông 40 mét xuống cát, rồi đổ những lớp đá lớn và bao quanh bởi một vành đai hình tổ ong bằng bê tông cứng bảo vệ móng khỏi xói mòn. Khởi công từ năm 1999, phải mất ba năm hòn đảo mới nổi trên biển và mất ba năm nữa để xây tòa tháp với hình một con thuyền đang căng buồm và bên trong là các dịch vụ khách sạn bảy sao sang trọng nhất thế giới, trong đó phòng dành cho hoàng gia có giá hơn 18.700 đô la Mỹ/đêm. Lớn nhất thuộc loại đảo này là các sân bay, mà tiêu biểu là sân bay quốc tế Kansai, Osaka - Nhật Bản. Đây không những là một hòn đảo xa bờ đầu tiên của khu vực ra đời năm 1994, mà còn là trung tâm của mọi hãng hàng không Nhật Bản, mỗi năm phục vụ hơn 100 nghìn chuyến bay trong đó hơn hai phần ba ra nước ngoài, và mỗi tuần có 780 chuyến sang châu Á.

CHU MẠNH CƯỜNG

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan