16/08/2013 01:18:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Thực hiện đường lối đổi mới về quân sự quốc phòng theo Nghị quyết TW8 khóa IX về “chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới” và Nghị quyết TW4 khóa X về “chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Đảng ủy, chỉ huy Cục Cảnh sát biển đã quán triệt, xác định “huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên”, là thời cơ để nâng cao chất lượng huấn luyện, phát triển lý luận quân sự Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến, bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì và thực thi pháp luật trên biển. Với phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát đối tượng, yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và lấy nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, duy trì, thực thi pháp luật trên biển làm mục tiêu, yêu cầu xuyên suốt trong quá trình huấn luyện của toàn lực lượng.
Tình hình khu vực biển đông luôn diễn biến phức tạp, xuất hiện những động thái mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, dễ xảy ra va chạm, xung đột, đặc biệt là các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó điều kiện bảo đảm mọi mặt cho nhiệm vụ huấn luyện còn nhiều khó khăn, đóng quân phân tán, hoạt động mang tính độc lập cao, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, quân số thường xuyên biến động do yêu cầu nhiệm vụ. Yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển và thềm lục địa đòi hỏi ngày càng cao. Song cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng đã quán triệt các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về quân sự, quốc phòng và mục đích, yêu cầu của công tác huấn luyện chiến đấu trong giai đoạn mới.
Trong những năm qua, công tác huấn luyện cán bộ được xác định là khâu then chốt, quyết định đến chất lượng xây dựng lực lượng vững mạnh toàn diện. Cán bộ các cấp trong toàn lực lượng thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng, hội thi, hội thao gắn với diễn tập, nghiên cứu thực địa, luồng lạch và các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trên biển. Qua hội nghị tổng kết nhiệm vụ huấn luyện 5 năm (2006-2010) cũng đã đánh giá: đội ngũ cán bộ các cấp luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng trước các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nhận thức rõ về âm mưu, thủ đoạn thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông của nước ngoài; năng lực chỉ huy, tổ chức hiệp đồng, xử trí tình huống và quản lý, huấn luyện bộ đội ngày càng đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ tàu, hải đội đã nắm vững hệ thống luồng, lạch, khu sơ tán; có năng lực hoạt động độc lập trong điều kiện khí tượng, thủy văn phức tạp, biển xa, đặc biệt là tại các vùng biển trọng điểm. Cán bộ nắm chắc tình hình, xử lý đúng đối sách, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền trên biển.
Đội ngũ QNCN đã được tập trung huấn luyện theo hướng chuyên sâu, nâng cao nên trình độ khai thác, sử dụng và làm chủ VKTBKT ngày càng vững chắc, luôn giữ vai trò chủ chốt trong khai thác làm chủ các loại phương tiện tàu thuyền mới được tiếp nhận, nhanh chóng đưa vào hoạt động bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Những đối tượng mới được biên chế, mới luân chuyển, sau thời gian đã cơ bản độc lập đảm nhiệm tốt các vị trí theo chức trách, nhiệm vụ được phân công, duy trì tốt công tác bảo quản dự phòng, kiểm sửa định kỳ, bảo đảm an toàn tại các đơn vị.
Về huấn luyện đơn vị, Cục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện làm chủ VKTB, tàu thuyền đóng mới. Có nhiều chuyển biến tích cực về thực hiện các khâu đột phá, cơ bản khắc phục được những mặt yếu về công tác huấn luyện, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật. Trình độ điều lệnh của cán bộ, chiến sỹ được nâng lên, lễ tiết tác phong quân nhân cơ bản được thống nhất. Tình hình vi phạm kỷ luật giảm, hạn chế được các vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, không để xảy ra mất an toàn trong huấn luyện.
Những mặt còn hạn chế là: Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ chưa thiết thực với từng đối tượng, chưa tập trung vào nội dung còn yếu. Trình độ khoa học quân sự, ngoại ngữ, tin học, nhất là trình độ tham mưu, hiệp đồng, tổ chức chỉ huy của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết, địa hình phức tạp. Trình độ chính quy, làm chủ VKTB của QNCN, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có phần chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc sử dụng vũ khí trang bị, tàu thuyền mới tiếp nhận. Đối tượng đã qua tuyển dụng lâu năm chưa đạt trình độ chuyên sâu, tỷ lệ người có tay nghề cao còn ít. Chất lượng giáo dục chính trị có mặt còn hạn chế, ý thức trách nhiệm chưa cao. Trình độ kỹ, chiến thuật cá nhân và phân đội chưa đồng đều, hiệp đồng xử lý tình huống kỹ, chiến thuật trong các điều kiện phức tạp khi hoạt động trên biển chưa vững chắc; mức độ chịu đựng sóng gió trong điều kiện hoạt động liên tục, dài ngày trên biển của một số đồng chí chưa cao.
Nguyên nhân của các mặt hạn chế có yếu tố khách quan và chủ quan song xác định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là: một số cấp ủy, chỉ huy chưa thực sự quan tâm đến chất lượng huấn luyện ở đơn vị mình. Việc chỉ đạo, quán triệt thực hiện phương hướng, phương châm, mức độ, yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật chưa bám sát chức năng, nhiệm vụ của lực lượng trong giai đoạn mới. Công tác quản lý, điều hành huấn luyện chưa quyết liệt, chậm đổi mới, còn bị động và chưa gắn với trách nhiệm của từng cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chuyên môn các cấp. Bên cạnh đó ý thức tự giác, quyết tâm của một số cán bộ, chiến sỹ trong công tác huấn luyện chưa cao, chưa chịu khó tìm tòi học hỏi.
Để tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu trong toàn lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Trước hết phải tập trung chỉ đạo đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy các cấp về ra nghị quyết, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết, nhất là nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện, xây dựng chính quy và rèn luyện kỷ luật. Quán triệt nhận thức sâu sắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; xác định huấn luyện là nhiệm vụ “trung tâm, thường xuyên”, là thời cơ để tranh thủ nâng cao chất lượng huấn luyện, phát triển lý luận quân sự Cảnh sát biển Việt Nam, bổ sung kế hoạch cho các nhiệm vụ tác chiến, bảo vệ chủ quyền biển đảo, duy trì và thực thi pháp luật trên biển.
Vận dụng linh hoạt phương hướng, phương châm huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng trong giai đoạn mới, tăng cường huấn luyện hiệp đồng, diễn tập phối hợp giữa các lực lượng và chú trọng huấn luyện thành thục các phương pháp; điều động, sử dụng tàu trong đêm tối, trong điều kiện thời tiết phức tạp, trong khu vực luồng hẹp có chướng ngại và các phương pháp tiếp cận tàu, phương tiện trên biển trong điều kiện sóng to, gió lớn cho đội ngũ cán bộ, chỉ huy tàu. Tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ tổ chức, phương pháp huấn luyện theo phân cấp theo nguyên tắc “cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy dạy đơn vị”. Tăng thời gian thực hành luyện tập động tác, giảm thời gian lên lớp lý thuyết; thường xuyên đổi mới tổ chức, phương pháp hội thi, hội thao, kiểm tra, phúc tra huấn luyện; xây dựng chỉ tiêu, yêu cầu, mức độ cần đạt được sát với từng đối tượng và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng, kiên quyết chống bệnh thành tích, báo cáo không đúng trong huấn luyện.
Chú trọng việc huấn luyện kết hợp trong các đợt hoạt động trên biển của lực lượng tàu và đội ngũ cảnh sát viên, trinh sát viên. Gắn nhiệm vụ huấn luyện với tiếp tục thực hiện các khâu đột phá về xây dựng chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn. Thực hiện quy hoạch, củng cố, xây dựng cơ quan, đơn vị theo hướng đồng bộ; tập trung xây dựng đơn vị điểm gắn với phong trào thi đua quyết thắng, thực hiện các cuộc vận động và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Nâng cao hiệu quả về bảo đảm, ưu tiên cho các nhiệm vụ trọng tâm, đơn vị điểm. Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, biên soạn tài liệu huấn luyện. Phát triển phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từ thực tế khai thác trang thiết bị máy móc được trang bị. Chủ động tiếp cận, nghiên cứu triển khai các ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quân sự để phục vụ tốt cho công tác xây dựng kế hoạch và huấn luyện chuyên ngành Cảnh sát biển. Tăng cường công tác đối ngoại quân sự Cảnh sát biển, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác huấn luyện với Cảnh sát biển các nước trong khu vực qua đó để học tập, rút kinh nghiệm và nâng cao trình độ, vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam trong khu vực cũng như quốc tế.
Thượng tá Phan Xuân Trường, Trưởng ban Quân huấn - Cục Cảnh sát biển