Sức mạnh đội tàu Hamilton của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ

27/08/2017 09:24:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Niềm tự hào của nước Mỹ trên biển Thái Bình Dương
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG) đã nổi tiếng khi sở hữu một đội tàu tuần duyên cỡ lớn rất hùng mạnh thuộc lớp Hamilton với tổng cộng 12 chiếc do tập đoàn Avondale Shipyards ở New Orleans (bang Louisiana) sản xuất. Chiếc tàu lớp Hamilton đầu tiên được ra mắt vào ngày 18/12/1965 mang tên Alexander Hamilton - theo tên của Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Hoa Kỳ.

Đội tàu Hamilton tại bờ biển Thái Bình dương.

Theo thông tin được Nhà máy Avondale công khai, tàu lớp Hamilton có kích thước và lượng giãn nước chẳng kém gì các tàu hộ vệ cỡ lớn với lượng giãn nước lên tới 3.250 tấn, chiều dài hơn 115m, rộng trên 13m, mớn nước 4,6m, biên chế 167 thủy thủ và nhân viên. Tàu tuần duyên lớp Hamilton là loại tàu có sức chống chịu sóng gió rất tốt, có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Để đưa con tàu với kích thước khá lớn này vận hành dài ngày, nhà sản xuất Avondale đã trang bị cho chúng một hệ thống động cơ kết hợp, gồm 2 động cơ diesel Fairrbanks-Morse 38TD8-1/8-12 và 2 động cơ tuốc bin khí Pratt&Whittney FT4A-6 giúp con tàu di chuyển đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/h (tương đương 46,6 km/h), hành trình liên tục 14.400km mà không cần tiếp nhiên liệu, dự trữ hành trình là 45 ngày.
Được thiết kế với vai trò tàu tuần tra, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, chống cướp biển, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hơn là chiến đấu chống hạm tàu đối phương nên hỏa lực không phải là thế mạnh của tàu lớp Hamilton. Vì vậy, dù có lượng giãn nước lớn hơn cả tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 nhưng các tàu này được trang bị hỏa lực khiêm tốn. Hamilton được trang bị hệ thống vũ khí hạng trung, chủ yếu là pháo, không có tên lửa. Hệ thống vũ khí của lớp tàu này gồm: pháo hạm Oto Breda cỡ 76,2 mm phiên bản Mk45 có tốc độ bắn khoảng 85 phát/phút, tầm bắn 15-16km; hệ thống phòng thủ tầm cực gần 20 mm Phalanx CIWS, pháo tự động M242 Bushmaster cỡ 25 mm, súng máy hạng nặng M2 Browning cỡ 12,7 mm và súng máy hạng nhẹ M240 cỡ 7,62 mm. Ngoài ra, Hamilton cũng được trang bị hệ thống radar tìm kiếm trên biển Raytheon/Furuno AN/SPS-73 và hệ thống điều khiển hỏa lực Mk 92 mod1. Ở đuôi tàu có sân bay nhỏ cùng hangar cho phép triển khai một trực thăng tuần tra.
Mặc dù theo nguyên bản lúc đầu, tàu lớp Hamilton được thiết kế với vai trò là tàu tuần duyên song một số chiếc thuộc đội này đã được nâng cấp để trở thành tàu chiến. Ngay trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã tiến hành vũ trang một tàu tuần tra lớp Hamilton - chiếc USCGC Mellon (WHEC 717) để nó có khả năng đảm nhiệm vai trò chống tàu mặt nước, phòng không, cũng như săn ngầm, nhằm hỗ trợ Hải quân Hoa Kỳ khi cần thiết. Sau cải hoán, con tàu được bổ sung bệ phóng Mk 141 của tên lửa hành trình chống hạm Harpoon ngay phía sau khẩu pháo chính, phía trước tháp chỉ huy; cùng với radar trinh sát bề mặt để dẫn bắn tên lửa chống hạm; đi kèm với đó là thiết bị định vị thủy âm dạng gắn liền thân cùng 6 ống phóng ngư lôi chống ngầm cỡ 324 mm; hệ thống CIWS Phalanx cũng được bổ sung chính vào thời kỳ này. Với gói nâng cấp này, chiếc USCGC Mellon (WHEC 717) đã biến thành chiến hạm với hệ thống vũ khí hạng nặng.
Đội tàu tuần duyên Hamilton Hoa Kỳ được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau. Một trong những nhiệm vụ chính, cũng là chiến công lớn nhất của đội tàu này là ngăn chặn dòng ma túy vận chuyển vào nước Mỹ. Trong thời gian triển khai từ năm 1969 đến năm 1970, Hamilton đã tham gia ngăn cản những kẻ buôn lậu vũ khí. Từ năm 1965-1975, Hamilton phục vụ trên các Trạm Đại Tây Dương, thu thập dữ liệu hải dương học có giá trị và tiến hành sứ mệnh tìm kiếm, cứu nạn. Năm 1996, một biên đội tàu Hamilton gồm 3 chiếc đã tiến vào kênh đào Panama và thực hiện một loạt các hoạt động quyết liệt nhằm ngăn chặn dòng ma túy vận chuyển vào nước Mỹ. Thủy thủ đoàn đã trực tiếp chặn đứng 14 tàu buôn lậu chở hơn 115 tấn hàng ma túy các loại trị giá 200 triệu USD. Năm 1999, Hamilton tiếp tục ngăn chặn được bọn buôn lậu ma túy vận chuyển 2,7 tấn cocain vào nước Mỹ. Tháng 3/2007, Hamilton đã chặn được một tàu đánh cá treo cờ Panama chở 20 tấn cocain trị giá 600 triệu USD. Đây là một trong những vụ bắt ma túy trên biển lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngoài các chiến dịch ngăn chặn bọn buôn lậu, vận chuyển ma túy. Tàu Hamilton còn thường xuyên tham gia tuần tra biển bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế trên biển của nước Mỹ.

Hamilton sau khi được sang tên đổi chủ thành BRP Gregorio del Pilar PF-15 của Lực lượng phòng vệ biển Philoppines.

Theo Đô đốc Fred Midgette - Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên khu vực Thái Bình Dương, những con tàu lớp Hamilton đã từng có mặt ở nhiều điểm nóng trên thế giới, đặc biệt là trong chiến tranh Iraq. Những năm gần đây, chúng hỗ trợ thực hiện khá nhiều nhiệm vụ, bao gồm: ngăn chặn tệ nạn buôn bán ma túy và di cư trái phép, tiến hành hoạt động chấp pháp trên biển, tìm kiếm và cứu hộ, bảo vệ nguồn hải sản. Lịch sử hoạt động của đội tàu này cho thấy chúng đã mang lại sức mạnh lớn cho Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Hoa Kỳ trong việc thực hiện các sứ mệnh đa dạng và quan trọng đối với sự an toàn và thịnh vượng của nước Mỹ.
Sứ mạng mới của những “cựu chiến binh”
Kể từ đầu những năm 1990, Mỹ bắt đầu lên phương án thay thế dần các tàu tuần duyên lớp Hamilton bằng mẫu tàu thế hệ mới lớp Legend. Chính vì thế, đội tàu Hamilton của USCG đã và đang lần lượt được cho “nghỉ hưu” sau nhiều năm phục vụ trong biên chế. Tuy nhiên, “nghỉ hưu” không có nghĩa là sứ mạng của những “chiến binh” này đã kết thúc. Sau khi bị loại biên, chúng được chuyển giao cho các đối tác nước ngoài, được trao sứ mạng mới, không kém phần “oanh liệt”. Hoạt động chuyển giao được tiến hành theo Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (Excess Defense Articles - EDA). Theo đó, các phương tiện, thiết bị vũ khí quân sự của Mỹ dư thừa hoặc đã qua sử dụng có thể được cung cấp cho các đối tác và quốc gia đồng minh với chi phí giảm bớt hoặc thậm chí là cho không, nhằm hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa an ninh và quân đội của các nước này.
Tính đến nay đã có 8 con tàu tuần duyên lớp Hamilton được Mỹ chuyển giao theo chương trình EDA do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chủ trì. Trong đó, đã chuyển giao cho Nigeria 2 chiếc, Philippines 3 chiếc, Bangladesh 2 chiếc và mới đây là Việt Nam 1 chiếc. Hiện, Tuần duyên Mỹ chỉ còn 4 chiếc lớp Hamilton và đang tiếp tục được bổ sung bằng lớp tàu tuần duyên Legend hiện đại hơn.
Theo thông lệ, những tàu tuần tra lớp Hamilton đã bị USCG loại biên khi chuyển giao lại cho đối tác nước ngoài sẽ bị tháo bỏ hầu hết vũ khí được trang bị, bao gồm radar trinh sát đường không 2D AN/SPS-40, pháo tự động M242 Bushmaster cỡ 25 mm, hay hệ thống phòng thủ tầm cực gần 20 mm Phalanx CIWS. Tuy nhiên, sau khi “sang tên, đổi chủ”, những con tàu tuần tra cỡ lớn này hầu hết đã biến thành chiến hạm thực thụ với vũ khí hạng nặng nhờ thực hiện một số gói nâng cấp phù hợp. Như với Philippines chẳng hạn, cả 3 chiếc tàu lớp Hamilton của Mỹ khi về với Philippines đều được thử nghiệm các khả năng di chuyển và vận hành hệ thống đồng thời được “phục hồi công lực” với chương trình nâng cấp trị giá khoảng 15 triệu USD. Chúng đều được trang bị vũ khí mới và chính thức trở thành thành viên trong đội hình tàu chiến của Hải quân Phillippines, được đưa vào triển khai trong các hoạt động tuần tra, bao gồm cả tuần tra Biển Đông. Chẳng hạn như chiếc tàu lớp Hamilton thứ 2 của Mỹ chuyển giao cho Philippines vào năm 2014 mang tên BRP Ramon Alcaraz (PF-16) đã được trang bị một pháo liên thanh 76mm, một pháo Phalanx 20mm, hai đại bác tự động MK-38 Bushmaster 25mm. Các thiết bị công nghệ chống ngầm trang bị trên tàu PF-16 gồm các bộ cảm biến, thiết bị đo độ sâu, ngư lôi và tên lửa được kết nối với một căn cứ trên bờ để cung cấp khả năng chỉ huy và kiểm soát tốt hơn cho các nhân viên thủy thủ đoàn khi quyết định khai hỏa vào mục tiêu đối phương.

Tàu lớp Hamilton thứ 6 mang tên Alexander J. Dallas của Lực lượng Phòng vệ biển Hoa Kỳ.

Theo Bộ Quốc phòng Philippines, chiến hạm lớp Hamilton thứ 2 này được trang bị nền tảng vũ khí vượt trội so với chiếc đầu tiên BRP Gregorio del Pilar (PF-15) được chuyển giao vào năm 2011. Cuối tháng 7/2016, chỉ hơn một tuần sau khi Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện Biển Đông, Manila tiếp tục nhận con tàu Hamilton thứ 3 mang tên BRP Andres Bonifacio. Báo chí Philippines cho biết, 3 tàu tuần duyên lớp Hamilton mà Mỹ chuyển giao cho Philippines hiện đều đang là ba chiến hạm trụ cột, “lớn nhất và hiện đại nhất”, là nòng cốt trong lực lượng hải quân nước này.
Mới đây, vào ngày 25/5/2017, một trong những tàu tuần tra lớp Hamilton của USCGC mang tên Morgenthau (WHEC 722) đã chính thức được chuyển giao cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA). Con tàu này sẽ được đổi tên thành Cảnh sát biển 8020 và được trông đợi sẽ giúp tăng cường năng lực cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thực thi pháp luật, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn và các hoạt động ứng phó nhân đạo trên biển.
Rõ ràng, bất chấp đã “cao tuổi” song những “cựu chiến binh” Hamilton vẫn có tiềm năng “hiện đại hóa” rất lớn, có thể “thay da, đổi thịt” để trở lại là những chiến binh đáng gờm. Dự kiến, những “cựu chiến binh” này sẽ còn hiện diện trên khắp các đại dương trong một thời gian tương đối dài nữa./.

Thái An

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com

Các tin liên quan