Hành trình đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 vào cuộc sống

29/09/2019 02:22:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Chiều 19/11/2018, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Với 467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,29% tổng số đại biểu Quốc hội, Luật Cảnh sát biển Việt Nam chính thức được thông qua. Luật gồm 8 chương, 41 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019.

 * Tiếp đó, sáng ngày 11/12, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm chính thức thông báo Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6, trong đó có Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Quang cảnh buổi họp báo.

* Ngày 31/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 140/QĐ-TTG ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Theo kế hoạch, từ tháng 3/2019, các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, báo cáo về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật. Từ năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức truyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tương xứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới, nhất là tại địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Tổ chức tập huấn Luật cho cán bộ chủ trì bộ, ngành trung ương, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cán bộ có liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật có hiệu lực đồng thời với Luật Cảnh sát biển Việt Nam từ ngày 1/7/2019; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án triển khai thực hiện Luật theo Kế hoạch này. Trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 25, 26, 29, 31, 34); Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 15); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 13); Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 35); Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy định về trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 33); Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế phối hợp giữa cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng (Điều 22).

* Thực hiện Quyết định số 140/QĐ-TTG ngày 31/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật tại địa phương mình đồng thời tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 cho cán bộ, công chức, viên chức, Công an, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trên địa bàn.

- Tại Hà Nội, ngày 15/03/2019, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND về việc triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xây dựng lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 01/7/2019 Luật được thực hiện thống nhất, đầy đủ, đồng bộ trên phạm vi toàn Thành phố. UBND Thành phố Hà Nội cũng giao Bộ Tư lệnh Thủ đô là đơn vị đầu mối tham mưu giúp UBND Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao; hằng năm tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Quốc phòng kết quả thực hiện kế hoạch và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. TBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành của Thành phố: Triển khai thực hiện, lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phổ biến các văn bản pháp luật khác của cơ quan, đơn vị mình để đảm bảo việc thực hiện Luật Cảnh sát biển Việt Nam hiệu quả thiết thực...

 - Tại các tỉnh thành trong cả nước, đã đồng loạt tổ chức kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, báo cáo về Bộ Quốc phòng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Luật. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; tương xứng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Tổ chức giới thiệu, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam. Triển khai có hiệu quả các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam gắn với ứng dụng tiện ích của công nghệ thông tin, mạng viễn thông (tổ chức giao lưu, hỏi đáp pháp luật trực tuyến; hội nghị trực tuyến; thư điện tử, điện thoại, mạng xã hội,...).

ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BIỂN

*Thực hiện kế hoạch phối hợp giữa các đơn vị Cảnh sát biển với Ban Tuyên giáo tỉnh các tỉnh thành ven biển, nhiều đơn vị Cảnh sát biển đã tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Quốc phòng và Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 cho cán bộ chủ chốt đại diện cho cấp ủy, chính quyền cơ quan, đoàn thể và các lực lượng vũ và bà con nhân dân, chủ tàu thuyền tại địa phương nơi đơn vị đóng quân. Tại các buổi tuyên truyền, các đại biểu và bà con nhân dân, chủ tàu thuyền được nghe báo cáo viên tuyên truyền về tình hình Biển Đông trong thời gian gần đây và kết quả bảo vệ chủ quyền biển, đảo năm 2018; Luật Cảnh sát biển năm 2018 và vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Qua buổi tuyên truyền đã giúp cán bộ chính quyền địa phương, bà con nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển; góp phần đưa các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời từ đó làm cơ sở để tăng cường phối hợp, hiệp đồng giữa chính quyền địa phương, các cơ quan đơn vị với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong việc duy trì thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự trên biển; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Quang cảnh buổi tuyên truyền.

*Nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Cảnh sát biển Việt Nam tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị trong Lực lượng Cảnh sát biển đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm tìm hiểu về Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Thông qua các buổi tọa đàm là dịp để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, hội viên phũ nữ trong cơ quan, đơn vị nắm rõ hơn những nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Từ đó quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời làm cơ sở để tích cực tham gia tuyên truyền vận động nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, góp phần sớm đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đoàn viên, thanh niên tham gia tọa đàm.

Tại các buổi tọa đàm, đã có nhiều ý kiến tham gia trao đổi với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm cao. Các ý kiến đã đi sâu phân tích và khẳng định Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời là một tất yếu khách quan, thể hiện được đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đối với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trên biển. Các ý kiến cũng đã làm rõ thêm vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam cũng như nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam. Thông qua hoạt động tọa đàm tìm hiểu luật đã phát huy được tinh thần dân chủ, trí tuệ của đoàn viên, thanh niên trong tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Cảnh sát biển Việt Nam tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và cấp ủy, chính quyền, nhân dân trên địa bàn đóng quân, cũng như các tổ chức cá nhân có liên quan góp phần sớm đưa Luật đi vào thực tiễn cuộc sống làm cơ sở để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

 * Thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, sáng ngày 24/5/2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức hội nghị lần thứ nhất Tổ soạn thảo Đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018. Hội nghị nhằm xin ý kiến đóng góp của các thành viên tổ soạn thảo, các chuyên gia, nhà khoa học về việc xây dựng, hoàn chỉnh Đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Tại hội nghị, các thành viên tổ soạn thảo đã tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ dự thảo, tham gia ý kiến trực tiếp đối với dự thảo Tờ trình, dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án. Sau khi tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung, Ban soạn thảo đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Đề án, báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng trình Chính phủ phê duyệt, ban hành đúng thời gian quy định.

Hội nghị tổ soạn thảo đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.

*Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển về những nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, làm cơ sở để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật đến các tổ chức cá nhân liên quan, góp phần đưa các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống, ngày 4/5/2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018".

Họp Ban Tổ chức, Hội đồng chấm thi Cuộc thi Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Theo đó, Cuộc thi Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển cấp Bộ Tư lệnh diễn ra từ tháng 5 - 9/2019. Đối tượng là 100% cán bộ, chiến sĩ trong Lực lượng Cảnh sát biển (trừ thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng chấm thi, Tổ thư ký, Tổ bảo đảm và cán bộ trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi). Cuộc thi được tổ chức thành 2 vòng: Vòng sơ khảo tại cơ quan, đơn vị bắt đầu từ tháng 5/2019 và thu, nộp bài thi về cơ quan Thường trực của cuộc thi trước ngày 31/8/2019; Vòng chung khảo do Hội đồng Chấm thi cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển thực hiện và tổng kết cuộc thi vào tháng 9/2019. Đây là cuộc thi thí điểm trong toàn Lực lượng Cảnh sát biển, làm cơ sở để tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018" cấp toàn quốc vào năm 2021. Để tổ chức tốt cuộc thi, Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành Chỉ thị số 4063/CT-BTL ngày 4/5/2019, yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch, nội dung cuộc thi; coi đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên năm 2019 và là nhiệm vụ chính trị gắn với thành tích thi đua của cơ quan, đơn vị.

*Với mục đích tuyên truyền, đưa các nội dung của Luật Cảnh sát biển Việt Nam đến trực tiếp với cán bộ chiến sĩ và các bộ, ban ngành, địa phương, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức nhiều buổi Thông tin Khoa học chuyên đề về Luật Cảnh sát biển Việt Nam tại cơ quan Bộ Tư lệnh, tại các học viện, nhà trường, như Học viện Lục quân, Học viện Hải quân, Học viện An ninh và các bộ ban ngành liên quan. Tại buổi Thông tin khoa học, cán bộ, chiến sĩ các học viện nhà trường và cán bộ nhân viên các cơ quan đơn vị được thông tin về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Vị trí, ý nghĩa của Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Những điểm mới của Luật Cảnh sát biển so với Pháp lệnh Cảnh sát biển năm 2008; Phương hướng triển khai thực hiện Luật Cảnh sát biển Việt Nam…. Thông qua các buổi thông tin chuyên đề giúp cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân nắm và hiểu rõ được những vấn đề cơ bản trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Từ đó liên hệ, vận dụng vào thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và cá nhân trong duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển Việt Nam.

Thông tin Khoa học chuyên đề về Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Thông tin Khoa học Quân sự Quý IV chuyên đề “Giới thiệu Luật Cảnh sát biển và phương hướng triển khai thực hiện” thực sự hữu ích, mang tính thời sự cao khi mà Luật Cảnh sát biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua vào chiều 19/11. Việc nắm và hiểu rõ được những vấn đề cơ bản về Luật Cảnh sát biển Việt Nam là yêu cầu đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Cánh sát biển. Từ đó liên hệ, vân dụng vào thực hiện chức năng, nhệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và cá nhân trong duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển Việt Nam, góp phần xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao.

* Để quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong thực tiễn cuộc sống, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trong vùng biển Việt Nam, Trung Tướng Nguyễn Văn Sơn - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam trong bài viết có tiêu đề “Quán triệt, triển khai hiệu quả Luật Cảnh sát biển Việt Nam” đăng trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân số ra Tháng 5/2019 đã yêu cầu toàn Lực lượng cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả 5 nội dung, giải pháp sau:

 Một là, tập trung nghiên cứu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án Triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Hai là, làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển nội dung Luật Cảnh sát biển Việt Nam, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Ba là, chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện về tổ chức, biên chế; tập trung đầu tư, xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp lực lượng trong triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định.

Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản, đề án thi hành Luật là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong đó trực tiếp là Lực lượng Cảnh sát biển nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng và toàn thể cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển cần xác định rõ trách nhiệm, phát huy hết tinh thần và trí tuệ, quyết tâm triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản, đề án liên quan đạt kết quả cao nhất, góp phần xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Trung Kiên

 

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com