29/10/2015 01:24:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Với việc Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (sau đây gọi tắt là Công ước Luật biển 1982) lần lượt được các nước ký kết và có hiệu lực, lần đầu tiên loài người có một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp toàn diện, đề cập những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, qui định rõ các quyền lợi và nghĩa vụ trên biển về nhiều mặt của các quốc gia (có biển cũng như không có biển, có chế độ kinh tế, chính trị - xã hội khác nhau, có trình độ phát triển khác nhau) đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với các vùng biển quốc tế.
Sau Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Luật biển 1982 được coi là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong lịch sử của tổ chức này.
Có thể nói, một trong những thành quả quan trọng của Công ước Luật biển 1982 là đã thiết lập một cách cụ thể và rõ ràng khái niệm, quy chế cũng như phạm vi các vùng biển. Giờ đây các quốc gia không chỉ có lãnh hải rộng 12 hải lý mà còn có những vùng biển khác như vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối đa tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Những quy định này của Công ước Luật biển 1982 đã mở rộng một cách đáng kể chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển nhưng đồng thời cũng làm xuất hiện thêm các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện nhau.
Cũng như các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ khác, tranh chấp về việc xác định phạm vi vùng biển giữa các quốc gia là loại tranh chấp phức tạp và chứa đựng nguy cơ bùng nổ gây xung đột.
Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài trong khu vực (khoảng 3260 km), theo các quy định của Công ước Luật biển 1982, Việt Nam được mở rộng chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình ra các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km2.. Việc mở rộng này đã làm xuất hiện những vùng biển và thềm lục địa chồng lấn cần phải được phân định với các nước láng giềng. Là thành viên Công ước Luật biển 1982, Việt Nam có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp này theo các quy định của Công ước.
Dưới đây sẽ giới thiệu sơ bộ về những quy định của Công ước Luật biển 1982 liên quan đến việc phân định các vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện cũng như kết quả giải quyết các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng cho đến thời điểm hiện nay.
I. Phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các quốc gia có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện theo Công ước Luật biển 1982.
Mỗi quốc gia có quyền đơn phương tuyên bố phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình theo các quy định của Công ước Luật biển 1982. Tuy nhiên, nếu hai hay nhiều quốc gia có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện nhau mà khoảng cách giữa hai bờ biển đối diện không đạt tới hai lần chiều rộng của các vùng biển hay thềm lục địa được quy định trong Công ước thì sẽ xuất hiện sự chồng lấn về yêu sách phạm vi các vùng biển và thềm lục địa. Trong trường hợp này, các quốc gia có liên quan phải tiến hành xác định đường phân chia giới hạn không gian thực thi thẩm quyền thông qua thương lượng trực tiếp hay một cơ quan tài phán quốc tế. Quá trình này được gọi là phân định biển. Như vậy, việc phân định biển không phụ thuộc vào ý chí duy nhất của một quốc gia mà là một hoạt động mang tính chất quốc tế để đi đến thỏa thuận trực tiếp (các quốc gia liên quan thương lượng trực tiếp) hoặc gián tiếp (thông qua cơ quan tài phán quốc tế).
1. Phân định lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải.
Cho đến nửa đầu thế kỷ XX, đa số các ranh giới lãnh hải được xác định bằng phương pháp đường cách đều (trung tuyến). Ngoài ra, một số phương pháp kỹ thuật khác cũng được sử dụng, như: đường vuông góc với xu thế chung của bờ biển tại khu vực phân định; đường phân giác góc tạo bởi hai bờ biển nằm tiếp liền; đường biên giới trên bộ kéo dài ra biển; theo một kinh tuyến hay một vĩ tuyến cụ thể. Những phương pháp kỹ thuật này tỏ ra thích hợp trong điều kiện lãnh hải có chiều rộng hạn chế vào thời kỳ đó, thường là 3 hải lý.
Khi phạm vi không gian của lãnh hải được mở rộng ra trên cơ sở các yêu sách về lãnh hải rộng 12 hải lý hoặc hơn nữa, đương nhiên sẽ xuất hiện thêm nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến phân định ranh giới lãnh hải như sự hiện diện của các đảo, công trình nhân tạo nổi thường xuyên, hoạt động hàng hải, khai thác tài nguyên,v.v... Vì vậy, điều 12 khoản 1 của Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1958, sau đó được nhắc lại đầy đủ trong điều 15 của Công ước Luật biển 1982, quy định :
"Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thoả thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia cách khác nhau”.
Có thể nhận thấy, quy định nêu trên đã ghi nhận cả phương pháp đường cách đều (trung tuyến) lẫn khả năng các quốc gia liên quan thoả thuận về một giải pháp phân định khác trên cơ sở tính đến các yếu tố như danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên, cả Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1958 lẫn Công ước Luật biển 1982 đều không có quy định cụ thể về danh nghĩa lịch sử hoặc hoàn cảnh đặc biệt. Điều này đã gây ra khó khăn trong việc đạt được thoả thuận về việc thừa nhận có sự hiện diện của danh nghĩa lịch sử hay hoàn cảnh đặc biệt, cũng như mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này đến giải pháp phân định ranh giới lãnh hải. Thực tiễn quốc tế phân định lãnh hải và vùng tiếp giáp cho thấy các hoàn cảnh đặc biệt có thể được hiểu là:
i) hình dạng bất thường của bờ biển;
ii) sự hiện diện của đảo;
iii) luồng hàng hải.
Một điểm đáng lưu ý là trong Công ước Luật biển 1982 không có những quy định riêng biệt về phân định nội thuỷ và vùng tiếp giáp lãnh hải. Như vậy, vấn đề đặt ra là các vùng biển này sẽ được phân định như thế nào?
Đối với phân định nội thuỷ việc áp dụng các qui định của điều 15 Công ước Luật biển 1982 đã được chấp nhận trong cả học thuyết lẫn thực tiễn quốc tế. Song đối với phân định vùng tiếp giáp lãnh hải thì phức tạp hơn. Mặc dù cho đến nay không còn nhiều quốc gia ven biển quy định vùng tiếp giáp lãnh hải, song nhu cầu phân định vùng biển này giữa các quốc gia cũng như phân định vùng tiếp giáp với vùng đặc quyền kinh tế vẫn được đặt ra và cần phải giải quyết. Vấn đề phân định vùng tiếp giáp lãnh hải trở nên phức tạp hơn khi các điều khoản về vùng biển này được qui định cùng các điều khoản về lãnh hải trong phần II Công ước Luật biển 1982.
Thực tiễn phân định vùng tiếp giáp lãnh hải giữa các quốc gia trong thời gian gần đây cho thấy các quốc gia về cơ bản đã chấp nhận áp dụng những quy định về phân định lãnh hải trong điều 15 Công ước luật biển 1982 cho phân định vùng tiếp giáp lãnh hải. Ngoài ra, do quy chế pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải gần với vùng đặc quyền kinh tế hơn là với lãnh hải nên trong trường hợp xuất hiện nhu cầu phân định ranh giới giữa vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, việc áp dụng điều 74 Công ước Luật biển 1982 về phân định vùng đặc quyền kinh tế được coi là hợp lý.
2. Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được quy định giống nhau trong hai điều 74 và 83 của Công ước Luật biển 1982:
"Hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (thềm lục địa) giữa các quốc gia có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện nhau:
1. Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (thềm lục địa) giữa các quốc gia có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thoả thuận theo đúng pháp luật quốc tế như đã được nêu ở Điều 38 của Quy chế Toà án quốc tế, để đi đến một giải pháp công bằng.
2. Nếu không đi tới một thoả thuận trong một thời hạn hợp lý thì các quốc gia hữu quan sử dụng các thủ tục nêu ở phần XV.
3. Trong khi chờ đợi ký kết thoả thuận nói ở khoản 1, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không để phương hại hay cản trở việc ký kết các thoả thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến việc hoạch định cuối cùng.
4. Khi một điều ước đang có hiệu lực giữa các quốc gia hữu quan, các vấn đề liên quan đến việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (thềm lục địa) được giải quyết theo đúng điều ước đó".
Trong quy định nêu trên, phương pháp "thương lượng" được đề cao, dành ưu tiên cho "thoả thuận" giữa các bên hữu quan. Chỉ khi các bên không đạt được thoả thuận thì mới sử dụng các thủ tục giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình như quy định trong Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp quốc và các bên được quyền chọn các biện pháp hoà bình thích hợp. Ngoài ra, các bên có thể lựa chọn một hay nhiều biện pháp sau :
- Toà án quốc tế về luật biển thành lập theo đúng Phụ lục VI của Công ước;
- Toà án Công lý quốc tế;
- Một Toà trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII của Công ước;
- Một toà Trọng tài đặc biệt được thành lập theo đúng Phụ lục VIII của Công ước.
Có thể nhận thấy, khác với phân định lãnh hải, Công ước Luật biển 1982 không đưa ra một phương pháp phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cụ thể nào. Thay vào đó, Công ước nhấn mạnh đến 2 nguyên tắc: “trên cơ sở luật pháp quốc tế” và “giải pháp công bằng”. Như vậy, Công ước đã mở ra khả năng áp dụng rộng rãi tất cả các nguồn của luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề này, kể cả tập quán quốc tế cũng như các án lệ quốc tế và thực tiễn phân định giữa các quốc gia, để đạt được “thoả thuận”. Tuy nhiên, đối với “giải pháp công bằng” - một quy định hết sức bao quát và mang tính định hướng, Công ước không giải thích rõ thế nào là công bằng. Thực tiễn phân định của các quốc gia và các án lệ quốc tế sau năm 1982 cho thấy không có một tiêu chí cụ thể và duy nhất nào về “giải pháp công bằng”. Trong mỗi trường hợp phân định cụ thể, “giải pháp công bằng” được coi là giải pháp mà các bên hữu quan có thể chấp nhận được sau khi xem xét tất cả các yếu tố liên quan trong khu vực phân định và áp dụng linh hoạt các quy định về phân định. Ngoài ra, thực tiễn quốc tế cũng cho thấy không có một giới hạn pháp lý nào trong việc xác định các yếu tố liên quan. Các yếu tố này có thể bao gồm :
- Các đặc điểm địa lý, địa mạo, địa chất,
- Sự hiện diện của mỏ tài nguyên
- Tỷ lệ giữa chiều dài bờ biển và diện tích thềm lục địa,
- Sự hiện diện của đảo,
- Điểm mút biên giới đất liền,
- Sự hiện diện của các đường đặc nhượng hay đường cấp phép thăm dò, khai thác dầu khí hay các tài nguyên khác,
- Yếu tố quốc gia bất lợi về địa lý,
- Lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh,
- Truyền thống đánh cá,
- Giao thông hàng hải,
- Yếu tố văn hoá,
- Các quyền lợi chính đáng khác, v.v...
Án lệ quốc tế trong lĩnh vực phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho thấy có sự ưu tiên xem xét các đặc trưng về địa lý, trong đó ba yếu tố thường được ưu tiên và có ảnh hưởng nhiều đến giải pháp phân định là:
i) Hình thái bờ biển,
ii) Sự hiện diện của đảo,
iii) Tỷ lệ giữa chiều dài bờ biển và diện tích thềm lục địa.
Khoản 3 của hai điều 74 và 83 trên thực tế đã pháp điển hóa một thực tiễn khá phổ biến, theo đó các bên tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa chồng lấn có thể thoả thuận về một "dàn xếp tạm thời" như hợp tác cùng thăm dò, khai thác, bảo vệ tài nguyên môi trường... Điểm đáng chú ý là “dàn xếp tạm thời” không được làm phương hại đến giải pháp cuối cùng, tức là "dàn xếp tạm thời" không được ảnh hưởng đến kết quả phân định (việc bên này hoặc bên kia nhân nhượng về một khía cạnh nào đó để đạt được “dàn xếp tạm thời” không có nghĩa là từ bỏ lập trường của mình và công nhận lập trường của bên kia). Thoả thuận về "dàn xếp tạm thời" không có nghĩa chấm dứt đàm phán phân định. "Dàn xếp tạm thời" là giải pháp hoà hoãn, góp phần hạn chế những nguy cơ gây xung đột, tạo cơ sở cho các bên hợp tác sử dụng, khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cũng như bảo vệ môi trường biển ở đó.
II. Việt Nam và vấn đề phân định biển.
Từ năm 1977, sau khi thống nhất đất nước và trở thành thành viên Liên Hợp quốc, Việt Nam bắt đầu tham gia Hội nghị lần thứ 3 của Liên hợp quốc về Luật biển.
Việt Nam cũng là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua và sau đó cùng 118 nước khác ký Công ước Luật biển 1982 vào tháng 12/1982 tại Montego Bay (Jamaica). Ngày 23/6/1994 Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 63 của Công ước. Bên cạnh việc được hưởng các quyền lợi, Việt Nam còn có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cụ thể mà Công ước này mang lại. Cụ thể, Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo Công ước nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng.
Ngay từ khi Công ước Luật biển 1982 còn đang được thương lượng, Chính phủ Việt Nam đã ra Tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Phạm vi các vùng biển của Việt Nam theo Tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với các quy định sau này của Công ước Luật biển 1982. Liên quan đến phân định các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng, Tuyên bố năm 1977 đã quy định rõ như sau:
“Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên”.
Quan điểm này tiếp tục được khẳng định lại trong Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ngày 12/11/1982 cũng như Nghị quyết ngày 23/6/1994 của Quốc hội Việt Nam khi phê chuẩn Công ước Luật biển năm 1982.
Thực hiện chủ trương trên, Việt Nam tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề phân định các vùng biển và thềm lục địa với các nước láng giềng. Cho đến nay, Việt Nam đã phân định được vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997, phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xia năm 2003. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thỏa thuận tiến hành hợp tác khai thác chung khu vực thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xia năm 1992. Đầu tháng 5/2009, Việt Nam phối hợp với Ma-lai-xia nộp Báo cáo chung về khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía Nam Biển Đông và Báo cáo riêng của Việt Nam về khu vực thềm lục địa ở khu vực phía Bắc Biển Đông.
1. Phân định ranh giới trên biển Việt Nam - Thái Lan.
Từ năm 1992 đến năm 1997 ta và Thái Lan tiến hành 09 vòng đàm phán phân định vùng biển chồng lấn giữa hai nước. Ngày 9 tháng 8 năm 1997, tại Băng-cốc, đại diện Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đại diện Chính phủ Vương quốc Thái Lan đã ký Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan. Từ đó hải quân hai nước đã tiến hành nhiều chuyến tuần tra chung để tăng cường ổn định an ninh trên biển.
2. Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 19-10-1993 nêu rõ “Hai bên sẽ áp dụng luật pháp quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”.
Từ năm 1992 đến năm 2000, ta và Trung Quốc tổ chức 10 vòng đàm phán chính thức và không chính thức ở cấp Đoàn đàm phán Chính phủ, 18 vòng đàm phán cấp Nhóm công tác liên hợp cấp chuyên viên, 08 vòng đàm phán cấp Tổ chuyên viên liên hợp không chính thức và 10 vòng đàm phán của Tổ chuyên gia đo vẽ phục vụ phân định.
Ngày 25/12/2000, hai nước đã ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ. Hai bên cam kết tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ.
Trong trường hợp có cấu tạo mỏ dầu, khí vắt ngang hai bên sẽ hiệp thương hữu nghị thỏa thuận khai thác và phân chia công bằng nguồn lợi thu được.
3. Phân định ranh giới thềm lục địa Việt Nam – In-đô-nê-xia.
Từ tháng 6/1978 đến 2003 Việt Nam và In-đô-nê-xia tiến hành 02 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 22 vòng đàm phán cấp chuyên viên và 04 cuộc họp hẹp giữa hai Trưởng đoàn cấp chuyên viên. Ngày 26/6/2003, đại diện Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa In-đô-nê-xia đã ký Hiệp định phân định phân định thềm lục địa giữa hai nước
4. Các thoả thuận quá độ
- Thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xia
Việt Nam và Ma-lai-xia có vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn. Diện tích vùng chồng lấn không lớn, nhưng có tiềm năng về dầu khí. Ngày 05/6/1992 Chính phủ hai nước ký Thỏa thuận hợp tác thăm dò khai thác chung vùng chồng lấn (MOU) như là giải pháp tạm thời trong khi chưa phân định dứt điểm ranh giới. Các nguyên tắc hợp tác: chia sẻ đồng đều chi phí và phân chia công bằng lợi nhuận; hoạt động thăm dò khai thác dầu khí do Petrovietnam và Petronas thực hiện trên cơ sở các dàn xếp thương mại. Thời gian qua, hai công ty dầu khí hai nước đã triển khai ký kết các dàn xếp thương mại. Sau này, Việt Nam và Ma-lai-xia sẽ phân định dứt điểm ranh giới vùng chồng lấn này.
- Hiệp định về vùng nước lịch sử với Căm-pu-chia
Việt Nam và Căm-pu-chia cần phải phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Thái Lan. Năm 1982 hai nước ký Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa hai nước với các nội dung chính là: hai bên thỏa thuận sẽ cùng tiến hành tuần tiễu, kiểm soát trong vùng nước lịch sử, việc đánh bắt hải sản của nhân dân địa phương hai nước trong vùng biển này vẫn theo tập quán làm ăn từ trước tới nay, còn việc khai thác tài nguyên thiên nhiên khác do hai bên cùng nhau thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận không bên nào được đơn phương tiến hành. Thời gian qua hải quân ta và hải quân Căm-pu-chia đã tiến hành một số chuyến tuần tra chung ở trong vùng nước lịch sử.
Theo Hiệp ước năm 1983 về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Căm-pu-chia, vào thời gian thích hợp ta và Căm-pu-chia sẽ thương lượng để phân định ranh giới biển giữa hai nước trong vùng biển này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
5. Xây dựng và trình Liên hợp quốc Báo cáo quốc gia xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam
Theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, các quốc gia ven biển, trong đó có Việt Nam, có quyền mở rộng thềm lục địa của mình ra quá 200 hải lý nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý. Để thực hiện quyền này ta phải nộp Báo cáo quốc gia lên Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ các bằng chứng khoa học, địa chất, địa mạo để chứng minh. Nếu sau ngày 13/5/2009 ta không nộp Báo cáo quốc gia thì Việt Nam mất quyền mở rộng ranh giới thềm lục địa.
Trong gần 3 năm (2007 - 2009), Việt Nam triển khai khảo sát địa chấn, đo sâu mực nước biển để thu thập các số liệu cần thiết và chuẩn bị báo cáo với sự tham gia của các chuyên gia nhiều Bộ, ngành cũng như sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế. Trong quá trình chuẩn bị các Báo cáo nói trên, Việt Nam đã gặp không ít khó khăn, mặc dù vậy, chúng ta vẫn hoàn thành Báo cáo đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng.
Đầu tháng 5/2009, Việt Nam nộp Báo cáo chung với Ma-lai-xia về khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía Nam Biển Đông và Báo cáo riêng của Việt Namvề khu vực thềm lục địa ở khu vực phía Bắc.
Quan điểm pháp lý cơ bản trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982; tuân thủ Công ước Luật biển năm1982 và tôn trọng các điều ước, hiệp định quốc tế về phân định biển đã được ký kết giữa các nước liên quan; Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa không ảnh hưởng đến việc phân định biển giữa Việt Nam và các nước liên quan sau này.
Trong các ngày 27 và 28/8/2009, Việt Nam đã trình bày hai Báo cáo này tại Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc, đồng thời đề nghị Uỷ ban thành lập các Tiểu ban để xem xét Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 cũng như Quy tắc hoạt động của Uỷ ban, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ chính đáng của quốc gia ven biển.
Việc Việt Nam nộp và trình bày tại Uỷ ban Thềm lục địa các Báo cáo quốc gia xác định Ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam là hoàn toàn phù hợp các quy định của Công ước Luật biển năm 1982 và để thực hiện quyền của một quốc gia thành viên, như nhiều quốc gia thành viên khác đã làm.
Kết luận.
Như vậy, trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Công ước Luật biển 1982 có hiệu lực, Việt Nam đã giải quyết được một loạt vấn đề về phân định biển với các quốc gia láng giềng. Thực tế cho thấy Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt các quy định của Công ước Luật biển 1982 cũng như thực tiễn quốc tế để có thể cùng các nước láng giềng tìm đến một giải pháp phù hợp cho các vùng biển chồng lấn. Các hiệp định được ký kết cũng thể hiện thiện chí của ViệtNam trong việc đàm phán trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng. Có thể nói, các điều ước phân định biển được ký kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong thời gian qua đã góp phần vào việc ngăn ngừa xung đột, giúp duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực để Việt Nam và các nước khác phát triển. Xét về mặt luật pháp quốc tế, các giải pháp phân định biển đạt được giữa Việt Nam và các nước láng giềng cũng có những đóng góp nhất định đối với thực tiễn phân định biển trong khu vực là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đàm phán phân định biển với các nước láng giềng khác trong khu vực.