02/10/2019 01:52:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngoại ngữ trở thành yêu cầu năng lực không thể thiếu đối với mỗi quân nhân trong Quân đội nói chung, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Cảnh sát biển nói riêng. Ngoại ngữ không chỉ giúp khai thác và sử dụng hiệu quả trang bị, vũ khí, khí tài quân sự, góp phần xây dựng Lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại mà còn giúp Cảnh sát biển Việt Nam làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, giao lưu, hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước, góp phần giải quyết các vấn đề bất đồng về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển đảo.
Giáo viên Hoa Kỳ giảng dạy ngoại ngữ cho cán bộ, sĩ quan Cảnh sát biển. (Ảnh: Đức Hạnh)
Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, khi mà “hướng ra biển” đang trở thành xu thế toàn cầu của cả các quốc gia có biển cũng như các quốc gia không có biển thì hợp tác quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự trên biển là một trong những yêu cầu chiến lược quan trọng. Với vai trò lực lượng chấp pháp trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam có trách nhiệm đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần giải quyết các vấn đề bất đồng về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển đảo.
Những năm qua, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đối ngoại quốc phòng, Cảnh sát biển Việt Nam đã tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để tận dụng các diễn đàn quốc tế và khu vực, tranh thủ sự ủng hộ của các nước bạn bè trên thế giới nhằm khẳng định và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc. Để thực hiện tốt chủ trương mở rộng hợp tác quốc tế, giao lưu với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực và trên thế giới, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, xây dựng nguồn nhân lực giỏi về nghiệp vụ, quân sự, pháp luật, trình độ chuyên môn, quản lý, một vấn đề được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Lực lượng Cảnh sát biển rất quan tâm, coi trọng đó là nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, trực tiếp tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế.
Để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ, ngày 28/5/2014, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ra Nghị quyết chuyên đề số 519-NQ/ĐU về “Lãnh đạo việc học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam”. Tiếp đó, ngày 21/11/2018, Tư lệnh Cảnh sát biển đã ban hành Chỉ thị số 3238/CT-BTL về “Tăng cường đào tạo ngoại ngữ và khuyến khích tự học ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển” nhằm tạo nền tảng và cầu nối để cán bộ, chiến sĩ hòa nhập, giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Qua đó góp phần xây dựng kênh đối ngoại quan trọng; thực hiện chủ trương, chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác của nước ta; thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 519 và Chỉ thị số 3238 về “Nâng cao trình độ ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển”, từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng đã tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ và yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đối với mỗi quân nhân trong bối cảnh tình hình mới. Các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng đã ra nghị quyết chuyên đề, xác định mục tiêu, chủ trương, biện pháp lãnh đạo, phân công rõ trách nhiệm của cấp ủy, người chỉ huy và cơ quan trong tổ chức thực hiện. Ở từng cấp đã tiến hành xây dựng và đưa kế hoạch học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ vào kế hoạch tổng thể của đơn vị. Đồng thời, có nhiều biện pháp nhằm khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp học tập trung hoặc tranh thủ thời gian để tự học, tự ôn luyện kiến thức ngoại ngữ đã được học tại các học viện, nhà trường trước đây. Mỗi cơ quan, đơn vị đều cử cán bộ trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc tổ chức lớp học ngoại ngữ.
Trên cơ sở rà soát, phân loại trình độ ngoại ngữ của cán bộ, nhân viên; căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ từ cấp bách đến lâu dài và điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất cho việc học tập, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị xác định đối tượng ưu tiên đào tạo trước là các cán bộ trẻ, cán bộ cấp tàu, hải đội tàu; cán bộ nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, trong lĩnh vực bảo đảm hàng hải, quan hệ quốc tế, đối ngoại quân sự và chuyên môn kỹ thuật. Giáo viên ngoại ngữ là cán bộ phiên dịch của Phòng Quan hệ quốc tế, Ban Quan hệ quốc tế ở các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, kết hợp với mời giáo viên Hoa Kỳ đến giảng dạy theo chương trình hợp tác giữa Cảnh sát biển hai nước. Ngoại ngữ được lựa chọn chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và tiếng Campuchia, tiếng Thái (đối với các đơn vị ở phía Nam). Nội dung chương trình học theo giáo trình chuẩn, phù hợp với đối tượng, đảm bảo dễ học, dễ tiếp thu và có tính ứng dụng cao trong thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và hoạt động đối ngoại Cảnh sát biển.
Qua gần 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề và Chỉ thị về “Nâng cao trình độ ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển”, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức được hơn 30 lớp học tập trung, quân số mỗi lớp từ 15 đến 20 học viên; chủ yếu học trong giờ hành chính kết hợp với học ngoài giờ, học online qua mạng internet. Đồng thời đã cử hàng trăm lượt cán bộ đi đào tạo tại các trung tâm ngoại ngữ trong và ngoài quân đội, kết hợp với học tập các lớp ngoại ngữ chuyên ngành nâng cao tại các nước như Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc,… Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thanh niên cơ sở đã tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ, lớp ngoại ngữ trực tuyến để tự học, tự bồi dưỡng lẫn nhau, nhằm thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị và các kế hoạch đề ra.
Trong điều kiện khó khăn về ngân sách nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và chỉ huy các cơ quan, đơn vị, việc học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ đã được toàn Lực lượng tập trung đầu tư ở mức tốt nhất. Hiện nay, toàn Lực lượng đã tiến hành lắp đặt được 5 phòng học ngoại ngữ đa phương tiện (phòng Lab) tại Cơ quan Bộ Tư lệnh và tại 4 Bộ Tư lệnh Vùng. Mỗi phòng Lab có tối đa 40 bàn học và máy tính được kết nối mạng LAN; máy chiếu và bảng tương tác, hệ thống tai nghe, âm thanh chất lượng cao; giáo viên giảng dạy, quản lý, kiểm soát được học viên qua máy chủ.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, sự nỗ lực tự học tập, tự bồi dưỡng của cán bộ chiến sĩ, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ Lực lượng Cảnh sát biển thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. 100% các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng đã tích cực, chủ động đề cao việc dạy và học ngoại ngữ để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đến nay, tỷ lệ quân nhân trong toàn Lực lượng sử dụng thông thạo ngoại ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Campuchia chiếm 21,7%. Trong đó số quân nhân có trình độ ngoại ngữ bằng tiếng Anh được cấp chứng chỉ theo chuẩn châu Âu (CEFR) với trình độ B1 = 13,66%; B2 = 6,81%. Kết quả các khóa học tập trung tại Cơ quan Bộ Tư lệnh: 100% học viên được Hoa Kỳ cấp chứng chỉ, có thể giao tiếp cơ bản; một số học viên có trình độ và khả năng giao tiếp tốt tiếp tục được cử tham gia các khóa đào tạo, tập huấn tại nước ngoài.
Đối với các lớp học tại đơn vị, học viên nắm được ngữ pháp cơ bản, kỹ năng nghe, nói được nâng lên; một số đồng chí đã biết vận dụng ngoại ngữ trong giao tiếp và thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng các loại hình ở các trường trong nước và nước ngoài sau khi kết thúc khóa học trở về đều được bố trí công tác phù hợp, phát huy được khả năng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ trong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phần lớn đội ngũ cán bộ tàu, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ đến nay đã có thể tự tin giao tiếp, làm việc với các đoàn quốc tế khi công tác trong và ngoài nước. Nhiều cán bộ, chỉ huy đã có thể trực tiếp giao tiếp và đọc hiểu các vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn và cập nhật các kiến thức khoa học quân sự mới mà không cần thông qua phiên dịch hay sử dụng các công cụ chuyển ngữ. Các đối tác như Hoa Kỳ, Hà Lan, Ấn Độ là những nước cung cấp trang bị phương tiện tàu thuyền hiện đại cho Cảnh sát biển Việt Nam đều đánh giá cao khả năng ngoại ngữ của cán bộ các kíp tàu lớn, đủ năng lực trình độ tiếng Anh để học tập, huấn luyện, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận, làm chủ phương tiện trang thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, những kết quả đó mới chỉ là bước đầu. Quá trình triển khai việc học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị về vị trí, ý nghĩa của việc học ngoại ngữ chưa đúng đắn; xác định mục tiêu, đối tượng, lộ trình và giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện chưa phù hợp; cá biệt có đơn vị xác định đối tượng học chưa hợp lý như tuổi cao, hoặc ở lĩnh vực ít dùng đến ngoại ngữ, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Một số đơn vị còn chạy theo số lượng (quân số và tổ chức lớp học), chưa chú ý đến chất lượng học tập. Khi kết thúc chương trình không phối hợp với trung tâm có tư cách pháp nhân để tổ chức thi cấp chứng chỉ cho học viên; công tác chỉ đạo, điều hành duy trì nền nếp, kỷ luật lớp học chưa chặt chẽ; các cơ quan chức năng liên quan chưa tích cực vào cuộc, chưa xác định kết quả học tập (hoặc trình độ ngoại ngữ) là một tiêu chí trong bình xét thi đua, khen thưởng và đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên cuối năm…
Lực lượng Cảnh sát biển đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, vì vậy, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi khách quan, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để có một lực lượng tinh nhuệ, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, thì trình độ ngoại ngữ là năng lực không thể thiếu. Vì vậy, công tác đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ sẽ tiếp tục được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quan tâm, coi trọng. Đây cũng chính là một trong các giải pháp căn bản để nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ cho Lực lượng Cảnh sát biển trong thời gian tới. Trước mắt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục chỉ đạo tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về ngoại ngữ tại các cơ quan, đơn vị trong toàn Lực lượng, đồng thời, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo dài hạn ngoại ngữ chuyên ngành tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Về lâu dài, sẽ đưa bộ môn ngoại ngữ vào là bộ môn chính đào tạo tại Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao”.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc học và dạy ngoại ngữ, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị và cấp ủy, chỉ huy các cấp cần coi trọng triển khai thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cơ quan chính trị, cán bộ chính trị tại các đơn vị; làm tốt công tác quán triệt, giáo dục về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và toàn thể cán bộ, đảng viên. Đây chính là nhân tố quyết định đến chất lượng học tập, nâng cao trình độ ngoại ngữ trong các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các cơ quan chuyên môn trong nghiên cứu, đề xuất biện pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào dạy và học ngoại ngữ tại cơ quan, đơn vị mình, từ đó từng bước nâng cao trình độ ngoại ngữ cho mọi quân nhân nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hai là, Lựa chọn đúng đối tượng cử đi học, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; kết hợp tốt tổ chức học tập ngoài giờ với học tập trung trong giờ hành chính; phân công cụ thể lãnh đạo, chỉ huy phụ trách theo dõi, kiểm tra đôn đốc trong quá trình triển khai lớp học. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thường xuyên có chính sách khuyến khích, động viên người học, tạo thành phong trào học tập, để người học tự giác, say mê học đồng thời tạo điều kiện tối đa về thời gian và công việc, để cán bộ, nhân viên tham gia học tập đầy đủ, đúng kế hoạch. Khuyến khích động viên cán bộ, nhân viên tham gia các khóa học và đào tạo tại các trung tâm, nhà trường trong và ngoài nước để có những đồng chí chuyên sâu về ngoại ngữ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, làm chủ phương tiện, trang bị, khí tài hiện có và có đủ khả năng trình độ giao tiếp tốt khi làm việc với người nước ngoài.
Ba là, Phát huy nội lực, kết hợp với giữ gìn, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí giảng dạy, trang thiết bị phục vụ học tập, các phòng học, phương tiện đã được đầu tư trang bị. Đối với các cơ quan, đơn vị không có điều kiện mở lớp học ngoại ngữ, cấp ủy, chỉ huy có chính sách động viên người có trình độ ngoại ngữ dạy cho cán bộ, nhân viên có nhu cầu học tập, tự đào tạo tại chỗ để nâng cao trình độ; tích cực liên hệ với các cơ quan, đơn vị, nhà trường và trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn có mở lớp đào tạo ngoại ngữ để gửi cán bộ tham gia học tập.
Bốn là, Quá trình học tập thường xuyên chỉ đạo, rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, quản lý lớp học; tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng đa dạng hóa các hình thức, giáo trình học tập, phù hợp với đối tượng người học. Lựa chọn được các đồng chí cán bộ có kiến thức về ngoại ngữ nằm trong Tổ giáo viên để nghiên cứu, đầu tư thời gian chuẩn bị các bài giảng trực quan, sinh động. Giáo viên chú trọng đa dạng hóa các hoạt động, hình thức dạy học nhằm tạo hứng thú học tập cho học viên. Sau từng giai đoạn học tập đều tổ chức thi, kiểm tra ở các trung tâm đào tạo ngoại ngữ có tư cách pháp nhân để đánh giá rõ trình độ người học.
Năm là, Lấy kết quả học tập ngoại ngữ là một tiêu chí trong bình xét thi đua - khen thưởng, đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm. Trong quá trình xem xét, đề bạt, bổ nhiệm, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn coi trọng đưa tiêu chí trình độ ngoại ngữ vào tiêu chí đề bạt, bổ nhiệm, tạo động lực và yêu cầu bắt buộc trong việc trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhất là đối với các cán bộ, nhân viên đảm nhiệm công tác thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng, biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Nâng cao năng lực toàn diện và trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển là nhiệm vụ vừa cấp thiết trước mắt vừa cơ bản lâu dài của Lực lượng. Với ý thức quyết tâm cao và các biện pháp, giải pháp phù hợp, được triển khai đồng bộ, quyết liệt, kiên trì theo lộ trình cụ thể, tin tưởng rằng phong trào học tập ngoại ngữ trong Lực lượng Cảnh sát biển sẽ ngày càng được đẩy mạnh; trình độ ngoại ngữ của cán bộ, chiến sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có chất lượng toàn diện, thiết thực góp phần xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Thiếu tướng PHẠM KIM HẬU
Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển