Các biện pháp của tàu cứu nạn đối với những người bị nạn đang ở dưới nước

03/11/2016 08:41:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Hoạt động tìm kiếm cứu nạn là một công tác mang tính nhân đạo cao cả, đồng thời cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm mọi lực lượng và mọi người khi hoạt động trên biển. Các phương tiện cứu nạn trên mặt nước nên được trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ để có thể đưa những người bị nạn sống sót khỏi mặt nước lên tàu. Các tàu cứu nạn chuyên dụng thường được chỉ định làm nhân viên phối hợp hiện trường, nhưng cũng có thể là bất cứ một tàu nào ở gần khu vực tai nạn nhất. Những tàu cứu nạn thường nhỏ, trong những trường hợp có nhiều người bị nạn sống sót thì tàu này không đủ khả năng chở hết nên có thể phải sử dụng một số lượng lớn tàu cứu nạn loại này vào công việc cứu nạn. Mỗi xuồng cứu nạn cần phải mang thêm các trang thiết bị cứu sinh bổ sung cần thiết để trong trường hợp không thể cứu ngay được người bị nạn thì họ vẫn có thể nổi trên mặt nước để chờ những xuồng khác đến cứu.

BTL Vùng CSB 2 cứu nạn ngư dân.

Các biện pháp của tàu cứu nạn

Thả ngay các phao cứu sinh hoặc các lưới cứu hộ xuống; hạ xuồng và các bè cứu sinh; đưa các thuỷ thủ, các nhân viên cứu nạn cùng với các thiết bị an toàn xuống nước để cứu giúp những người bị nạn đang ở dưới nước; chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng đưa người lên tàu; chuẩn bị thuốc men cho việc sơ, cấp cứu người bị nạn; trường hợp hoả hoạn hoặc thời tiết xấu hoặc vì lý do nào đó không thể đưa tàu cứu nạn cập mạn tàu bị nạn thì khi đó cần phải dùng các xuồng cứu sinh, bè cứu sinh để tiếp cận người bị nạn.

Hướng tiếp cận đến người bị nạn trong điều kiện sóng lớn, cần phải để người bị nạn ở phía dưới gió. Muốn vậy phải điều khiển tàu để gió thổi chếch mũi hoặc chếch đuôi và để người bị nạn ở phía dưới gió cách xa 20 – 30 mét cho máy tiến nhích dần từng khoảng thời gian ngắn để giữ tàu ở vị trí đó. Sau đó dùng xuồng, phao cứu sinh hoặc giỏ cứu sinh để đưa người bị nạn lên tàu.

Khi cứu vớt những người bị nạn trên biển. Trước hết cứu những người đang bơi dưới nước rồi đến những người ở trên những phương tiện cứu sinh tập thể. Với những người đang ở dưới nước thì cứu những người không có phao trước, người có phao cứu sau. Khi những người bị nạn ở tản mát nhiều nơi thì phải vớt từng nhóm một, nơi có nhiều người trước, nơi tản mát sau...

Việc cơ động tiếp cận các nhóm người bị nạn đang ở các phương tiện cứu sinh tập thể hoặc đang bơi dưới nước cũng phải được thực hiện như trường hợp cơ động cứu người rơi xuống biển. Trong quá trình cơ động để cứu từng nhóm người phải tiến hành hết sức thận trọng tránh gây nguy hiểm cho những người bị nạn. Muốn vậy cần phải tổ chức quan sát tốt trên mặt nước và cơ động tàu, xuồng thật khéo léo.

Nếu có điều kiện nên lắp đặt một trạm nổi ở khu vực cứu nạn bằng cách neo một cái bè cứu sinh. Việc này rất có ích và thuận lợi khi đội cứu nạn sử dụng xuồng cứu sinh, lúc đó người bị nạn sẽ được chuyển sang trạm nổi một cách nhanh chóng và giải phóng xuồng cứu sinh cho các đợt cứu sinh khác. Trên các tàu cứu nạn cần có một chuyên gia y tế để chăm sóc những người bị nạn, bị thương ngay sau khi họ được cứu vớt đưa lên tàu.

Trường hợp ở khu vực cứu nạn thời tiết xấu, nên xem xét đến khả năng dùng dầu để giảm ảnh hưởng của sóng biển đến công việc cứu nạn. Thông thường, dầu động vật, dầu thực vật và dầu cá là tương đối thích hợp trong việc giảm tác động của sóng biển (không được sử dụng dầu nặng FO vì nó gây tác hại rất nguy hiểm cho người ở dưới nước). Nên thả từ từ phía trên sóng gió khoảng 200 lít dầu xuống biển trong khu vực rộng khoảng 5.000m2 khi tàu chạy với tốc độ chậm. Biện pháp này nhằm giảm sóng một cách có hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho việc cứu giúp người ở dưới nước và hành động của các xuồng, bè cứu sinh.

Nguyễn Thanh Điệp
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com