Cần xây dựng chính sách đặc thù và lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh

28/11/2023 11:12:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Góp ý dự án Luật này, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để ban hành Luật này, nhằm xây dựng chính sách đặc thù và lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tại kỳ họp thứ 6, Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được cho ý kiến lần đầu.Đây là dự án luật được các Đại biểu Quốc hội rất quan tâm nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cả trước mắt và lâu dài trong sự nghiệp báo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Để hiểu thêm về dự thảo luật này, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban QP&QN của Quốc hội.

Smiley face

Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban QP&QN của Quốc hội.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, trong bối cảnh hiện nay, ông đánh gía thế nào về tầm quan trọng của Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cũng như ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hơn đối với lĩnh vực Công nghiệp quốc phòng, an ninh?

Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban QP&QN của Quốc hội: Xuất phát từ yêu cầu giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổng kết việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về Công nghiệp Quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN) trên các lĩnh vực; từ công tác quản lý Nhà nước đến thực thi các chính sách cụ thể và từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột, nhất là cuộc xung đột Nga - Ucraina, Israel - Hamas đang diễn ra. Yêu cầu dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ Tổ Quốc, an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới đặt ra đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực CNQP, AN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn như trên, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội xem xét, cho ý kiến, ban hành Luật này.

Một số chính sách đặc thù cho CNQP, AN đã được đề cập tại Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 (điểm a, khoản 1, Điều 21 về Chính sách của Nhà nước đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt), Nghị định số 46/2009/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng 2008 (Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10,…), Nghị định số 63/2020/NĐ-CP quy định về Công nghiệp an ninh (Chương III: Chính sách, cơ chế đặc thù và chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh) … Các cơ chế, chính sách trên phần nào đã tạo hành lang pháp lý cho phát triển CNQP, CNAN.

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay của đất nước và thế giới, những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này cũng đã xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế so với yêu cầu thực tiễn phát triển CNQP, CNAN (trong đó, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực CNQP, AN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng; thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc).

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để phát triển nền CNQP, AN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, không thể không có các cơ chế, chính sách đặc thù. Các chính sách đặc thù về CNQP cần được thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện như: Về quy hoạch, về nguồn vốn, về thủ tục đầu tư, về tổ chức của doanh nghiệp CNQP, AN, về chính sách cho người lao động trong nghiên cứu, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, Về chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ... Qua nghiên cứu dự thảo Luật, tôi nhận thấy nhiều cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật đã thể hiện được tính đặc thù, vừa có tính kế thừa các quy định trong các Pháp lệnh CNQP, Pháp lệnh ĐVCN, Nghị định 63/2020/NĐ-CP về Công nghiệp an ninh; vừa bổ sung những điểm mới. Những điều này được thể hiện tại các điều khoản như: Điều 9, Điều 16 - 18, Điều 47 - 52,..., cụ thể: đề xuất điều chỉnh, sửa đổi Luật Quy hoạch theo hướng quy định Quy hoạch xây dựng và phát triển CNQP, Quy hoạch xây dựng và phát triển CNAN là một mục riêng trong danh mục Quy hoạch ngành quốc gia; hay đẩy mạnh cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp trong hoạt động khoa học công nghệ nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật; có cơ chế đặc thù trong mua sắm những vật tư, bán thành phẩm, thiết bị đặc chủng cho quân sự; hay chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp CNQP, AN trong một số trường hợp do tính đặc thù của CNQP, AN như xây dựng nhà trẻ, bệnh xá trên địa bàn đặc biệt, duy trì, bảo dưỡng vận hành các dây chuyền trong thời gian tạm ngừng sản xuất; chính sách thu hút, đãi ngộ đối với các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư gắn với đặc điểm, tính chất của lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, trong bối cảnh, nguồn lực đầu tư trực tiếp cho công nghiệp Quốc phòng và An ninh còn nhiều hạn chế, thì việc xây dựng chính sách lưỡng dụng để phát triển CNQP có tầm quan trọng như thế nào? Ông đánh giá thế nào về chính sách lưỡng dụng trong xây dựng và phát triển CNQP, CNAN quy định tại Dự thảo Luật này?

Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Ủy viên Ủy ban QP&QN của Quốc hội: Định hướng xây dựng, phát triển nền CNQP, AN hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng CNQP (từ Đại hội X trở về trước) cũng như CNQP, AN (Đại hội XI đến nay).

Trong thời kỳ đổi mới, yêu cầu lưỡng dụng của CNQP được thể hiện rõ trong văn kiện ở các kỳ Đại hội như: sử dụng một phần năng lực CNQP vào việc xây dựng kinh tế (Đại hội VI), huy động năng lực của xí nghiệp quốc phòng làm hàng dân dụng với hiệu quả thiết thực (Đại hội VII), khuyến khích các nhà máy CNQP sản xuất các sản phẩm dân dụng để tăng thêm năng lực phát triển (Đại hội X), đẩy mạnh phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng (Đại hội XII). Chính sách xây dựng, phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng là một chủ trương chiến lược, thể chế đầy đủ quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

Trong bối cảnh, nguồn lực đầu tư trực tiếp cho CNQP, AN còn nhiều hạn chế, việc phát triển CNQP, AN theo hướng lưỡng dụng là một chính sách lớn, đúng đắn để vừa phát huy năng lực đầu tư cho CNQP, AN, đưa CNQP, AN trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; vừa đẩy mạnh sự tham gia của công nghiệp dân sinh vào hoạt động CNQP, AN; giảm đầu tư của Nhà nước vào những lĩnh vực công nghệ mà công nghiệp dân sinh đã có.

Hiện nay, quy định về lưỡng dụng trong CNQP, CNAN chưa được Luật hóa mà chỉ được nhắc tới tại các Nghị định hướng dẫn, chưa nêu được các khía cạnh khác của chính sách lưỡng dụng như công nghệ lưỡng dụng, con người lưỡng dụng, … trong CNQP, CNAN.

Dự thảo Luật CNQP đã đề xuất những điểm mới, đột phá về chính sách lưỡng dụng trong xây dựng và phát triển CNQP, CNAN, đã đưa ra khái niệm Công nghệ lưỡng dụng (khoản 11, Điều 2, Dự thảo) và đặt ra các yêu cầu gắn với tính lưỡng dụng trong các hoạt động CNQP, AN như: khi định hướng chiến lược, lập quy hoạch, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành,... (tại Điều 4, Điều 6, Điều 17, Điều 23, Điều 29, Điều 47, Điều 53, Điều 55, Điều 59,..). Một số nội dung mang tính quy định khung để giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp Bộ có văn bản hướng dẫn quy định chi tiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần quy định rõ hơn trong dự thảo luật tiêu chí hoặc danh mục sản phẩm lưỡng dụng phục vụ CNQP, AN mà công nghiệp dân sinh được huy động tham gia để dễ áp dụng trên thực tế.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng.

PV

(Theo quochoi.vn)

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com