21/02/2020 07:49:00 AM
(Canhsatbien.vn) -
Bảo đảm an ninh thông tin trên biển, đảo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo đảm thông tin và an ninh thông tin quốc gia. Qua đó, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đảo và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo nói riêng, an ninh thông tin quốc gia nói chung là tiền đề, yếu tố quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc trên tàu Cảnh sát biển. (Ảnh: Đức Hạnh)
Hiện nay, tình hình Biển Đông đang tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường, đe dọa đến chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn vùng biển, đảo của Việt Nam. Nước ngoài rất chú trọng tăng cường và thúc đẩy cả về số lượng, tần suất, quy mô các hoạt động quân sự, chấp pháp, trinh sát, thu thập thông tin, giám sát biển, đảo của Việt Nam. Tình hình tội phạm, vi phạm trên biển có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ, hậu quả ngày một nghiêm trọng hơn, nhất là tội phạm về ma túy, cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, buôn lậu, gian lận thương mại... Trong bối cảnh đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên biển đảo trở thành yêu cầu cấp thiết với đòi hỏi nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp, khó khăn.
Hoạt động thông tin trên các vùng biển đảo Việt Nam hiện nay khá đa dạng và phức tạp, gồm cả hoạt động của hệ thống thông tin trong nước và quốc tế. Đối với hoạt động thông tin quốc tế, chủ yếu thực hiện qua hệ thống thông tin vệ tinh (mạng Inmarsat, Thuraya, Iridium). Theo quy định Công ước của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về các hoạt động thông tin bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải trên biển, Việt Nam đã thiết lập các hệ thống thông tin duyên hải (29 đài), trạm vệ tinh mặt đất Inmarsat, trạm thu tín hiệu báo động cấp cứu qua vệ tinh, hệ thống báo động an ninh hàng hải để đối phó với các hành động khủng bố, cướp biển. Hoạt động thông tin trong nước bao gồm: các hoạt động thông tin hàng hải thực hiện qua hệ thống thông tin sóng HF/VHF/GSM (2G/3G/4G) trong nước và chuyển tiếp quốc tế qua vệ tinh Inmarsat, Vinasat 1, 2; các hoạt động thông tin chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với hệ thống thông tin giám sát tàu cá công nghệ vệ tinh Movimar và khoảng 3.000 thiết bị kết nối vệ tinh, hơn 130.000 các máy thông tin vô tuyến (RF) trên tàu cá của ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển; các hoạt động thông tin giám sát về tình hình biển và tàu thuyền của các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải; các hoạt động thông tin về khí tượng, thủy văn và môi trường của Bộ Tài nguyên & Môi trường; các hoạt động thông tin tuyên truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí. Ngoài ra, là các hoạt động thu thập thông tin, trinh sát, viễn thám và tình báo của nước ngoài.
Vấn đề bảo đảm an ninh thông tin trên biển, đảo được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý chuyên ngành trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành như: Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Quốc phòng, Luật Biển Việt Nam, Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát biển Việt Nam,… Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả quan trọng về bảo đảm an ninh thông tin trên biển, đảo Việt Nam thì thời gian qua, vấn đề này vẫn còn bộc lộ không ít bất cập như: hệ thống thông tin phục vụ các lực lượng trên biển chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thời lượng, tần suất, số lượng các bài viết và đưa thông tin phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề về chủ quyền biển, đảo chưa nhiều. Trong khi đó, các đài phát thanh của nước ngoài phát sóng vào các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam rất mạnh về công suất, nhiều về thời lượng, rộng về phạm vi phủ sóng, phức tạp, bất lợi về nội dung.
Trước những vấn đề trên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm an ninh thông tin trên biển, đảo Việt Nam hiện nay, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, bảo đảm an ninh thông tin biển đảo phải gắn liền với quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển đảo. Bởi lẽ, cùng với nguồn lợi về tài nguyên, kinh tế, biển đảo Việt Nam còn là môi trường, là hướng tác chiến quan trọng trong Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc. Các thế lực thù địch đang ráo riết lợi dụng không gian mạng để trinh sát, giám sát, thu thập thông tin, nhất là những thông tin về chủ quyền biển đảo để chống phá nước ta. Nguy cơ chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin đang hiện hữu, đe dọa chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam cũng như hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. Chính vì vậy, việc huy động nhân lực quốc gia, phát triển lực lượng tác chiến trên không gian mạng, sẵn sàng tham gia, đối phó với chiến tranh mạng là vấn đề cấp thiết.
Mặt khác, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên biển đảo còn gắn với tăng cường và mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế. Vì thế, khi xác lập vấn đề an ninh, an toàn thông tin trên biển đảo cần phải phát huy tốt tính chủ động, tích cực; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề an ninh, an toàn thông tin; xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng theo quan điểm “trong ấm, ngoài êm”, “kiên quyết, kiên trì” để vừa bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn từ bên trong vừa ngăn chặn được mọi nguy cơ tác động từ bên ngoài. Đồng thời, cần có biện pháp chủ động, tích cực phối hợp đấu tranh, ngăn chặn những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Do đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với đảm bảo an ninh thông tin trên biển đảo. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ở các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng liên quan.
Hai là, hoàn thiện cơ sở pháp lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, phối hợp chặt chẽ các lực lượng thực hiện bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo.
Hiện tại chúng ta đã có các Luật An toàn Thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Biển Việt Nam, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, Luật Cảnh sát biển Việt Nam,… trong đó có các quy định liên quan đến bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo. Tuy nhiên, để các luật này đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo thì các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm về bảo đảm an ninh thông tin nói chung, an ninh thông tin biển đảo nói riêng, tạo sự đồng bộ, chặt chẽ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. Các văn bản quy phạm pháp luật cần xác định rõ cơ chế phối hợp; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an ninh thông tin trên biển, đảo; các chế tài xử lý hành vi vi phạm; quy trình xử lý các tình huống về chỉ huy, điều phối hoạt động ứng phó, khắc phục sự cố an ninh thông tin trên biển đảo khi xảy ra chiến tranh mạng gắn với hoạt động quốc phòng, an ninh hoặc khi nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Để bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo gắn với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển đảo, cần có kế hoạch, quy hoạch tổng thể (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn) với lộ trình hợp lý, phù hợp với tiềm năng, khả năng của đất nước và yêu cầu thực tiễn. Từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và kỹ thuật công nghệ tiên tiến trên hướng biển đảo, bảo đảm cho công tác quản lý, giám sát, cung cấp, trao đổi thông tin của cơ quan, tổ chức và cá nhân phù hợp với chiến lược quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế biển đảo trên cơ sở khung kiến trúc Chính phủ điện tử đã ban hành (2018).
Cần chú trọng nêu cao vai trò trách nhiệm, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan để kịp thời phát hiện, giải quyết có hiệu quả những tình huống phát sinh, phức tạp, kiên quyết không để bị động, bất ngờ. Trên cơ sở quy định của pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng trong nắm, trao đổi thông tin, tình hình và tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển đảo để kịp thời phát hiện, nhanh chóng bảo vệ và xử lý một cách khoa học, hiệu quả, đúng đối sách và pháp luật các vụ việc, tình huống về an ninh, an toàn thông tin trên biển đảo, góp phần bảo đảm an ninh thông tin nói riêng, bảo đảm an ninh, an toàn vùng biển đảo của Việt Nam nói chung.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong công tác an ninh thông tin trên biển đảo.
Từ tình hình thực tiễn về các hoạt động thông tin tuyên truyền trên biển đảo của Việt Nam và nước ngoài hiện nay cho thấy: chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tuyên truyền về an ninh, an toàn thông tin đối với các chủ thể (trong nước và nước ngoài) hoạt động trên biển. Nâng cao nhận thức về vai trò của an ninh thông tin trên biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường biển và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, nhân đạo. Công tác tuyên truyền cần được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn, trình độ, nhận thức của đối tượng tuyên truyền. Đồng thời, cần xây dựng niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội đối với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong vấn đề bảo đảm an ninh thông tin và chủ quyền biển đảo, kiên quyết làm thất bại âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề biển, đảo, thông qua môi trường mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp với đối tượng được tuyên truyền; tập trung vào những kiến thức cơ bản nhất và được “phổ thông hóa” gồm: các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh thông tin, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam; quy định về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng trong việc bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo,… Qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo lòng tin, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao nhận thức và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động, chủ động, tích cực tham gia cùng với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào bảo đảm an ninh thông tin của Việt Nam.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các hoạt động thông tin đa dạng, phức tạp trên biển đảo và sự bùng nổ, phát triển như vũ bão của mạng Internet cho thấy nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin nói chung, an ninh, an toàn thông tin trên biển đảo nói riêng đang ngày càng cấp thiết, nặng nề, phức tạp hơn. Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm phát triển và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hiện tại, chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, cần phải có sự vào cuộc, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó các bộ, ngành, lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thông tin giữ vai trò nòng cốt. Các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng liên quan cần phải chủ động khắc phục khó khăn, kiên quyết, kiên trì, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhằm bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của Việt Nam, gắn chặt với phát triển kinh tế, xây dựng đất nước./.
Bảo đảm an ninh thông tin trên biển đảo Việt Nam là vừa bảo đảm và phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm sự hoạt động bình thường của thông tin liên lạc trên biển, đảo theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia. |
Trung tướng, TS. Nguyễn Văn Sơn
Tư lệnh Cảnh sát biển