Một số quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

30/10/2015 10:05:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Nghị định 25/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/03/2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Tại chương II đã quy định rõ các quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo như sau:

1. Nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

- Quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo: trong đó có nguyên tắc quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; căn cứ lập quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; nội dung quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo;

- Chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo gồm: căn cứ lập chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; nội dung chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; lập, phê duyệt chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; thực hiện chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

- Quản lý điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, hải đảo;

- Quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo;

- Phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo; bảo vệ môi trường bờ biển;

- Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên các vùng ven biển, vùng biển và hải đảo Việt Nam;

- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

2. Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan đến việc quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo

a. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành để thực hiện chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đối với các chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo liên quan đến nhiều Bộ, ngành và địa phương.

b. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Trong quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển lập quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo trong phạm vi cả nước trình Chính phủ phê duyệt (đối với việc quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo liên quan đến quốc phòng, an ninh thì phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trước khi trình Chính phủ phê duyệt); chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quản lý, kiểm tra và thực hiện quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; kiểm tra việc thực hiện quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

- Đối với chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo: căn cứ vào quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đã được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp chương trình, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo của các Bộ, ngành và địa phương; lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo liên ngành, liên tỉnh;

- Quản lý điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển, hải đảo: Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo và đại dương của các Bộ, ngành và địa phương theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo và đại dương của các Bộ, ngành và địa phương; đề xuất điều chỉnh chương trình, kế hoạch điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo và đại dương.

- Trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm biển, hải đảo và xác định các vùng ô nhiễm nghiêm trọng; tiến hành xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường biển, hải đảo; ban hành các quy định về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo; chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển thực hiện các quy định về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo.

- Công tác ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên các vùng ven biển, vùng biển và hải đảo Việt Nam: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển tổ chức hoạt động theo dõi, giám sát và cảnh báo sự cố môi trường, thiên tai; xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động thích ứng với mực nước biển dâng cao; xây dựng lộ trình tham gia các điều ước quốc tế liên quan đến ứng phó sự cố môi trường, thiên tai và có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn và các Bộ, ngành liên quan trong việc ứng phó sự cố môi trường, thiên tai.

- Đối với vấn đề bảo vệ môi trường bờ biển: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển xây dựng chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường bờ biển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Về việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo: Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo liên ngành, liên tỉnh.

- Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện nhiệm vụ là cơ quan thường trực của các Ban Chỉ đạo liên ngành để điều phối thực hiện chương trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

c. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển có trách nhiệm đề xuất nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; lập chương trình, kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo và đại dương.

- Các Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, đánh giá hiện trạng ô nhiễm biển, hải đảo; xây dựng, ban hành và kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo phát sinh từ hoạt động của ngành mình; huy động các lực lượng chuyên trách tham gia kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường, thiên tai gây ra và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của pháp luật; giải quyết các tranh chấp về quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường ven biển, hải đảo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.

- Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo trên địa bàn quản lý; xử lý, khắc phục hậu quả do sự cố môi trường, thiên tai gây ra và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường; quản lý, bảo vệ bờ biển, xác định các vùng bờ biển dễ bị tổn thương và biến đổi lớn, đề xuất và thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp; giải quyết các tranh chấp về quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường ven biển, hải đảo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.

d. Tổ chức, cá nhân:

- Đối với các dự án đầu tư liên quan đến khai khác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo của các tổ chức, cá nhân thì các tổ chức, cá nhân này có trách nhiệm tuân thủ quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu và khả năng khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật.

- Các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên hải đảo, chủ phương tiện nổi trên biển có trách nhiệm báo cáo về lượng chất thải và phương án xử lý chất thải cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; chủ phương tiện vận tải, kho lưu giữ hàng hoá trên biển có nguy cơ gây ra sự cố môi trường cao phải có phương án phòng tránh sự cố môi trường và phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Cảnh sát biển biết.

Với các quy định cụ thể về công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường tại các vùng ven biển, vùng biển và hải đảo Việt Nam, Nghị định trên góp phần thống nhất quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường biển, hải đảo phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn trên biển góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Nhật Minh
 

File đính kèm :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com