Giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh với vi phạm, tội phạm trên biển

08/06/2016 06:55:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Mỗi cán bộ, chiến sĩ CSB phải quán triệt và thấm nhuần lời dạy của Bác “… Nếu trong công tác, các cô, các chú được nhân dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công”.

Năm 2015, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Cuộc chiến chống khủng bố diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết. Trên hướng biển, nước ngoài có nhiều hành động, thể hiện rõ ý đồ chiến lược “từng bước kiểm soát, tiến tới độc chiếm Biển Đông”. Các hành động này của nước ngoài đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, gây quan ngại sâu sắc cho các nước trong khu vực và thế giới; làm cho tình hình an ninh, tranh chấp chủ quyền, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, phức tạp, nhạy cảm, khó lường. Ở trong nước, diễn ra nhiều sự kiện trọng đại, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm: Quốc hội, Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều Bộ luật, Luật, Nghị định liên quan trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; Bộ Chính trị chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; ma túy; mua bán người giai đoạn 2011 - 2015; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; BCĐ 138 Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, BCĐ 1389 Bộ Quốc phòng ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, công điện nhằm đẩy mạnh, tăng cường, triển khai các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ở cả trên bộ, trên biển và khu vực biên giới, nhằm giữ vững ổn định về chính trị, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tạo niềm tin với quần chúng nhân dân và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế.

Niêm phong hàng hóa vi phạm.

Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên hướng biển, năm 2015, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng BTL CSB đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đối với công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm trong tình hình mới; chú trọng xây dựng, phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển trong giai đoạn hiện nay; chủ động quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, nhất là biện pháp nghiệp vụ, pháp luật, vận động quần chúng nhằm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, ý kiến chỉ đạo của trên về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên hướng biển và địa bàn có liên quan. Với quyết tâm chính trị cao, toàn lực lượng đã đoàn kết, tận dụng thời cơ, thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai 03 đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển và địa bàn liên quan đạt kết quả cao. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có nhiều “người tốt, việc tốt” được tuyên dương và nhân rộng điển hình; có đồng chí đã quả cảm, quên mình, anh dũng hy sinh, thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống vi phạm, tội phạm. Với những kết quả đã được, LL CSB Việt Nam đã góp một phần đáng kể vào việc làm giảm, tiến tới từng bước kiềm chế, kiểm soát tình trạng vi phạm, tội phạm trên biển, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho các hoạt động hợp tác, khai thác, phát triển kinh tế, du lịch trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Năm 2016, tình hình khu vực, thế giới và trên hướng biển tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, tình hình vi phạm, tội phạm, cả ở trên bộ và trên biển luôn diễn biến phức tạp, có sự đan xen, gắn kết giữa các lĩnh vực, vùng miền; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật ngày một tinh vi, manh động hơn; việc tàng trữ vũ khí trái phép trên tàu thuyền có thể tiếp tục diễn ra; phương thức liên lạc, phương tiện sự dụng để thực hiện hành vi vi phạm, tội phạm trên biển sẽ liên tục thay đổi, có tốc độ nhanh và hiện đại hơn; tội phạm phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền chưa có chiều hướng giảm. Trước tình hình này, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự an toàn trên biển, LL CSB cần tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp công tác trọng tâm sau:

Một là, tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương, đường lối, đối sách của Đảng có liên quan đến công tác bảo vệ, quản lý các vùng biển, đảo của Việt Nam. Trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ CSB lần thứ IV, làm cơ sở, định hướng để tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư, xây dựng LL CSB có cơ cấu, tổ chức biên chế hợp lý, trang bị hiện đại, hành lang pháp lý đủ mạnh, đáp ứng được yêu cầu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng biển xa, vùng biển nhạy cảm, vùng biển còn có tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán.

Hai là, luôn quan tâm, chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác nghiệp vụ, pháp luật phải thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chú trọng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển. Mỗi cán bộ, chiến sĩ CSB phải luôn tự giác quán triệt, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần mưu trí, dũng cảm, trách nhiệm công vụ cao, không quản ngại hy sinh, gian khổ, có ý chí tiến công tội phạm cao; chủ động, tích cực trong huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện chuyên ngành để có sức khỏe tốt, nghiệp vụ tinh thông, pháp luật nắm chắc, làm chủ và sử dụng thành thạo, phát huy tối đa hiệu quả của các loại VKTB có trong biên chế, nhất là các loại VKTB mới, hiện đại; chủ động, kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực, làm ngơ, bao che, tiếp tay cho tội phạm, đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. 

Lực lượng chức năng BTL Vùng CSB 1 thu giữ thuốc lá ngoại nhập lậu. (Ảnh: Mạnh Thường)

Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao năng lực, chất lượng công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình vi phạm, tội phạm trên biển, nhất là ở các địa bàn, tuyến, vùng biển trọng điểm, cần tập trung lực lượng để đấu tranh, ngăn chặn. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng ngừa và đấu tranh, trong đó phòng ngừa là chính; giữa tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán với đấu tranh chống vi phạm, tội phạm; giữa đấu tranh chống vi phạm, tội phạm với công tác bảo vệ nội bộ; giữa nêu gương “người tốt, việc tốt”, nhân rộng điển hình tiên tiến với kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm công vụ, có hành vi tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống vi phạm, tội phạm trên biển; chủ động triển khai và thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm. Chú trọng thực hiện thật tốt khâu đột phá về nghiệp vụ và pháp luật: “Lấy công tác điều tra cơ bản là gốc, biện pháp trinh sát là mũi nhọn”; kịp thời phát hiện, tổ chức xác minh, lập kế hoạch, phương án nghiệp vụ để bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Qua công tác nắm tình hình, đấu tranh chống vi phạm, tội phạm, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước, các quy định của pháp luật để tham mưu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, chính sách, pháp luật bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, sát thực tiễn, hiệu quả công vụ cao, không tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi tội phạm, vi phạm pháp luật.

Bốn là, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển. Hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải phong phú, đa dạng, sát thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhất là đối với bà con ngư dân hoạt động dài ngày trên các vùng biển trọng điểm về vi phạm, tội phạm. Qua công tác tuyên truyền, làm cho nhân dân hiểu được phạm vi vùng biển Việt Nam, có chuyển biến sâu sắc về nhận thức pháp luật; tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển; chủ động, tích cực trong phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, tội phạm, vi phạm trên biển,… Mỗi cán bộ, chiến sĩ CSB phải quán triệt và thấm nhuần lời dạy của Bác “… nếu trong công tác, các cô các chú được nhân dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công”. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo thành các phong trào trong toàn dân, giúp cho LL CSB thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển trong tình hình mới.

Năm là, làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng liên quan, nhất là Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, … trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển. Nội dung phối hợp tập trung vào: trao đổi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên mỗi vùng biển và địa bàn liên quan; đưa ra dự báo về tình hình vi phạm, tội phạm trên biển; đề ra chủ trương, đối sách, biện pháp, phương án, kế hoạch phối hợp phù hợp với đặc điểm diễn biến của tình hình và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi lực lượng đã được pháp luật và cấp có thẩm quyền quy định. Qua công tác phối hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là các nước có vùng biển giáp ranh với vùng biển Việt Nam; phát huy thật tốt các đường dây nóng mà CSB Việt Nam đã ký kết với lực lượng chấp pháp các nước; chủ động, tích cực và là thành viên có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, nhất là Tổ chức ReeCAAP, Hội nghị những người đứng đầu lực lượng Phòng vệ bờ biển các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương,… Qua đó, tranh thủ sự giúp đỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và các nguồn lực quốc tế khác để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác nắm, dự báo tình hình, đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, nhất là các loại tội phạm: phi truyền thống, môi trường, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; giúp nâng cao uy tín, vị thế của CSB Việt Nam đối với khu vực và thế giới.

Đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, trong đó CSB là một trong những lực lượng nòng cốt trên tuyến biển. Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn lực lượng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp trên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, góp phần cùng với các lực lượng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com