Pháp luật quốc tế và quy định của Việt Nam về nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam

18/07/2017 10:07:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Đại hội đồng Liên hiệp quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học biển đối với việc xóa đói giảm nghèo, góp phần an ninh lương thực, bảo tồn môi trường và tài nguyên biển của thế giới, giúp chúng ta hiểu, dự đoán và đáp ứng với các sự kiện tự nhiên và thúc đẩy phát triển và khai thác, sử dụng của biển và đại dương bền vững. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học biển và đại dương, đồng thời đảm bảo quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia ven biển, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Công ước này quy định một khuôn khổ pháp lý, trong đó tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế hoạt động nghiên cứu khoa học biển trên các vùng biển trong và ngoài vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển phải tuân thủ. Cho đến nay, UNLCOS là Công ước duy nhất quy định toàn diện về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, các quốc gia, tổ chức quốc tế về nghiên cứu khoa học biển và dành toàn bộ Phần XIII quy định về việc nghiên cứu khoa học biển từ Điều 238 đến Điều 265 quy định về nghiên cứu khoa học biển.

    Công ước công nhận quyền tiến hành nghiên cứu khoa học biển của tất cả các quốc gia, bất kể vị trí địa lý thế nào, cũng như các tổ chức quốc tế có thẩm quyền, đều có quyền tiến hành các cuộc nghiên cứu khoa học biển, với điều kiện tôn trọng các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác như đã đuợc quy định trong Công uớc. Công ước quy định các quốc gia và tổ chức quốc tế có thẩm quyền phải khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học biển theo đúng Công uớc nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học biển.

    Công ước quy định quyền của quốc gia ven biển và nghĩa vụ của các quốc gia nghiên cứu trên các vùng biển có chế độ pháp lý khác nhau. Trong lãnh hải, trong việc thực hiện chủ quyền của mình, các quốc gia ven biển có quyền quy định, cho phép và tiến hành các công tác nghiên cứu khoa học biển ở trong lãnh hải chỉ được tiến hành với sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển và trong các điều kiện do quốc gia này ấn định. Do vậy, trong lãnh hải và nội thuỷ, quốc gia ven biển có toàn quyền quy định các điều kiện cụ thể cho phép quốc gia và tổ chức quốc tế tiến hành nghiên cứu khoa học biển.

    Trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa, Công ước quy định trong việc thi hành quyền tài phán của mình, các quốc gia ven biển có quyền quy định, cho phép và tiến hành công tác nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa của mình. Các quốc gia và tổ chức quốc tế chỉ được tiến hành việc nghiên cứu khoa học trong các vùng biển này khi có sự đồng ý của quốc gia ven biển.

    Công ước còn quy định cụ thể trình tự đồng ý, các trường hợp quốc gia ven biển được quyền từ chối cho phép nghiên cứu khoa học biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc quyền tài phán của mình; quyền và nghĩa vụ của quốc gia, tổ chức quốc tế trong khi tiến hành nghiên cứu khoa học và sau khi kết thúc hoạt động nghiên cứu khoa học biển; trách nhiệm bảo vệ môi trường biển khi tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học biển.

    Việt Nam là thành viên của UNCLOS từ năm 1994 và đã nội luật hoá trong pháp luật quốc gia để thực thi có hiệu quả các quy định của Công ước.

    Ngay từ khi Việt Nam chưa là thành viên của Công ước, ngày 05 tháng 8 năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 242/HĐBT "Quy định về việc các bên nước ngoài và phương tiện nước ngoài vào nghiên cứu khoa học ở các vùng biển nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Nghị định này đã góp phần tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu khoa học biển của nước ngoài tại Việt Nam, tuy nhiên, do được ban hành cách đây hơn 20 năm, các quy định trong Nghị định này có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế, đồng thời các căn cứ để ban hành văn bản này đến nay đều đã hết hiệu lực.

    Để khắc phục những hạn chế này, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được đã được ban hành như Luật biển Việt Nam năm 2012, Luật khoa học và công nghệ năm 2013, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ luật hàng hải và văn bản hướng dẫn thi hành,... Trong đó, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 đã quy định toàn diện về việc cấp phép và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam. Nghị định số 41/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam là văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này đã được ban hành và thay thế Nghị định số 242/HĐBT.

    Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và phải được cấp phép theo quy định của pháp luật Việt Nam. Luật và Nghị định số 41/2016/NĐ-CP chi tiết về các điều kiện để tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép tiến hành nghiên cứu khoa học trên vùng biển Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam và sau khi kết thúc hoạt động nghiên cứu; trình tự thủ tục gửi hồ sơ đề nghị cấp phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Quyết định cấp phép nghiên cứu khoa học cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc cấp phép và quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành trong vùng biển Việt Nam.

    Các quy định hiện hành của Việt Nam về nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong vùng biển Việt Nam phù hợp với quy định của UNCLOS, quy định toàn diện, cụ thể về việc cấp phép và quản  lý hoạt động nghiên cứu khoa học của tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam. Thực hiện tốt các quy định này góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định của UNCLOS và góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học biển ở Việt Nam, do việc khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam là cơ hội để Việt Nam có thể sử dụng kết quả nghiên cứu và các nhà khoa học Việt Nam có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nhà khoa học nước ngoài.


Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com