Quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản trong vùng đánh cá chung vịnh Bắc bộ

13/10/2015 09:40:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Căn cứ Hiệp định hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký tại Bắc Kinh ngày 25 tháng 12 năm 2000 (dưới đây gọi tắt là “Hiệp định”), để bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ (dưới đây gọi tắt là “Vùng đánh cá chung”), giữ gìn an ninh và trật tự hoạt động đánh bắt trong Vùng đánh cá chung, Ủy ban liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt - Trung (dưới đây gọi tắt là “Ủy ban liên hợp nghề cá”) ban hành bản Quy định này.

Điều 1. Bất kỳ người và tầu cá nào vào hoạt động đánh bắt trong Vùng đánh cá chung phải có Giấy phép đánh bắt thủy sản trong Vùng đánh cá chung (dưới đây gọi tắt là “Giấy phép”), phải tuân thủ Quy định này và các quy định liên quan của Hiệp định.

Điều 2. Cơ quan chủ quản thực hiện Quy định này của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “hai Bên”) lần lượt là Bộ Thủy sản nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông nghiệp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “Cơ quan chủ quản”).

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bộ Thủy sản nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Quản lý giám sát ngư chính ngư cảng khu Nam Hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “Cơ quan thực thi”) chịu trách nhiệm tổ chức phối hợp thực hiện cụ thể Quy định này.

Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng của phía Việt Nam và cơ quan Quản lý giám sát ngư chính ngư cảng, Công an biên phòng, Bộ đội hải quân của phía Trung Quốc (sau đây gọi tắt là “Cơ quan giám sát”) chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các hoạt động nghề cá trong Vùng đánh cá chung và tiến hành xử lý các hoạt động đánh bắt trái quy định. Cơ quan làm đầu mối phối hợp liên lạc của phía Việt Nam là Cảnh sát biển, của phía Trung Quốc là cơ quan Quản lý giám sát ngư chính ngư cảng.

Điều 3. Cơ quan thực thi của hai bên căn cứ vào số lượng tầu cá hoạt động trong Vùng đánh cá chung do Ủy ban liên hợp nghề cá xác định hàng năm, cấp Giấy phép cho tầu cá nước mình.

Hai Bên trao cho nhau số lượng tem chống làm giả phù hợp với số lượng tầu cá đã thống nhất. Khi cấp Giấy phép, Bên cấp phép phải dán tem chống làm giả do Bên kia trao vào vị trí quy định.

Giấy phép phải bao gồm những nội dung chính như sau: tên và số hiệu tầu cá, cảng đăng ký, quốc tịch tầu, số đăng ký tầu, nghề khai thác, tổng trọng lượng tầu (gồm trọng lượng tầu và trọng tải tầu), công suất máy chính, họ tên thuyền trưởng và họ tên địa chỉ của chủ sở hữu tầu cá.

Giấy phép có giá trị 1 năm kể từ ngày ký cấp.

Mẫu Giấy phép do Ủy ban liên hợp nghề cá quy định tại Phụ lục 1.

Điều 4. Cơ quan thực thi của hai bên phải lập và trao đổi cho nhau Sổ danh sách tầu cá của bên mình được nhận Giấy phép hàng năm, thời gian và phương thức cụ thể do Ủy ban liên hợp nghề cá quyết định trong phiên họp xác định số lượng tầu cá của mỗi bên được vào hoạt động đánh bắt trong Vùng đánh cá chung hàng năm.

Sổ danh sách tầu cá phải bao gồm những nội dung sau đây: tên và số hiệu tầu, nghề khai thác, tổng trọng lượng tầu (gồm trọng lượng tầu và trọng tải tầu), công suất máy chính, số đăng ký tầu và số Giấy phép được cấp.

Điều 5. Người và tầu cá được cấp phép khi hoạt động đánh bắt trong Vùng đánh cá chung phải mang theo tầu Giấy phép, Giấy đăng ký tầu cá, giấy tờ tùy thân của người trên tầu cá và tiến hành hoạt động đánh bắt theo nội dung ghi trong Giấy phép.

Tầu cá phải treo Quốc kỳ của nước mình và phải có dấu hiệu nhận biết theo quy định của Ủy ban liên hợp nghề cá. Cách thức cụ thể về làm dấu hiệu nhận biết được quy định tại Phụ lục 2.

Điều 6. Tầu cá được cấp phép khi hoạt động đánh bắt trong Vùng đánh cá chung phải ghi Nhật ký đánh bắt trong Vùng đánh cá chung (dưới đây gọi tắt là “Nhật ký đánh bắt”) theo mẫu quy định của Ủy ban liên hợp nghề cá (Phụ lục 3). Nhật ký đánh bắt hàng năm phải nộp Cơ quan thực thi của nước mình.

Điều 7. Thực hiện quy chế tạm ngừng khai thác trong Vùng đánh cá chung. Nội dung và biện pháp cụ thể của quy chế đó do Ủy ban liên hợp nghề cá quy định.

Điều 8. Cấm đánh bắt thủy sản bằng các phương pháp như dùng chất nổ, chất độc, xung điện và các loại ngư cụ, phương thức khai thác bị cấm sử dụng do Ủy ban liên hợp nghề cá quy định.

Điều 9. Cấm đánh bắt các loài sinh vật hoang dã quý hiếm dưới nước có nguy cơ bị tuyệt chủng sau: cá voi, cá heo, bò biển, rùa biển và san hô.

Trong khi hoạt động đánh bắt bình thường, nếu vô ý bắt phải các sinh vật nêu trên phải lập tức thả ngay xuống biển.

Điều 10. Hai Bên phải sử dụng các biện pháp chống ô nhiễm, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái Vùng đánh cá chung.

Điều 11. Tầu cá đang đánh bắt hoặc đang di chuyển phải tuân thủ quy tắc tránh va giữa các tầu cá, không được làm ảnh hưởng hoạt động đánh bắt bình thường của các tầu cá khác.

Khi xảy ra tranh chấp hoặc sự cố gây tổn thất trên biển giữa tầu cá của hai bên, thuyền trưởng hai bên phải hiệp thương giải quyết, cấm dùng hành vi bất hợp pháp như đánh, bắt giữ người, đập phá, cướp tài sản hoặc phá hoại tầu. Trong trường hợp không giải quyết được tại chỗ, thuyền trưởng đương sự của hai bên phải điền vào “Giấy xác nhận sự cố trong Vùng đánh cá chung” theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 và nộp cho Cơ quan thực thi của nước mình. Cơ quan thực thi hai bên sẽ phối hợp giải quyết hoặc chuyển cho Ủy ban liên hợp nghề cá giải quyết.

Điều 12. Nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát mỗi bên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đối với người và tầu cá của hai Bên trong Vùng đánh cá chung thuộc vùng nước Bên mình.

Khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát, nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát mỗi bên phải mang sắc phục, phù hiệu và biển hiệu theo đúng quy định của nước mình, sử dụng tầu công vụ có treo quốc kỳ của nước mình và có ký dấu hiệu chuyên dụng. Hai Bên thông báo cho nhau mẫu sắc phục, phù hiệu và biển hiệu của nhân viên công vụ có thẩm quyền, các ký dấu hiệu chuyên dụng của tầu công vụ của nước mình.

Điều 13. Khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát, nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát mỗi bên phải tôn trọng, không làm cản trở hoạt động đánh bắt bình thường của người và tầu cá đã được cấp Giấy phép, tránh kiểm tra và xử phạt trùng lặp.

Khi nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát mỗi bên phát hiện hành vi vi phạm hoặc có căn cứ hợp lý cho rằng tầu cá có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt trái phép hoặc khi cần thiết có thể lên tầu kiểm tra.

Khi lên tầu cá kiểm tra, nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát phải lập Biên bản kiểm tra Vùng đánh cá chung (dưới đây gọi tắt là “Biên bản kiểm tra”) theo mẫu quy định tại Phụ lục 5. Biên bản kiểm tra phải khách quan, chân thực, có chữ ký xác nhận của nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát và thuyền trưởng tầu cá bị kiểm tra.

Điều 14. Nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát mỗi bên khi ở vùng nước bên mình phát hiện thấy ở vùng nước bên kia có tầu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm, phải thông báo ngay cho Cơ quan thực thi bên kia bằng các phương tiện thông tin hiện có. Cơ quan thực thi của bên nhận được thông báo phải tiến hành xử lý ngay.

Điều 15. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, nếu nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát mỗi bên phát hiện người và tầu cá vi phạm Quy định này ở vùng nước bên mình trong Vùng đánh cá chung thì phải xử lý theo Quy định này và phải thông báo cho Cơ quan thực thi bên mình biết. Trường hợp hành vi vi phạm tới mức độ phải xử phạt, cơ quan có quyền xử phạt của mỗi bên căn cứ Điều 20 của Quy định này tiến hành xử phạt và điền vào “Quyết định xử phạt trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ”, theo mẫu quy định tại Phụ lục 6.

Điều 16. Nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát mỗi bên căn cứ vào luật pháp của nước mình có quyền xử phạt những tầu cá chưa được cấp Giấy phép mà vào đánh bắt trong vùng nước bên mình thuộc Vùng đánh cá chung hoặc tuy được cấp Giấy phép vào Vùng đánh cá chung nhưng có các hoạt động bất hợp pháp ngoài hoạt động đánh bắt.

Điều 17. Khi Cơ quan giám sát hoặc cơ quan có quyền xử phạt của bên này tiến hành xử lý hành vi vi phạm của tầu cá và người của bên kia cần kịp thời báo cho cơ quan thực thi bên mình biết. Cơ quan thực thi bên này phải thông báo cho cơ quan thực thi của bên kia biết Biên bản kiểm tra được nêu tại Điều 13 của Quy định này hoặc nội dung chính tình hình vụ việc vi phạm của Biên bản kiểm tra trong vòng 72 tiếng sau khi vụ việc xảy ra, trường hợp phải tạm giữ tầu cá đưa về bến cảng xử lý phải thông báo trong vòng 48 tiếng, khi đưa ra quyết định xử phạt phải thông báo cho cơ quan thực thi của bên kia biết quyết định xử phạt trong vòng 72 tiếng.

Điều 18. Cơ quan giám sát của hai bên có thể tiến hành kiểm tra liên hợp trong Vùng đánh cá chung, có thể áp dụng phương thức cử nhân viên công vụ sang tầu công vụ của nhau hoặc kiểm tra liên hợp bằng tầu công vụ của cả hai bên. Khi kiểm tra liên hợp, nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát mỗi bên đưa ra quyết định xử lý đối với những vụ việc vi phạm tại vùng nước bên mình trong Vùng đánh cá chung. Cơ quan thực thi hai bên nghiên cứu đề xuất phương án kiểm tra liên hợp cụ thể và tổ chức thực hiện sau khi được sự đồng ý của Ủy ban liên hợp nghề cá.

Điều 19. Khi nhân viên công vụ của Cơ quan giám sát hai bên yêu cầu kiểm tra tầu thì mọi người trên tầu phải có trách nhiệm hợp tác, dừng tầu và chịu sự kiểm tra, xuất trình các loại giấy tờ quy định tại Điều 5 của Quy định này, tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ nhân viên công vụ thực thi nhiệm vụ đồng thời hỗ trợ bảo đảm an toàn thân thể của nhân viên công vụ.

Nhân viên công vụ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật liên quan và Quy định này, thực thi văn minh công vụ và không đựơc sử dụng vũ lực trừ khi an toàn thân thể của nhân viên công vụ bị đe dọa.

Điều 20. Người và tầu cá được cấp Giấy phép khi đánh bắt trong Vùng đánh cá chung có hành vi vi phạm Quy định này thì bị xử lý theo các quy định sau đây:

1. Không treo Quốc kỳ theo quy định thì buộc phải treo Quốc kỳ, nếu không mang Quốc kỳ theo quy định thì buộc phải quay về, đồng thời phạt từ 400 nghìn đến 2 triệu đồng Việt Nam hoặc 200 đến 1.000 Nhân dân tệ, nếu cố tình không treo Quốc kỳ thì phạt từ 1 triệu đến 5 triệu đồng Việt Nam hoặc 500 đến 2.500 Nhân dân tệ, đồng thời cưỡng chế tầu ra khỏi Vùng đánh cá chung. Trường hợp tái phạm hoặc cố tình không chịu nộp phạt và treo Quốc kỳ thì lập biên bản và cấm tầu cá đó đánh bắt một tháng trong Vùng đánh cá chung, đồng thời phải kịp thời thông báo cho Cơ quan thực thi hai bên biết để cùng giám sát quản lý, nếu trong thời hạn cấm đánh bắt mà tầu cá đó vẫn vào Vùng đánh cá chung đánh bắt sẽ bị tạm giữ Giấy phép và kịp thời thông báo cho cơ quan thực thi hai bên.

2. Tầu cá có dấu hiệu nhận biết nhưng không đúng theo Quy định này, Cơ quan giám sát sẽ tùy mức độ vi phạm tiến hành đánh dấu Giấy phép và buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung, tầu cá không có dấu hiệu nhận biết thì ngoài các hình phạt như trên còn bị phạt từ 2 triệu đến 10 triệu đồng Việt Nam hoặc 1.000 đến 5.000 Nhân dân tệ. Nếu tầu cá không chấp hành các hình phạt và tiếp tục tiến hành các hoạt động đánh bắt thì Cơ quan giám sát ngoài việc áp dụng các hình phạt nêu trên còn tạm giữ Giấy phép và thông báo cho cơ quan thực thi hai bên.

3. Tầu cá không đem theo Giấy phép, sẽ bị phạt 50 triệu đồng Việt Nam hoặc 25.000 Nhân dân tệ và buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung. Nếu tái phạm trong thời gian Giấy phép có hiệu lực sẽ bị phạt 70 triệu đồng Việt Nam hoặc 35.000 Nhân dân tệ và buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung.

Tầu cá không đem theo Giấy đăng ký tầu, sẽ bị phạt 20 triệu đồng Việt Nam hoặc 10.000 Nhân dân tệ và buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung.

Tầu cá không ghi Nhật ký đánh bắt sẽ bị phạt 1 triệu đồng Việt Nam hoặc 500 Nhân dân tệ.

Người đi trên tầu không mang theo giấy tờ tùy thân sẽ bị phạt 400 nghìn đồng Việt Nam hoặc 200 Nhân dân tệ; trường hợp tái phạm sẽ bị phạt 800 nghìn đồng Việt Nam hoặc 400 Nhân dân tệ. Bản mẫu giấy tờ tùy thân của thuyền viên được quy định tại khoản này do cơ quan thực thi hai bên thông báo cho nhau để tạo thuận lợi cho Cơ quan giám sát kiểm tra. Nếu một bên thay đổi mẫu giấy tờ tùy thân của thuyền viên cần kịp thời thông báo cho cơ quan thực thi bên kia.

4. Đánh bắt trái với nghề nghiệp hoặc vi phạm thời gian đánh bắt đã được ghi trong Giấy phép sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 60 triệu đồng Việt Nam hoặc từ 5.000 đến 30.000 Nhân dân tệ, đồng thời buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung. Trường hợp tái phạm thì ngoài mức phạt nêu trên còn bị tịch thu sản phẩm khai thác, ngư cụ, tạm giữ Giấy phép.

Nếu công suất máy chính của tầu cá không phù hợp với đăng ký trong Giấy phép thì đánh dấu Giấy phép, buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung và thông báo cho cơ quan thực thi bên kia. Bên kia cần phải tiến hành kiểm tra pháp định lại công suất máy chính của tầu, nếu xác định công suất máy chính của tầu không phù hợp với đăng ký trong Giấy phép phải truy cứu trách nhiệm đối với những cá nhân liên quan theo luật pháp nước mình và thông báo cho Cơ quan thực thi bên kia biết kết quả kiểm tra pháp định, kết quả xử lý, nếu tái phạm sẽ bị phạt từ 30 triệu đến 70 triệu đồng Việt Nam hoặc từ 15.000 đến 35.000 Nhân dân tệ, tịch thu sản phẩm khai thác, ngư cụ, tạm giữ Giấy phép và buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung.

5. Vi phạm quy chế tạm thời ngừng khai thác Vùng đánh cá chung do Ủy ban liên hợp nghề cá quy định sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 80 triệu đồng Việt Nam hoặc từ 5.000 đến 40.000 Nhân dân tệ, tạm giữ Giấy phép và buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung. Trường hợp tái phạm sẽ bị tạt từ 20 triệu đến 150 triệu đồng Việt Nam hoặc từ 10.000 đến 75.000 Nhân dân tệ, tạm giữ Giấy phép, tịch thu sản phẩm khai thác, ngư cụ và buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung.

6. Sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, các loại ngư cụ và phương thức khai thác đã bị Ủy ban liên hợp nghề cá cấm sử dụng sẽ bị phạt từ 20 triệu đến 100 triệu đồng Việt Nam hoặc từ 10.000 đến 50.000 Nhân dân tệ, tịch thu sản phẩm khai thác, ngư cụ và công cụ dùng để thực hiện các hành vi vi phạm trên, tạm giữ Giấy phép và bị buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung thuộc phần biển của nước sở tại. Trường hợp tái phạm sẽ bị phạt từ 40 triệu đến 150 triệu đồng Việt Nam hoặc từ 20.000 đến 75.000 Nhân dân tệ, tạm giữ Giấy phép, tịch thu sản phẩm khai thác, cư ngụ, công cụ dùng để thực hiện các hành vi vi phạm trên, buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung và thuyền trưởng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật pháp của nước sở tại đồng thời kịp thời thông báo cho Cơ quan thực thi hai bên.

7. Cố ý vi phạm Điều 9 của Quy định này về việc cấm đánh bắt các loài sinh vật hoang dã quý hiếm dưới nước có nguy cơ tuyệt chủng sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 30 triệu đồng Việt Nam hoặc từ 5.000 đến 15.000 Nhân dân tệ, tịch thu sinh vật hoang dã quý hiếm dưới nước có nguy cơ tuyệt chủng đã đánh bắt, tạm giữ Giấy phép và buộc phải rời khỏi Vùng đánh cá chung thuộc phần biển nước sở tại, nếu tái phạm thì ngoài các hình phạt trên sẽ bị tịch thu ngư cụ và thuyền trưởng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật pháp của nước sở tại đồng thời kịp thời thông báo cho Cơ quan thực thi hai Bên.

8. Cản trở, chống đối, trốn tránh việc kiểm tra của nhân viên công vụ thuộc Cơ quan giám sát sẽ bị xử phạt nặng theo các hành vi vi phạm cụ thể. Cố ý gây thiệt hại đối với nhân viên công vụ và tầu thuyền của Cơ quan giám sát, người vi phạm phải bồi thường. Người nào làm chết hoặc gây thương tích nặng đối với nhân viên công vụ phải bị truy cứu trách nhiệm theo luật pháp nước sở tại. Trường hợp không chấp hành quyết định xử phạt sẽ bị cưỡng chế chấp hành.

9. Đồng thời có nhiều hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo từng hành vi nhưng tổng số tiền các hình phạt bằng tiền mặt không vượt quá 150 triệu đồng Việt Nam hoặc 75.000 Nhân dân tệ.

10. Nếu tầu cá vi phạm mà không chịu sự kiểm tra và bỏ chạy, Cơ quan giám sát lập biên bản ghi tên, số hiệu tầu và kịp thời thông báo cho Cơ quan thực thi bên kia. Sau khi kiểm tra xác định đúng hành vi vi phạm, sẽ tịch thu Giấy phép trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ năm đó của tầu vi phạm. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể đề nghị Cơ quan thực thi bên kia hủy bỏ tư cách đánh bắt trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ của tầu vi phạm từ 1 đến 2 năm. Bên xử lý kịp thời thông báo kết quả xử lý cho bên kia.

Điều 21. Khi việc xử phạt theo các quy định tại Điều 20 không thể thực hiện được tại chỗ, có thể tạm giữ tầu cá đưa về bến cảng xử lý.

Cơ quan giám sát và nhân viên công vụ của hai bên cần phải đối xử nhân đạo đối với thuyền viên của tầu bị tạm giữ, bảo đảm an toàn thiết bị và tài sản trên tầu.

Khi tầu cá và thuyền viên bị tạm giữ có một trong những điều kiện sau thì cần phải được phóng thích nhanh chóng:

1. Đã nộp đủ tiền phạt và bồi thường các tổn thất gây ra theo các quy định liên quan của Điều 20 và nộp các chi phí theo quy định hiện hành về tầu cá và thuyền viên trong thời gian bị tạm giữ.

2. Có đảm bảo thích đáng bằng tiền hoặc các đảm bảo khác được cơ quan thực thi hai bên chấp nhận. Nội dung và hình thức đảm bảo cụ thể do cơ quan thực thi hai bên thỏa thuận quy định.

Điều 22. Cơ quan thực thi mỗi bên sau khi nhận được thông báo của Cơ quan thực thi bên kia theo quy định tại Điều 17 của Quy định này thì phải tiến hành điều tra đối với tầu cá vi phạm. Đối với trường hợp vụ việc đúng với sự thực, có thể tiến hành xử lý tiếp theo luật pháp, quy định nước mình. Trong trường hợp có nghi vấn về việc xử phạt của bên kia thì có thể yêu cầu Cơ quan thực thi bên kia giải thích.

Trường hợp tổ chức hoặc cá nhân bị xử phạt cho rằng việc xử phạt không thỏa đáng thì có quyền thông qua Cơ quan thực thi phía bên mình để khiếu nại với Cơ quan thực thi phía bên kia hoặc Ủy ban liên hợp nghề cá.

Điều 23. Các Phụ lục kèm theo là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Quy định này.

Điều 24. Ủy ban liên hợp nghề cá có thể tiến hành sửa đổi và bổ sung Quy định này và các Phụ lục kèm theo.

Điều 25. Trường hợp hai Bên có bất đồng về cách hiểu Quy định này và các Phụ lục, Ủy ban liên hợp nghề cá sẽ chịu trách nhiệm giải thích.

Điều 26. Quy định này được thi hành kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Quy định này được ký tại Bắc Kinh ngày 29 tháng 4 năm 2004 thành 2 bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

(theo bienphongvietnam.vn)
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com