Nghị định 67/2014/NĐ-CP tiếp thêm nguồn sinh lực lớn cho ngư dân bám biển

14/10/2015 06:35:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Những ngày này, gói tín dụng ưu đãi 4.500 tỷ đồng dành cho ngư dân đóng mới và cải hoán tàu thuyền nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ đang xôn xao theo những chuyến biển... Song, những trải nghiệm thực tế còn cho thấy, điều ngư dân cần và mong được đáp ứng không chỉ đồng vốn mà là sự thay đổi căn bản về tư duy đóng mới con tàu vươn khơi xa. Và chỉ khi đó, thay vì sinh tồn, họ có quyền sống với ngôi nhà thật sự của mình giữa đại dương.

1. Những ngư dân bao đời nay không khuất phục hiểm nguy, một lòng gắn bó với biển đảo quê hương, trước mỗi chuyến ra khơi lại cồn lên tâm trạng đặc biệt. Bám biển là nhịp sống thường ngày, như khí trời, như hơi thở, vì vậy với họ, con tàu như ngôi nhà của mình. Khi trời yên biển lặng, ngôi nhà được thanh bình; khi phong ba bão táp, ngôi nhà kiên gan vật mình trên ngọn sóng.

Thấu hiểu nỗi gian nan của người dân biển, nhất là những chuyến đánh bắt xa bờ (ĐBXB), từ nhiều năm nay, Chính phủ đã có các gói chính sách hỗ trợ ngư dân. Và mới đây, Nghị định 67/2014/NĐCP về một số chính sách phát triển thủy sản được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành là bước đột phá, giúp cho ngành thủy sản Việt Nam khai thác tiềm năng kinh tế biển một cách căn bản. Bằng chính sách hỗ trợ kịp thời này, ngư dân sẽ có điều kiện sở hữu những con tàu lớn hiện đại, đầu tư khai thác hải sản trên các vùng biển xa, trọng yếu, vừa tăng hiệu quả đánh bắt, vừa tạo thêm niềm tin để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Do mối quan tâm trước tiên là vật liệu đóng tàu, nên những chủ tàu vỏ thép sẽ được hưởng chính sách ưu đãi cao hơn nhiều so với các tàu đóng bằng vật liệu truyền thống. Đây cũng chính là nguyện vọng của nhiều ngư dân. Rằng, những chuyến ra khơi dài ngày, có một chiếc tàu vỏ thép chắc chắn và trang bị hiện đại là ước mơ bao đời của người đi biển. Do thời gian sử dụng sẽ tăng lên gấp hai lần tàu gỗ, nên với tàu vỏ thép, mỗi lần muốn làm mới chỉ cần thay máy chứ không mất thêm tiền để đóng vỏ tàu.

2. Từ những con tàu gỗ truyền thống mơ tới những con tàu vỏ thép, rồi hướng đến những con tàu composite hiện đại hơn..., tất cả không ngoài mục đích tạo những điều kiện tốt nhất để ngư dân bám biển, sống cùng nghề biển chứ không chỉ như tồn tại trên biển với bao bất cập. Trong hành trình đó, cái khó trước tiên là làm sao để ngư dân một mặt kế thừa thế mạnh truyền thống từ con tàu gỗ với những kinh nghiệm được rút ra qua bao thế hệ và bằng cả bao mất mát đã thấm mặn cùng sóng biển, mặt khác mạnh dạn tiếp cận, đầu tư cho tàu vỏ thép. Bởi vậy, tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản hồi của ngư dân là điều rất cần thiết. Đặc biệt, đối với tàu vỏ thép và vật liệu mới, ngư dân và chủ tàu cần được lựa chọn phù hợp với năng lực và nhu cầu, phù hợp với tập quán và khả năng khai thác tại các địa phương khác nhau. Quá trình đó sẽ có hàng loạt vấn đề đặt ra, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Cùng đó là những đòi hỏi sát sườn, như kiến thức, công nghệ đi biển, nhất là khâu thu mua bảo đảm đầu ra sản phẩm hải sản. Làm sao sớm khắc phục tình trạng ngư dân bám biển, cố công đánh bắt nhưng cá về đến bờ thì phụ thuộc thương lái; làm sao để ngư dân không phải chịu mất mát ngay trong khoang cá chất nặng mồ hôi của mình. Thực tế cho thấy, chỉ vì thiếu điều kiện bảo quản, sau chuyến đi biển dài ngày trở về, khoang cá tươi hôm nào đã thành khoang cá héo trước mặt khách hàng nơi cảng cá. Phẩm cấp kém đi, mất giá là đương nhiên. Tiếc và xót. Trăn trở cùng ngư dân, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư đồng bộ các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão, hệ thống cung cấp hậu cần (các dịch vụ tiếp xăng dầu, thu mua cá và nhận sự hỗ trợ từ các phương tiện rà luồng cá trên biển, đá, thực phẩm...), thông tin liên lạc...

3. Theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, trong đó dành nhiều quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của ngư dân. Để chính sách cho những con tàu vươn khơi ĐBXB thật sự phát huy hiệu quả, cần sớm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo cú huých cho ngư dân tăng cường liên kết, thay đổi tập quán đánh bắt từ đơn lẻ sang phát triển các đội tàu, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng với kinh nghiệm lâu đời, những bài học cơ bản về luật biển quốc tế, luật biển Việt Nam, về chủ quyền, các vùng biển, cũng như nguyên tắc hàng hải... sẽ là vốn kiến thức cần thiết giúp ngư dân thật sự tự tin trong mỗi chuyến ra khơi. Mặt khác, để khắc phục tình trạng ngư dân tự loay hoay xoay xở, vai trò gắn kết của các nhà (Nhà nước, cụ thể là các Bộ, ngành; UBND các tỉnh; nhà khoa học; doanh nghiệp và ngư dân) trong việc triển khai Nghị định 67 cần được thể hiện rõ nét hơn.

Như đã đề cập, cùng với tàu gỗ và tàu vỏ thép, hiện đã có những ngư dân và nhà đầu tư nghĩ tới tàu composite, loại tàu mà các nước phát triển đã và đang hướng tới bởi ưu thế vượt trội. Đơn cử như gói dự án của Nhật Bản, đóng và cho ngư dân của ta thuê tàu chuyên đánh bắt cá ngừ. Và như vậy, đòi hỏi hàng loạt cơ chế chính sách từ vốn đến đào tạo và tuyển dụng nhân lực; từ đầu tư công nghệ đến tăng cường đội ngũ chuyên gia...

Bắt nguồn từ đòi hỏi thực tế sau mỗi chuyến xa khơi của những người dân một lòng sắt son cùng biển đảo, Nghị định 67/2014/NĐ-CP như tiếp thêm nguồn sinh lực lớn cho ngư dân. Vẫn biết, chuyển đổi một cách làm truyền thống sang cách làm mới, hiện đại nghĩa là chuyển đổi cả về tư duy, thói quen, trình độ và hàng loạt công tác bảo đảm khác. Khó, nhưng nay đã có thêm động lực để hướng tới, bởi mỗi ngư dân đã nhận thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong chính sách - yếu tố giữ vai trò quyết định sự thành bại trong thực thi. Rồi, cùng với thời gian và nhu cầu ngày một cao trên hành trình chinh phục khơi xa, lại có biết bao vấn đề nảy sinh. Quá trình đó lại là nguồn thực tế ngồn ngộn phả vào chính sách, vừa làm phát sáng những điều hợp lý, vừa bộc lộ rõ hơn cái bất cập, thiếu khuyết cần được điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp nhất, thật sự tiếp sức hiệu quả cho những con tàu rẽ sóng xa khơi.

Liên Nhi
 

File đính kèm :

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com