Công ước Luật biển 1982 - Công ước về bảo vệ môi trường biển

29/10/2015 01:29:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Với sự phát triển của Luật biển quốc tế và xu hướng tiến ra biển của các nước nên ngày càng có nhiều đường biên giới xuất hiện trên biển. Tình hình đó không ngăn cản được một nhận thức chung đang hình thành: biển cả là môi trường đồng nhất, là tài sản chung của nhân loại, đòi hỏi phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm giữ biển và môi trường biển trong lành.

Theo Điều 1, khoản 4 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Công ước Luật biển 1982) thì môi trường biển được hiểu bao gồm các tài nguyên sinh vật, hệ sinh thái biển (rừng ngập mặn) và chất lượng nước biển, cảnh quan biển. Như vậy, môi trường biển bao gồm không chỉ các vùng biển với các đặc trưng lý hoá của chúng mà còn cả các nguồn tài nguyên sinh vật, vật lý và hoá học của vùng cửa sông, các vùng ngập mặn bao gồm cả trầm tích, các vùng thuỷ triều lên xuống, các vùng đầm lầy, và bầu khí quyển phía trên mặt biển.

 

Ô nhiễm môi trường biển do rác thải của con người.

Vấn đề ô nhiễm môi trường biển hiện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn thể cộng đồng thế giới. Chiếm diện tích khoảng 3/4 bề mặt trái đất, biển vào đại dương có tầm quan trọng to lớn đối với sự tồn vong của loài người. Ô nhiễm môi trường biển không chỉ gắn kết với các hoạt động biến đổi của tự nhiên mà còn gắn liền đi đôi với các hoạt động của con người. Hoạt động của con người có thể trực tiếp làm ô nhiễm môi trường biển hoặc cũng có thể gián tiếp gây ra các hiện tượng tự nhiên làm ô nhiễm môi trường biển, chẳng hạn như việc phá rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn và việc sử dụng mìn khai thác cá… có thể gây ra các tác nhân khiến cho cho môi trường biển trở nên ô nhiễm.

Công ước Luật biển 1982 đã đưa ra một khái niệm khá toàn diện về ô nhiễm môi trường biển. Ô nhiễm môi trường biển là “việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả biệc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương tiện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mỹ cảm của biển ".[1]

 

Môi trường biển bị huỷ hoại nghiêm trọng do sự cố tràn dầu.

Môi trường biển bị huỷ hoại cùng với nhu cầu phát triển kinh tế của các quốc gia, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ dân số vì môi trường và phát triển có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Phát triển tất yếu dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường song các quốc gia buộc phải phát triển để thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của mình. Tốc độ phát triển nhanh sẽ kéo theo những rủi ro ghê gớm cho môi trường; việc khai thác quá mức nguồn lợi sinh vật biển phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của con người có thể đưa đến cạn kiện tài nguyên biển và gây mất cân bằng nghiêm trọng hệ sinh thái biển. Trong hoạt động khai thác dầu khí, khoáng sản ở thềm lục địa hoặc đáy đại dương, nếu không có những biện pháp khai thác thích hợp thì môi trường biển càng dễ dàng bị ô nhiễm.

Theo Công ước Luật biển 1982, từ Điều 207 đến Điều 212, ô nhiễm môi trường biển bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

- Ô nhiễm bắt nguồn từ đất, kể cả các ô nhiễm xuất phát từ các dòng sông, ngòi, cửa sông, ống dẫn và các thiết bị thải đổ công nghiệp;

- Ô nhiễm do các hoạt động liên quan đến đáy biển thuộc quyền tài phán quốc gia gây ra;

- Ô nhiễm do các hoạt động tiến hành trong Vùng gây ra;

- Ô nhiễm do sự nhận chìm;

- Ô nhiễm do tàu thuyền;

- Ô nhiễm có nguồn gốc từ bầu khí quyển hay qua bầu khí quyển.

Cấp độ, quy mô và tính dễ lây lan của ô nhiễm biển khiến cho việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển không chỉ là vấn đề thuộc về quyền tài phán của quốc gia ven biển mà là nghĩa vụ chung của tất cả các quốc gia. Công ước 1982 đã khẳng định: "Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển".[2] Đây là nghĩa vụ xuất phát từ quyền lợi của Quốc gia ven biển (QGVB) cũng như cộng đồng quốc tế trong các vùng biển của QGVB. Nghĩa vụ này không đi ngược lại với lợi ích chính đáng của các QGVB luôn gắn liền với quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình; nó đảm bảo cho quyền chủ quyền được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Theo quy định này, QGVB có quyền tối cao để khai thác các tài nguyên thiên nhiên của mình nhưng họ vẫn phải thi hành các chính sách về môi trường để bảo vệ môi trường biển. “Các quốc gia có trách nhiệm quan tâm đến việc hoàn thành các nhiệm vụ quốc tế của mình về vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, các quốc gia có trách nhiệm theo đúng pháp luật quốc tế”[3].

Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 được đánh giá là một công cụ đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Các quốc gia được yêu cầu sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, giảm bớt và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ bất kỳ nguồn ô nhiễm nào trong phạm vi quyền tài phán của mình. Mặc dù luật quy định các quốc gia đều có nghĩa vụ như nhau nhưng giữa các quốc gia không có sự phát triển đồng đều về kinh tế, cơ sở hạ tầng không giống nhau nên các quốc gia được yêu cầu “tuỳ theo tình hình, thi hành riêng rẽ hay phối hợp với nhau, tất cả các biện pháp phù hợp với Công ước, cần thiết để ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự sự ô nhiễm môi trường biển dù nó bắt nguồn từ đâu. Nhằm mục đích này, các quốc gia tuỳ theo khả năng của mình, sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có, và cố gắng điều hoà các chính sách của mình về mặt này”[4]. Các luật, quy định và các biện pháp của các quốc gia thông qua không được kém hiệu quả hơn các nguyên tắc và quy phạm quốc tế hay các tập quán và thủ tục đã được kiến nghị có tính chất quốc tế.

Để bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình, Công ước Luật biển 1982 yêu cầu:

- Các QGVB phải xác định các nguồn ô nhiễm của mình, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát chúng. Các quốc qua không được đùn đẩy thiệt hại của các nguy cơ ô nhiễm và không được thay thế một kiểu ô nhiễm này bằng một kiểu ô nhiễm khác[5].

- Các QGVB phải có trách nhiệm đưa ra các biện pháp chống lại ô nhiễm môi trường biển nảy sinh từ việc sử dụng các kỹ thuật trong khuôn khổ quyền tài phán hay dưới sự kiểm soát của mình, hoặc do du nhập cố ý hay vô tình các loài ngoại lai hoặc mới vào một bộ phận môi trường biển gây ra ở đó những thay đổi đáng kể và có hại[6] và nó cũng bao gồm các ảnh hưởng hoặc các biện pháp trong việc bảo vệ hệ sinh thái hiếm hoi và đe dọa điều kiện cư trú của các loài sinh vật biển khác[7].

- Các quốc gia được yêu cầu xây dựng các kế hoạch khẩn cấp chống ô nhiễm để đối phó với những tai nạn gây ra ô nhiễm biển trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ[8]. Các điều khoản về giám sát và đánh giá môi trường đặt các quốc gia có nghĩa vụ cần cố gắng hết sức mình trong việc giám sát và đánh giá các ảnh hưởng môi trường của các hoạt động biển được tiến hành dưới quyền tài phán của các quốc gia đó. Họ cũng có nghĩa vụ phải hành động phù hợp nhằm giảm bớt hay ngăn ngừa ô nhiễm có thể xảy ra từ các hoạt động như vậy[9].

- Các luật, quy định và các biện pháp của các quốc gia thông qua không được kém hiệu quả hơn các nguyên tắc và quy phạm quốc tế hay các tập quán và thủ tục đã được kiến nghị có tính chất quốc tế. Các quốc gia phải quan tâm làm sao cho luật trong nước của mình có những hình thức tố tụng cho phép thu được sự đền bù nhanh chóng và thích đáng, hay sự bồi thường khác đối với những thiệt hại nảy sinh từ ô nhiễm môi trường biển do tự nhiên nhân, hay pháp nhân thuộc quyền tái phán của mình gây ra[10].

- Các quốc gia cũng được yêu cầu bảo đảm cho các con tàu mang cờ nước họ, hoạt động trong nước cũng như ngoài nước, đáp ứng đầy đủ các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế thích hợp. Quốc gia mà tàu mang cờ được yêu cầu tiến hành điều tra mọi vi phạm luật lệ về ô nhiễm biển mà con tàu đó thực hiện. Tất cả tàu thuyền được yêu cầu phải có chứng từ chứng minh điều kiện an toàn của tùa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về thiết kế, đóng, trang bị và thuyền viên và tính hiệu quả của chúng trong ngăn ngừa, giảm bớt và kiểm soát ô nhiễm. Các quốc gia cần tiến hành kiểm tra định kỳ tàu thuyền mang cờ nước mình để bảo đảm rằng chúng đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế[11]. Các quốc gia khi đặt các điều kiện đặc biệt cho tàu thuyền nước ngoài đi vào các cảng hay nội thủy của mình hoặc công trình cảng cuối cùng ở ngoài khơi, cần phải công bố đúng thủ tục về các điều kiện này và phải thông báo cho các tổ chức quốc tế có thẩm quyền[12].

- Các quốc qia phải có nghĩa vụ thông báo cho các quốc gia khác về nguy cơ bị ô nhiễm lan tràn đến và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, để kọp thời có những biện pháp ngăn chặn và bảo vệ [13].

- Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế liên quan theo khả năng của mình, để loại trừ ảnh hưởng của ô nhiễm và ngăn ngừa và giảm đến mức tối thiểu những thiệt hại do ô nhiễm gây ra [14]. Công ước cũng yêu cầu sự hợp tác trên phạm vi toàn cầu hay khu vực “trong việc hình thành và soạn thảo các quy tắc và quy phạm, cũng như các tập quán và thủ tục được kiến nghị mang tính quốc tế phù hợp với Công ước, để bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, có tính đến các đặc điểm có tính chất khu vực”[15] . Các quốc gia cũng được yêu cầu hợp tác với nhau trực tiếp hoặc qua trung gian các tổ chức quốc tế có thẩm quyền nhằm đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học về biển và trao đổi thông tin và các dữ kiện về môi trường biển chung nói chung và ô nhiễm môi trường biển nói riêng[16].

Vấn đề ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường biển cũng như trong việc xây dựng một khung pháp lý quốc tế chung điều chỉnh về lĩnh vực bảo vệ môi trường biển. Chống ô nhiễm biển hiện đang là một vấn đề cấp thiết, không chỉ là lợi ích riêng của một quốc gia nào mà còn là lợi ích của toàn thể cộng đồng thế giới. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển đối với loài người và tính nghiêm trọng ngày càng tăng của ô nhiễm biển hiện nay, các quốc gia đã, đang và sẽ có những nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

[1] Điều 1, khoản 4, Công ước Luật biển 1982

[2] Điều 192, Sđd

[3] Điều 235, khoản 1, Sđd

[4] Điều 194, khoản 1, Sđd

[5] Điều 195, Sđd

[6] Điều 194, khoản 1, Sđd

[7] Điều 194, Sđd

[8] Điều 199,Sđd

[9] Điều 204 – 206, Sđd

[10] Điều 235, Sđd

[11] Điều 217, Sđd

[12] Điều 211, Sđd

[13] Điều 198, Sđd

[14] Điều 199, Sđd

[15] Điều 197, Sđd

[16] Điều 200, Sđd

Anh Thư
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com