Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược Phát triển khoa học - công nghệ trong Lực lượng Cảnh sát biển

24/08/2015 09:17:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành TW Đảng (Khóa XI) và Nghị quyết số 791-NQ/QUTW ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương đã xác định: phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ, nhân viên Phòng KHQS/BTM tích cực chuẩn bị chào mừng ngày Khoa học công nghệ.

Những năm gần đây, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Cảnh sát biển (CSB)Việt Nam ngày càng được đầu tư phát triển cả về tổ chức biên chế cũng như trang bị cơ sở vật chất; là một trong 5 lực lượng được đầu tư xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và tiến thẳng lên hiện đại. Đây là niềm vinh dự tự hào nhưng cũng đặt ra những trọng trách lớn lao đối với toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng.

Nhằm đáp ứng yêu cầu trước sự phát triển của Lực lượng, đội ngũ cán bộ quản lý khoa học và công nghệ (KH-CN) đã được các cấp lãnh đạo, chỉ đạo quan tâm, đầu tư đúng mức, hiệu quả về biên chế, trang bị. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, năm 2014, công tác khoa học - công nghệ và môi trường (KH-CN&MT) của BTL CSB được triển khai tích cực trên tất cả các lĩnh vực và đã đạt được một số thành tích nhất định.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương - Nguyên Chính ủy CSB báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài cấp BQP.

Hoạt động KH-CN đã bám sát nghị quyết, chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, cơ quan cấp trên để triển khai tổ chức thực hiện đúng hướng, sát yêu cầu nhiệm vụ; đã khắc phục dứt diểm sự dàn trải, không đúng trọng tâm, trọng điểm. Công tác nghiên cứu đề tài, tài liệu biên soạn đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, tính chất, đặc điểm hoạt động của từng đơn vị để biên soạn đúng nội dung, đáp ứng nhu cầu trong công tác huấn luyện SSCĐ, hoạt động nghiệp vụ. Công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từng bước phát triển, áp dụng thực tiễn trong huấn luyện bộ đội. Công tác quản lý, phối hợp đã có nhiều tiến bộ, hiệu quả.

Tuy nhiên, công tác KH-CN&MT còn bộc lộ những hạn chế như: việc đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn tài liệu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật chưa thật sự tích cực, hiệu quả chưa cao; công tác quản lý khoa học quân sự có lúc chưa xác định được lĩnh vực chủ yếu cần tập trung. Sự mở rộng hợp tác với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội về lĩnh vực nghiên cứu khoa học còn hạn chế, nhất là ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn chậm; chưa nghiên cứu những vấn đề mới và những vấn đề cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tế của LL CSB. Nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác khoa học quân sự ở một số cấp ủy, chỉ huy chưa thật đầy đủ, thậm chí còn biểu hiện xem nhẹ; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và nghiên cứu khoa học trình độ, kinh nghiệm còn hạn chế.

Hiện nay tình hình thế giới, khu vực tiếp tục phát triển phức tạp, khó lường. Tình hình trên Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, những hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách phi lý về chủ quyền của nước ngoài đe dọa đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và dẫn tới cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển sẽ chuyển sang giai đoạn mới, khó khăn, quyết liệt hơn; các hoạt động xâm phạm chủ quyền, khai thác hải sản trái phép, cướp biển, buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy… trên biển gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, manh động hơn. Các vấn đề trên đã bắt buộc nhiều nước trong khu vực phải thay đổi, điều chỉnh chiến lược, chiến thuật quân sự, nghiên cứu đầu tư trang bị, phương tiện, vũ khí… Điều này đồng nghĩa với việc đặt ra cho Lực lượng CSB Việt Nam những yêu cầu mới cao hơn, đặt ra cho ngành KH - CN CSB nhiều khó khăn, thách thức và nhiệm vụ rất nặng nề.

Trong những năm tới, để ngành Khoa học quân sự CSB phát triển xứng tầm với sự lớn mạnh của Lực lượng; hoạt động nghiên cứu KH-CN đạt nhiều kết quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tư lệnh CSB đã ban hành Chỉ thị số 871/CT-BTL ngày 02/4/2015: “Về việc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ trong Lực lượng Cảnh sát biển đến năm 2020 và trong những năm tiếp theo”. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng quán triệt và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ khoa học, công nghệ, sáng kiến, cải tiến ở đơn vị mình, tập trung vào một số trọng tâm như:

- Tập trung nghiên cứu dự báo đối tượng, âm mưu thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạt lật đổ và những tranh chấp, xung đột có thể xảy ra trên Biển Đông, thủ đoạn của nước ngoài xâm phạm các vùng biển của Việt Nam; dự báo các giải pháp ngăn ngừa, ứng phó thắng lợi nếu xảy ra tranh chấp, xung đột.

- Nghiên cứu lý luận về xây dựng tổ chức Lực lượng CSB Việt Nam trong tình hình mới và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác Đảng, công tác chính trị; nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng; bồi dưỡng, đào tạo chuẩn bị nguồn cán bộ Cảnh sát biển, xây dựng tiềm lực Cảnh sát biển Việt Nam.

- Nghiên cứu phát triển lý luận về nghệ thuật tổ chức chỉ đạo, chỉ huy tác chiến; bổ sung, phát triển lý luận về tổ chức tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn biển đảo và chống khủng bố, chống cướp biển trong tình hình mới.

- Nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn, hoàn thiện tài liệu, giáo trình huấn luyện trong toàn lực lượng. Tổ chức biên dịch tài liệu huấn luyện, nghiên cứu khai thác triệt để tính năng kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật và tàu xuồng mới, phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, phục vụ kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất. Đồng thời phải phát động phong trào thi đua trong hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật để trở thành một phong trào rộng khắp trong toàn Lực lượng.

Các đại biểu tham quan cải tiến sáng kiến mô hình học cụ.

- Nghiên cứu làm chủ và ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vệ tinh Vinasat phục vụ quan sát mục tiêu trên biển, xây dựng các giải pháp về công nghệ thông tin phục vụ cho chỉ huy, điều khiển, giám sát, thu thập và xử lý số liệu, tin tức theo hướng tích hợp, ưu tiên cải tiến hệ thống của trinh sát kỹ thuật.

- Đẩy mạnh công tác thông tin khoa học, kết hợp giữa thông tin khoa học và thông tin đại chúng. Cần tăng cường mở rộng mối quan hệ thông tin với các cơ quan bên ngoài để thu thập, xử lý kịp thời chính xác những thông tin phục vụ cho yêu cầu của lãnh đạo, chỉ huy và nghiên cứu.

- Đẩy mạnh công tác đào tạo, quy hoạch bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học. Kiện toàn, củng cố và duy trì hoạt động của cơ quan quản lý về KH-CN& MT các cấp đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, xây dựng lực lượng.

Để thực hiện tốt Chỉ thị 871 của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển “Về việc tiếp tục đẩy mạnh Chiến lược phát triển KH-CN trong Lực lượng CSB đến năm 2020 và trong những năm tiếp theo, các cơ quan đơn vị trong toàn lực lượng cần triển khai đồng bộ và toàn diện một số giải pháp sau:

Một là, cần quán triệt sâu sắc các đường lối, quan điểm của Đảng về công tác KH&CN theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành TW Đảng (Khóa XI) “Về phát triển KH-CN phục vụ CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết số 791-NQ/QUTW ngày 30/12/2012 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo công tác KH-CN và môi trường trong quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động số 171/KH-KHCNMT ngày 25/2/2013 của Bộ Quốc phòng về thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) và Nghị quyết 791 của Quân ủy Trung ương, cụ thể hóa các giải pháp để đưa những nghị quyết này vào cuộc sống.

Hai là, các cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan đơn vị cần quan tâm chỉ đạo, sâu sát hơn nữa công tác nghiên cứu đề tài, biên soạn tài liệu, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang tính toàn diện, có chiều sâu đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng theo hướng “Chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tính chuyên nghiệp hóa cao”. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng nâng cao nhận thức, xác định đúng vai trò, vị trí quan trọng của KH-CN đối với sự phát triển của Lực lượng CSB nói riêng và quân đội, đất nước nói chung, từ đó có ý thức trách nhiệm, có mục tiêu rõ ràng và hành động đúng.

Ba là, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các sáng kiến, sáng chế vào phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong toàn lực lượng; gắn kết quả công tác KH-CN với việc đánh giá kết quả, chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị và bình xét khen thưởng trong phong trào thi đua Quyết thắng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện của cơ quan, đơn vị. Đồng thời có biện pháp quyết liệt để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong công tác KH-CN.

Bốn là, tiếp tục xây dựng và phát triển tiềm lực KH-CN; Nghiên cứu, xây dựng Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong Lực lượng CSB; Kiện toàn hệ thống tổ chức nghiên cứu, nâng cao năng lực các cơ quan quản lý KH-CN; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế hoạt động KH-CN trong Lực lượng CSB cho đồng bộ với đổi mới cơ chế của Nhà nước, sự phát triển của xã hội và phù hợp với đặc thù hoạt động của Lực lượng; Rà soát, bổ sung hoàn thiện Ban Chỉ đạo 30; Hội đồng khoa học; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác KH-CN.

Năm là, hàng năm tổ chức Ngày KH-CN Việt Nam trong đơn vị. Trong dịp này, các cơ quan, đơn vị cần làm tốt việc sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra những bài học thiết thực; lựa chọn khách quan những kết quả, sản phẩm, mô hình KH-CN tiêu biểu, chú trọng nhân tố mới để giới thiệu, nhân rộng. Cần tổ chức các hoạt động tôn vinh trang trọng, mang ý nghĩa giáo dục, động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp KH-CN.

Với những giải pháp đồng bộ, sáng tạo, xây dựng và nhân rộng những mô hình hoạt động KH-CN hiệu quả, nhất định sẽ đưa công tác KH-CN trong Lực lượng CSB phát triển, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao, giữ vững sự bình yên trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Duy Quang, Trưởng phòng Khoa học quân sự Bộ Tham mưu/BTL CSB

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com