Phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á

26/05/2017 02:30:00 AM

(Canhsatbien.vn) - 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển

Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, hoạt động của bọn cướp trên khu vực biển châu Á, nhất là ở những khu vực biển trọng điểm, tuyến hàng hải có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tình hình trên, đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định về an ninh, trật tự, an toàn trên biển trong khu vực. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, ở khu vực châu Á đã xảy ra 95 vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Trong đó, bọn cướp đã thực hiện thành công 83 vụ. Những ghi nhận gần đây cho thấy, bọn cướp không chỉ tấn công tàu, nhằm cướp hàng hóa, mà chúng còn tổ chức bắt cóc thuyền viên để đòi tiền chuộc. Từ đầu năm 2016 đến nay, trong khu vực biển châu Á đã có 06 vụ bọn cướp biển bắt cóc thuyền viên (trong đó, có 02 tàu của Việt Nam là Royal 16 và tàu Giang Hải), làm chết 02 người, bị thương 01 người và bắt đi 38 thuyền viên nhằm đòi tiền chuộc. Hoạt động này chủ yếu diễn ra ở khu vực biển Nam Philippines, nơi giáp ranh với vùng biển của Malaysia.
Gần đây nhất, ngày 25/02/2017, tàu Phú An 268, với thủy thủ đoàn là 13 người, vận chuyển 2.700 tấn gạo từ Việt Nam đi Malaysia, khi đi qua vùng biển thuộc quần đảo TURLLE của Phillippines, đã bị cướp tấn công. Song, thực hiện khuyến cáo của CSB VN, tàu Phú An 268 đã làm tốt công tác phòng ngừa, thủy thủ đoàn kịp thời vòng tránh, sử dụng vòi rồng, các tấm chắn dây thép gai, tạo vật cản không cho bọn cướp tiếp cận, tấn công tàu. Bên cạnh đó, thủy thủ đoàn đã nhanh chóng sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc trên tàu để thông báo về hoạt động của cướp, vị trí, hướng hành trình của tàu và đề nghị lực lượng chức năng của Malaysia ra hỗ trợ khẩn cấp. Bằng các hành động này, tàu Phú An 268 đã thoát khỏi bọn cướp biển và được lực lượng Hải quân của Malaysia ứng cứu, hỗ trợ hành trình vào cảng của Malaysia an toàn.
Qua thực tế cho thấy, các vụ cướp trên biển khu vực Châu Á có phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp thường là: (1) Sử dụng từ 02 đến 04 tàu, xuồng loại nhỏ, có tốc độ cao (trên 25 hải lý/giờ) để tiếp cận, tấn công các tàu vận tải hành trình đơn lẻ trên biển; (2) Tiếp cận, leo lên và tấn công từ phía đuôi, hoặc hai bên mạn tàu; (3) Sử dụng vũ khí hạng nhẹ (súng tiểu liên, súng phóng lựu…) đe dọa, uy hiếp thuyền viên để đưa ra các yêu cầu về giảm tốc độ, hoặc dừng tàu để tiếp cận và leo lên. Khi sử dụng vũ khí, bọn cướp biển thường nhằm vào buồng lái, buồng ngủ, phòng Câu lạc bộ…; (4) Trong mỗi vụ, chúng thường sử dụng từ 01 đến 02 tàu mẹ, tàu mẹ có thể là tàu biển, tàu thuyền buồm, tàu đánh cá. Tàu mẹ dùng để chứa hàng dự trữ, nhiên liệu và có thể vận chuyển các hàng hóa cướp được. Các xuồng nhỏ để tấn công thường được kéo theo phía đằng sau tàu mẹ; (5) Để tấn công, leo lên tàu, bọn cướp thường sử dụng sào móc với thang dây dài và nhẹ, hoặc dây thừng để leo lên tàu. Khi đã lên được tàu, bọn chúng thường lên buồng lái để khống chế, kiểm soát hàng hải và thông tin trên tàu, yêu cầu cho tàu chạy chậm, hoặc dừng lại để cho đồng bọn tiếp tục leo lên tàu và khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn, kiểm soát tàu, tổ chức cướp tàu, cướp hàng hóa vận chuyển trên tàu hoặc bắt cóc thuyền viên. Quá trình khống chế, kiểm soát tàu, nếu thuyền viên có hành vi chống đối, bọn biển sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để sát thương nhằm quyết tâm thực hiện hành vi cướp đến cùng.
Trong vùng biển Việt Nam, hiện chưa ghi nhận xảy ra vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền nào (một số vụ cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền do CSB VN bắt giữ được là chúng thực hiện ở vùng biển nước ngoài, sau đó chạy vào vùng biển Việt Nam). Nhưng ở khu vực các cảng biển, nhất là các cảng biển ở các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, tình trạng trộm cắp vặt trên các tàu quốc tế khi ra, vào hoặc neo đậu trong vùng nước cảng biển vẫn xảy ra, năm 2016 ghi nhận có 09 vụ. Các vụ việc này đều được Trung tâm Chia sẻ thông tin về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á (ReCAAP) cho là hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.

Lực lượng CSB Việt Nam diễn tập chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. (Ảnh: Đức Hạnh)

Nhận thức rõ được vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, thời gian qua, Lực lượng CSB VN luôn chủ động, tích cực, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, liên tục nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên vùng biển Việt Nam nói riêng, vùng biển liên quan nói chung. Từ năm 2012 đến nay, thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác trong khuân khổ các nước thành viên Hiệp định hợp tác về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á, Lực lượng CSB VN đã truy lùng, phát hiện, vây bắt và phối hợp thành công 02 vụ, với 19 tên cướp biển người nước ngoài, thu giữ 01 xuồng, giải cứu 01 tàu, với trên 300 tấn dầu nhẹ đã bị bọn cướp biển tấn công, chiếm giữ trước đó. Các vụ cướp biển này đều xảy ra ở ngoài vùng biển Việt Nam. Sau khi thực hiện hành vi cướp tàu vận chuyển xăng, dầu trên vùng biển giáp ranh 03 nước Malaysia - Singapore - Indonesia, bọn cướp cho tàu, xuồng chạy vào vùng biển Việt Nam hòng tẩu thoát. Song, với trách nhiệm của lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật của một quốc gia ven biển, qua chia sẻ thông tin trong hợp tác quốc tế, CSB VN cùng với các lực lượng có liên quan đã nhanh chóng triển khai lực lượng, tổ chức lùng sục, truy tìm, kịp thời phát hiện, bắt giữ toàn bộ các đối tượng người nước ngoài đã thực hiện hành vi cướp cùng với toàn bộ các vật chứng mà bọn chúng đã cướp được. Ngay sau khi bắt giữ, Lực lượng CSB đã tổ chức điều tra, xác minh, bước đầu làm rõ hành vi của các đối tượng, hoàn chỉnh hồ sơ điều tra ban đầu, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Điển hình như vụ tàu MT OKIM HARMONY (quốc tịch Malaysia) khi đang vận chuyển 6.000 tấn xăng, khi hành trình qua vùng biển Malaysia đã bị 08 tên cướp biển người Indonesia tấn công, cướp tàu và hàng hóa trên tàu vào ngày 11/6/2015. Khi nhận được thông tin từ Trung tâm ReCAAP và cơ quan chức năng của Malaysia, Lực lượng CSB VN đã triển khai lực lượng truy tìm trên vùng biển nghi bọn cướp biển sẽ hướng tới. Ngày 19/6/2015, qua nhiều ngày truy tìm, Lực lượng CSB VN đã phối hợp với lực lượng có liên quan phát hiện, bắt gọn 08 tên cướp biển cùng với toàn bộ vật chứng mà bọn chúng đã cướp của tàu MT OKIM HARMONY. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, đối tượng, vật chứng của vụ cướp biển cho cơ quan thực thi pháp luật của Malaysia để xử lý theo pháp luật của nước sở tại. Theo thông báo của cơ quan thực thi pháp luật Malaysia, cả 08 tên cướp biển do Việt Nam chuyển giao đã bị Tòa án có thẩm quyền của Malaysia tuyên phạt án tù, có 02 đối tượng bị tuyên phạt 18 năm tù, 06 đối tượng bị tuyên phạt 15 năm tù và phạt 05 roi theo quy định của pháp luật Malaysia. Cơ quan thực thi pháp luật của Malaysia đã có thư gửi cảm ơn CSB VN.

Lực lượng CSB diễn tập khống chế cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. (Ảnh: Minh Châu)

Bên cạnh các hoạt động đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trên thực địa, CSB VN luôn chủ động, hợp tác chặt chẽ với các nước có liên quan để đề nghị hỗ trợ, điều tra, xác minh, làm rõ các vụ tàu thuyền Việt Nam bị cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tấn công ở vùng biển nước ngoài, như vụ tàu: SUNRINE 689, Royal 16, Giang Hải, … Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo tàu thuyền Việt Nam trong đấu tranh phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; ký kết, thiết lập đường dây nóng với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nhiều nước trong khu vực; là thành viên có trách nhiệm trong thực thi Hiệp định hợp tác về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền khu vực châu Á; tổ chức duy trì Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển trực 24/24 giờ, kịp thời tiếp nhận, xử lý mọi thông tin có liên quan đến hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; tổ chức nhiều biên đội tàu Cảnh sát biển tổ chức tuần tra, kiểm soát các vùng biển trọng điểm, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trên các vùng biển của Việt Nam; tăng cường công tác huấn luyện, diễn tập về phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, nhằm nâng cao năng lực hiệp đồng, chỉ huy tác chiến cho cán bộ, chiến sĩ CSB, nhất là cán bộ chỉ huy, cán bộ tàu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Với những kết quả đã đạt được, trong những năm qua, vị thế, uy tín của Lực lượng CSB VN ở trong khu vực và thế giới không ngừng được khẳng định và nâng cao.
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á vẫn diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển sẽ tinh vi và liều lĩnh hơn. Vùng biển trọng điểm sẽ không có nhiều thay đổi so với trước, tập trung chủ yếu ở vùng biển Đông Nam Á, đặc biệt là các khu vực: quần đảo Anambas, Natuna, Mangkai, Subi Besar, Pulau Jemaja, Pulau Siantan, Pulau Matak thuộc Indonesia; eo biển Malacca; khu vực ngoài khơi Tioman, Pulau Aur, Đông Sabah thuộc Malaysia; khu vực biển thuộc Miền Nam Phillippines. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á nói chung, vùng biển Việt Nam nói riêng, theo chúng tôi, các quốc gia trong khu vực cần triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nội dung, giải pháp chính sau đây:
Thứ nhất, các quốc gia trong khu vực cần đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác với nhau trong đấu tranh phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á. Trong đó, tập trung phát huy tối đa các cơ chế hợp tác song phương, đa phương với các nước trong khu vực, nhất là các nước thành viên Hiệp định Hợp tác về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á; các nước có biển trong khối ASEAN. Nội dung hợp tác cần đặc biệt đi sâu vào các vấn đề: chia sẻ thông tin, tình hình cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở từng khu vực biển cụ thể; công tác huấn luyện, diễn tập, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; công tác xây dựng thể chế, quy định, nhất là các nội dung về hợp tác trong đấu tranh phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động hỗ trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm; thiết lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi nước; thiết lập và tăng cường cơ chế tuần tra chung giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi quốc gia ở các vùng biển giáp ranh, … Qua công tác hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á nói chung, vùng biển Việt Nam nói riêng.
Thứ hai, Việt Nam nói riêng, các nước trong khu vực nói chung phải có cơ chế, chính sách tập trung đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi nước. Bảo đảm, lực lượng thực thi pháp luật của mỗi quốc gia có đủ năng lực kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật nước sở tại các đối tượng có hành vi cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền trong vùng biển của quốc gia mình. Qua đó, không để vùng biển của quốc gia mình trở thành vùng biển trọng điểm về hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Ở những vùng biển giáp ranh, các tuyến hành hải quốc tế trọng điểm, cần phát huy các cơ chế hợp tác đa phương, song phương để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, kiên quyết không để cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền hoành hành và trở thành thách thức đối với tình hình an ninh, an toàn trên vùng biển châu Á nói chung, vùng biển của mỗi quốc gia trong khu vực nói riêng.
Thứ ba, mỗi quốc gia trong khu vực cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền cho các doanh nghiệp và đội ngũ thuyền viên, nhất là thuyền viên các tàu vận tải. Đồng thời, có các khuyến cáo, chỉ dẫn về huấn luyện, các biện pháp phòng vệ, phương án thông tin liên lạc khẩn cấp khi bị cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tấn công, … bảo đảm cho các doanh nghiệp và thuyền viên khi hoạt động trên biển luôn trong trạng thái chủ động, kịp thời có các biện pháp đấu tranh tại chỗ với cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do bọn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền gây ra.
Thứ tư, các quốc gia hiện vẫn còn tồn tại các tổ chức khủng bố, tổ chức phiến quân cần tích cực, chủ động đề ra các biện pháp, chính sách phù hợp để kiểm soát, tiến tới loại bỏ các tổ chức này ra khỏi đời sống xã hội của nước sở tại. Qua nghiên cứu, những năm gần đây, có nhiều vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á là do các tổ chức khủng bố, tổ chức phiến quân tổ chức thực hiện. Do vậy, việc loại bỏ các tổ chức khủng bố, tổ chức phiến quân ở một số quốc gia, nhất là các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á sẽ góp một phần rất tích cực, làm giảm thiểu tình trạng cướp biển và cướp có vũ trang ở khu vực châu Á, nhất là khu vực biển phía Nam Phillippines và khu vực eo biển Malacca.
Thứ năm, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi quốc gia cần tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp, kịp thời chia sẻ thông tin, tổ chức lực lượng truy lùng, nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật mỗi nước và luật pháp quốc tế đối với các đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở các vùng biển giáp ranh của nhiều nước hoặc thực hiện hành vi cướp biển và cướp có vũ trang ở vùng biển nước này xong chạy sang vùng biển nước khác hoặc cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền là một nhóm đối tượng ở nhiều quốc gia khác nhau, ….
Qua thực tiễn đấu tranh chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền thời gian vừa qua, đặc biệt là qua 02 vụ/19 đối tượng mà CSB VN đã phát hiện, bắt giữ, thấy rõ, nếu mỗi quốc gia thực hiện tốt các nội dung nêu trên, thì hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á sẽ đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa, góp một quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, trật tự an toàn trên vùng biển của mỗi quốc gia nói riêng, vùng biển khu vực châu Á nói chung./.

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com