Cảnh sát biển có quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão

12/08/2015 10:28:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Theo Nghị định số 04/2010/NĐ-CP ban hành ngày 15/1/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vự phòng, chống lụt, bão thì Cảnh sát biển Việt Nam là một trong những cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.

Nghị định số 04/2010/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão. Theo đó, Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão bao gồm: vi phạm gây hư hại đến công trình phòng chống lụt, bão; vi phạm trong xây dựng gây ảnh hưởng đến công trình phòng, chống lụt, bão; vi phạm trong quản lý phòng ngừa lụt, bão; vi phạm trong triển khai ứng phó lụt, bão; vi phạm trong vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện; vi phạm quy định về cứu nạn, cứu hộ trong phòng, chống lụt, bão; vi phạm trong khắc phục hậu quả.

Cảnh sát biển chuẩn bị phương tiện và phao cứu sinh tham gia phòng chống lụt, bão.

Theo Nghị định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão tối đa là 40.000.000 đồng (đối với hành vi xây dựng không phép hoặc sai phép các kho chứa lương thực, chất độc hại, chất nổ, nhiên liệu, vật tư và tài sản quan trọng khác trong vùng phân lũ, vùng thường bị ngập lụt). Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão ngoài việc bị phạt cảnh cáo hoặc phạt bằng tiền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng một hoặc hai hình thức xử phạt bổ sung là: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp liên quan đến hành vi vi phạm hoặc tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm. Ngoài các hình thức xử phạt nêu trên, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão còn bị áp dụng một hoặc hai biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ công trình xây dựng trái phép hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Nếu không tự nguyện thực hiện khắc phục hậu quả thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí cho việc cưỡng chế đó. Người nước ngoài vi phạm hành chính còn có thể bị xử phạt trục xuất. Trục xuất được áp dụng là hình thức phạt chính hoặc xử phạt bổ sung tùy từng trường hợp.

Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão bao bồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; công an nhân dân (Trưởng công an cấp xã, cấp huyện, Giám đốc công an cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Công an); thanh tra chuyên ngành (Thanh tra viên chuyên ngành đang thi hành công vụ, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); bộ đội biên phòng (Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng, Trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh); Đặc biệt, tại Điều 17, Chương III của Nghị định này có quy định rõ thẩm quyền của Cảnh sát biển đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão, cụ thể là:

“1. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1.000.000 đồng.

2. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 5.000.000 đồng.

3. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

4.   Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

b) Buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

5. Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển có quyền:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 30.000.000 đồng;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm;

c) Buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.

6. Cục trưởng Cục Cảnh sát biển (nay là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển - Tg) có quyền:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 40.000.000 đồng;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có liên quan đến các hành vi vi phạm;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

d) Buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.”

Ngoài ra, theo quy định của Nghị định này, tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt của người có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và các quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2010.

Thái An

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com