29/08/2022 10:23:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Công tác kỹ thuật Cảnh sát biển là một mặt công tác quân sự, nhằm bảo đảm cho Lực lượng Cảnh sát biển có vũ khí trang bị kỹ thuật đủ về số lượng, chủng loại, đạt chất lượng tốt và đồng bộ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Trong bối cảnh tình hình mới, việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại là yêu cầu tất yếu, là nhiệm vụ quan trọng.
Các đại biểu tham quan mô hình huấn luyện kỹ thuật. (Ảnh: Đức Tĩnh)
Cảnh sát biển Việt Nam đang quản lý, khai thác số lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) với xuất xứ đa dạng, chủng loại phong phú; có cường độ hoạt động cao, thường xuyên chịu tác động khắc nghiệt của môi trường biển nên xuống cấp nhanh, khả năng phát sinh hư hỏng lớn. Mặt khác, tổ chức biên chế và cơ sở bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) của Lực lượng vẫn đang từng bước được điều chỉnh, củng cố, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Những năm gần đây, Cảnh sát biển Việt Nam được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm xác định là lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; được đầu tư đóng mới, tiếp nhận từ nước ngoài nhiều tàu thuyền, xe máy; được mua sắm nhiều VKTBKT có ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác BĐKT; một số vấn đề lý luận về công tác kỹ thuật (CTKT) cũng chưa hoàn thiện đầy đủ; còn nhiều khó khăn trong tạo nguồn vật tư kỹ thuật… Đây là những vấn đề lớn đặt ra, những khó khăn, thách thức không nhỏ, tác động trực tiếp đến kết quả, chất lượng CTKT của Cảnh sát biển.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTKT gắn với chức năng, nhiệm vụ, hoạt động đặc thù của Lực lượng, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các quy định, hướng dẫn của Tổng cục Kỹ thuật về CTKT với những nội dung, yêu cầu cụ thể, sát với đặc điểm nhiệm vụ và thực trạng VKTBKT của Lực lượng; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các chuyên ngành kỹ thuật, cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát chặt chẽ, đánh giá chính xác thực trạng CTKT ở các cấp, các loại hình đơn vị, làm rõ những mặt mạnh, yếu, nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó đề ra phương hướng và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời. Trong quá trình thực hiện, cơ quan kỹ thuật các cấp đã làm tốt công tác tham mưu đề xuất, tích cực phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, gắn việc hoàn thành các chỉ tiêu CTKT với các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã đề ra, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan chức năng để tập trung giải quyết toàn diện, hiệu quả, kịp thời các mặt CTKT trong mọi tình huống.
Hằng năm, đã bảo đảm cho hàng trăm lượt chuyến tàu, xuồng hoạt động trên biển, đi được hàng chục vạn hải lý an toàn; bảo đảm cho hàng ngàn lượt xe ô tô, đi được hàng triệu km an toàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện, VKTBKT ngày càng cao theo yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, tuần tra, kiểm soát, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, bảo vệ các hoạt động khảo sát, thăm dò dầu khí, chống nước ngoài khảo sát, thăm dò, hạ đặt giàn khoan, cứu hộ, cứu nạn… của Lực lượng.
Công tác bảo quản, bảo dưỡng VKTBKT thường xuyên được chú trọng thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đạt chất lượng tốt. Công tác sửa chữa VKTBKT bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, trong đó nổi bật là đã bảo đảm tốt quy trình, chế độ quản lý sửa chữa; tổ chức chặt chẽ từ khâu khảo sát đến kiểm tra, xây dựng kế hoạch, giám sát, nghiệm thu, quản lý ngân sách; thực hiện phân cấp sửa chữa cho đơn vị, phát huy tốt nguồn lực tại chỗ; tích cực ứng dụng KHCN… qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo sự đồng bộ trong sửa chữa VKTBKT. Điển hình là: đã sửa chữa đồng bộ các tàu do nước ngoài hỗ trợ, sửa chữa kéo dài tuổi thọ các tàu K-206 cải hoán, sửa chữa lớn động cơ MTU 16V4000, 12V4000 M90, PAXMAN 18V, M503, hệ thống điều khiển MTU, Vaiking, máy lọc nước, hệ thống điều hòa, máy phát điện, ra-đa, kính nhìn đêm POP, VSAT. Đặc biệt từ năm 2017, lần đầu tiên tổ chức sửa chữa cấp đốc tàu TT-200 sử dụng cẩu nâng tự hành hiện đại tại Trạm Sửa chữa tổng hợp của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đạt chất lượng tốt. Từ năm 2018, Bộ Tư lệnh đã tiếp nhận, làm chủ, khai thác Trạm Sửa chữa tổng hợp và đưa các tàu TT-200, TT-400 lên sửa chữa cấp hàng hải bằng hệ thống cẩu nâng tự hành 400 tấn, 800 tấn tại các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển.
Công tác xây dựng, quản lý ngành theo hướng nền nếp, chính quy, làm chủ VKTBKT, đáp ứng yêu cầu tiến lên hiện đại được triển khai đồng bộ, hiệu quả, làm cơ sở để chỉ huy, chỉ đạo CTKT chính xác, kịp thời. Trong đó nổi bật là: đã thường xuyên coi trọng xây dựng điểm, điển hình tiên tiến và kịp thời tổ chức sơ tổng kết, làm cơ sở nhân rộng ra toàn Lực lượng; ban hành Bộ Tiêu chuẩn chính quy ngành Kỹ thuật cấp Vùng Cảnh sát biển, Đoàn Đặc nhiệm PCTP ma túy, Đoàn Trinh sát và các Quy định thực hiện Ngày Kỹ thuật, Quy định sửa chữa tàu tại xí nghiệp, Quy chế công tác vật tư kỹ thuật, Hướng dẫn thực hiện công tác tham mưu kỹ thuật Cảnh sát biển, các bộ định mức, hệ thống sổ sách đăng ký, tài liệu kỹ thuật; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong công tác quản lý. Việc quản lý, kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vướng mắc của đơn vị đã kịp thời, hiệu quả, thúc đẩy các đơn vị thực hiện tốt chế độ CTKT.
Công tác huấn luyện kỹ thuật và các hội thi, hội thao ở các cấp đã được tổ chức thành nền nếp, đa dạng trên các lĩnh vực và là một trong những đột phá của ngành kỹ thuật thời gian qua. Các hội thi cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển như: Hội thi Sáng kiến cải tiến kỹ thuật; Mô hình học cụ kỹ thuật chất lượng cao; Giáo án điện tử; Chức trách nhiệm vụ cán bộ kỹ thuật; Tàu xe tốt, huấn luyện giỏi; Hội thi Thợ giỏi... Tham gia tích cực và đạt kết quả cao trong các hội thi cấp Bộ Quốc phòng, như: Giải Ba toàn đoàn, Giải Ba khối Tổng cục, Quân chủng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong Hội thi Chủ nhiệm kỹ thuật cấp sư, lữ đoàn toàn quân lần thứ hai; Giải Nhất toàn đoàn Hội thi Thủ kho Quân khí; Giải Nhì toàn đoàn Hội thi Mô hình học cụ huấn luyện toàn quân; Giải Nhì cá nhân Hội thi Trưởng phòng Tham mưu kỹ thuật toàn quân; Giải Nhì tập thể, Giải Nhất cá nhân Hội thi Ngành Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng;…Thông qua hoạt động hội thi, hội thao, các đơn vị và từng cá nhân có điều kiện để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, củng cố, bổ sung năng lực chỉ huy quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm chuyển biến một bước về chất lượng thực hiện CTKT.
Công tác nghiên cứu khoa học, đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển. Hình thức chủ yếu là phối hợp các học viện, nhà trường, trung tâm nghiên cứu; cử cán bộ đi học tập, tiếp thu công nghệ mới; mở các lớp tập huấn, bổ túc, tập trung vào các khâu còn yếu ở đơn vị, bổ sung cập nhật kiến thức về VKTBKT công nghệ mới.... Trong những năm qua, toàn Lực lượng đã triển khai nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thực tiễn 01 đề tài cấp Nhà nước; 01 đề tài cấp Bộ Quốc phòng; 18 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở. Có gần 200 lượt cán bộ, nhân viên tham gia các đoàn công tác học tập, tiếp thu công nghệ mới, khảo sát, tham quan ở các nước có công nghệ tiên tiến; hằng năm tổ chức tập huấn với hàng trăm lượt người tham gia. Những kết quả này đã góp phần nâng cao chất lượng CTKT và trình độ đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật.
Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật Cảnh sát biển còn tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện BĐKT cho tàu thuyền, phương tiện huy động theo Thông tư 153/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng; Tiếp tục kiện toàn, phát huy hiệu quả các tổ chuyên trách thực hiện Thông tư 153 từ Cơ quan Kỹ thuật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đến các đơn vị; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các địa bàn ven biển có phương tiện, tàu thuyền huy động; Xây dựng mạng lưới cung cấp vật tư, thiết bị phục vụ công tác BĐKT cho tàu thuyền của Lực lượng và phương tiện, tàu thuyền huy động; tham gia lập dự án, đàm phán, giám sát nghiệm thu chuyển bước công nghệ, nghiệm thu tại bến, trên biển gần 100 tàu, xuồng đóng mới và nước ngoài hỗ trợ theo Đề án Xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam…
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt là tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Yêu cầu, nhiệm vụ của Lực lượng ngày càng nặng nề hơn, đòi hỏi công tác BĐKT cho tàu thuyền, VKTBKT hoạt động với tần suất, cường độ cao hơn, với các tình huống khó khăn, phức tạp hơn trong khi tổ chức biên chế, cơ sở BĐKT, kinh phí còn nhiều bất cập,... Tình hình đó đặt ra bài toán hết sức khó khăn cho Lực lượng Cảnh sát biển nói chung, ngành kỹ thuật Cảnh sát biển nói riêng.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng CTKT ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xác định tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo ngành kỹ thuật nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện nghị quyết, chỉ thị, các khâu đột phá. Trọng tâm là Nghị quyết 382 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới”; Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiện và an toàn giao thông” và 2 khâu đột phá “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT". Tăng cường xây dựng mô hình điểm và điển hình tiên tiến; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm làm cơ sở xây dựng các tiêu chí chuẩn về CTKT của từng cấp, từng loại hình đơn vị và nhân rộng trong toàn Lực lượng.
Hai là, Lãnh đạo, chỉ đạo ngành kỹ thuật làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện các mặt CTKT; tham gia có hiệu quả công tác quản lý dự án đóng tàu, tiếp nhận sửa chữa, khai thác tàu thuyền, phương tiện do nước ngoài hỗ trợ, viện trợ. Luôn nắm chắc mọi mặt tình hình CTKT, đáp ứng yêu cầu công tác BĐKT phải đi trước một bước; nghiên cứu, đề xuất lựa chọn cấu hình, chủng loại tàu thuyền, VKTBKT ngày càng hiện đại, hiệu quả, phù hợp, tránh sớm lạc hậu về công nghệ; sửa chữa, đồng bộ VKTBKT còn sử dụng lâu dài; tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng, đề nghị loại ra khỏi biên chế trang bị các loại tàu, xe, VKTBKT đã quá cũ, lạc hậu, BĐKT khó khăn, không có vật tư thay thế và hoạt động không an toàn.
Ba là, Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo BĐKT cho tàu thuyền, xe máy, VKTBKT đúng, đủ, kịp thời, chất lượng tốt, hoạt động tin cậy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống; rà soát, bổ sung, thực hiện đầy đủ cơ chế quản lý theo phân cấp; chú trọng nền nếp, chế độ, chất lượng bảo quản định kỳ, kiểm sửa dự phòng cho VKTBKT, nhất là khả năng tự bảo đảm khi tàu hoạt động độc lập trên biển và tàu thuyền sau khi đi biển về; tăng cường các biện pháp quản lý, khai thác, làm chủ VKTBKT có hiệu quả gắn với tiết kiệm và bảo đảm an toàn; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng kết quả vào thực tiễn; tận dụng mọi nguồn lực nâng dần lượng dự trữ vật tư kỹ thuật, đề xuất nguồn vật tư dự trữ quốc gia, dự trữ quốc phòng cho Lực lượng; phối hợp thực hiện các chương trình sản xuất vật tư, phụ tùng trong nước thay thế nhập khẩu; đẩy mạnh quy hoạch, củng cố, nâng cấp CSKT phù hợp với Đề án Quy hoạch hệ thống cơ sở sửa chữa VKTBKT toàn quân của Bộ Quốc phòng, góp phần nâng cao khả năng tự bảo đảm của đơn vị, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (nhất là trong các tình huống phức tạp trên biển); phấn đấu VKTBKT có hệ số bảo đảm Kbđ = 1, hệ số kỹ thuật Kt ≥ 0,85 (trong đó, hệ số kỹ thuật cho nhiệm vụ SSCĐ có Kt = 1).
Bốn là, Tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng kiện toàn tổ chức, biên chế ngành kỹ thuật theo hướng tinh, gọn, mạnh, phù hợp với giai đoạn phát triển tiếp theo của lực lượng, nhất là việc sáp nhập ngành hậu cần - kỹ thuật cho phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù nhiệm vụ của Lực lượng và cơ chế chung của toàn quân; nghiên cứu, đề xuất về cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các đối tượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật với đặc thù hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển. Trước mắt, theo dõi nắm chắc số lượng, chất lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật, đề xuất bố trí sắp xếp, giải quyết cân đối sự thiếu hụt về tổ chức, biên chế; hoàn thiện cơ chế chỉ huy, chỉ đạo trong công tác quản lý, BĐKT ở các cấp, các ngành, nhất là đối với các đơn vị mới thành lập.
Năm là, Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, khai thác VKTBKT, nhất là trang bị mới, hiện đại, có ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn kiện kỹ thuật làm cơ sở pháp lý để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; mở rộng, làm tốt mối quan hệ hợp tác quốc tế; bám sát các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và tận dụng sự chỉ đạo toàn diện, kịp thời; tăng cường công tác hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện CTKT, để bảo đảm các điều kiện tốt nhất trong thực hiện các mặt CTKT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Với những định hướng đúng đắn, sự đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao và những biện pháp đồng bộ, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởg Bộ Tư lệnh tin tưởng rằng CTKT của Lực lượng Cảnh sát biển sẽ ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện, góp phần quan trọng vào xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó./.
Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠO
Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam