Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị tướng du kích của Lực lượng vũ trang Việt Nam

23/12/2013 05:49:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Ngày 01/01/2014, cả nước kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Chính ủy Quân giải phóng miền Nam - người con ưu tú của đất nước Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế, nhà lãnh đạo kiệt xuất, kiên trung, mẫu mực của Đảng, vị tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960. Ảnh tư liệu.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên gọi thân mật là anh Sáu Di sinh ngày 01/01/1914, trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng về lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân về lập trường cách mạng kiên định, đạo đức cách mạng trong sáng, tinh thần cách mạng triệt để, ý chí tiến công mãnh liệt, chiến đấu không mệt mỏi, không lùi bước trước bất cứ khó khăn và thử thách nào.

 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã được Đảng, Bác Hồ và nhân dân tin tưởng giao nhiều trọng trách dù ở trên mọi cương vị và lĩnh vực công tác khác nhau nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, đem hết tài năng, trí tuệ và đức độ của mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tận tâm, tận lực cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

Trưởng thành trong phong trào Mặt trận dân chủ do Đảng lãnh đạo ở Huế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tỏ rõ bản lĩnh cách mạng, tài năng, trí tuệ và phẩm chất của một người lãnh đạo được Đảng và nhân dân tin tưởng. Năm 1938, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã lãnh đạo nhân dân và dân biểu đấu tranh làm thất bại dự án tăng thuế của thực dân Pháp. Trên lĩnh vực xây dựng và mở rộng mặt trận dân chủ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặc biệt quan tâm và trực tiếp chỉ đạo xây dựng, tổ chức các hoạt động của Đoàn Thanh niên Dân chủ Thừa Thiên. Đây là một thắng lợi, một đóng góp to lớn của Đảng bộ Thừa Thiên trong cuộc tập dượt thứ hai trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ năm 1941 đến năm 1946, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp xây dựng lại đơn vị cơ sở sau khi bị địch đánh phá ở nhiều nơi, phục hồi phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế tiến đến chỉ huy bao vây đánh địch ở mặt trận Huế. Năm 1941, sau khi vượt ngục khỏi nhà tù đế quốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trở về với nhân dân và cùng các đồng chí của mình bắt tay xây dựng lại cơ sở cách mạng. Trong thời gian này, địch đánh phá ác liệt những cơ sở cách mạng, chúng muốn xóa bỏ các cơ sở hoạt động ở Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, với trí thông minh thiên bẩm, phương pháp hoạt động khoa học, bám sát quần chúng nhân dân và tầm nhìn chiến lược nên chỉ sau một thời gian, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã xây dựng lại cơ sở cách mạng trong quần chúng, khôi phục lại những cơ sở của Đảng bị địch đánh phá ở nhiều huyện trong tỉnh như Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc và chính ngay trong thành phố Huế.

Cuối năm 1942, phong trào cách mạng Thừa Thiên Huế được phục hồi, Mặt trận Việt Minh các cấp vừa được hình thành. Đây cũng chính là lúc địch tiến hành đánh phá các cơ sở cách mạng ác liệt nhất như bắt cán bộ và đảng viên để bỏ tù và xử tử. Trong hoàn cảnh khó khăn lại mất liên lạc với Trung ương, một số đông cán bộ và đảng viên chủ chốt bị địch bắt, số còn lại lúng túng trước sự biến đổi của tình hình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức lại mặt trận, thành lập các đội tự vệ, chuyển tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tập trung vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc tới phong trào cách mạng. Đây là những tiền đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 8/1945, thay mặt tổ chức đảng ở Trung Kỳ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tiếp thu tinh thần của hội nghị Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã truyền đạt nội dung Nghị quyết Trung ương cho các đảng bộ trong Xứ ủy, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa và chuẩn bị công tác sau khởi nghĩa. Ngày 23/8/1945, Huế khởi nghĩa thắng lợi, cùng Hà Nội và Sài Gòn góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng tháng 8 trong cả nước. Ngay sau khởi nghĩa thắng lợi, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã triệu tập hội nghị toàn Xứ để thống nhất tổ chức đảng ở miền Trung. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư, Đảng bộ miền Trung đã lãnh đạo nhân dân toàn Xứ xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, đồng thời, chuẩn bị lực lượng để sàng đối phó với quân Pháp dưới danh nghĩa quân Đồng minh mưu toan trở lại xâm lược Việt Nam.

Từ năm 1946 đến năm 1947, trong bối cảnh của cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp chỉ huy cuộc bí mật bao vây và đánh địch 50 ngày đêm quyết liệt ở mặt trận Huế. Tuy nhiên, trước sức mạnh tấn công của thực dân Pháp, lực lượng của ta tạm thời rút khỏi thành phố Huế, tiến hành kháng chiến trường kỳ.

Đầu năm 1947, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị, do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm chủ trì, quyết định đẩy mạnh kháng chiến, củng cố xây dựng lại cơ sở, quyết định đưa cán bộ, đảng viên trở về địa phương hoạt động để nắm lấy quần chúng nhân dân đẩy mạnh đấu tranh, kiên quyết không để mất dân, mất đất. Hoạt động du kích trong sách lược của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là dựa vào lòng dân, xây dựng cơ sở trong nhân dân, bí mật phục kích để đánh địch từ mọi hướng. Với lòng quyết tâm cao độ, niềm tin tưởng, tinh thần lạc quan cách mạng được thể hiện ở lời tổng kết hội nghị của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Mất đất chưa phải mất nước. Chúng ta phải tranh thủ từng người, từng thôn. Chúng ta không để mất dân, chết cũng không rời cơ sở. Chúng ta nhất định thắng”. Với luận điểm quan trọng được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đúc kết qua hoạt động thực tiễn bằng chiến tranh du kích đã góp phần quan trọng khơi dậy phong trào cách mạng tại Bình Trị Thiên vươn lên và hòa nhập cùng với phong trào cách mạng chung của cả nước, trở thành một mặt trận sôi động và anh dũng góp phần chặn đứng âm mưu chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra Thanh Nghệ Tĩnh của thực dân Pháp.

Năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu Bình Trị Thiên để thống nhất chỉ huy 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Phân khu ủy Bình Trị Thiên được thành lập do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm Bí thư. Nhận nhiệm vụ mới, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí trong Phân khu ủy đi sâu nghiên cứu tình hình và ra nghị quyết mở một chiến dịch phá tề (tề là chính quyền ở làng xã vùng bị chiếm đóng trong thời kì Việt Nam kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ) trong cả 3 tỉnh của Phân khu dựa trên sách lược xây dựng lực lượng dân quân du kích bí mật phục kích đánh địch, đẩy địch vào những tình huống bị động. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của quân và dân lúc đó. Kết quả là hệ thống ngụy quyền của địch ở cơ sở bị lực lượng ta đập vỡ từng mảng lớn, làm cho chúng hết sức hoảng sợ. Chính quyền cách mạng ở Bình Trị Thiên được củng cố, hoạt động của dân quân du kích được đẩy mạnh, những đồn lẻ của địch lần lượt bị lực lượng của ta tiêu diệt. Những cuộc hành quân của chúng luôn bị chặn đánh bởi hoạt động của du kích tại chỗ. “Bình Trị Thiên khói lửa” sau một thời gian tạm lắng đã vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước. Trong chiến công chung của quân và dân ta có sự đóng góp quan trọng được thể hiện qua những quyết định sáng suốt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Vì có nhiều thành tích trong chỉ đạo chiến tranh du kích nên Bác Hồ đã tặng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh danh hiệu - Vị tướng du kích.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam biết ơn và tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với Đảng, với cách mạng và dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một tấm gương sáng ngời về một người cộng sản chân chính, kiên cường, trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, đúng như lời ca ngợi của Nhà thơ Tố Hữu: “Sáng trong như ngọc, một Con Người”, để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng và toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập, rèn luyện và noi theo.

Đại úy, TS. Nguyễn Thanh Minh - Phòng KHQS, BTL Cảnh sát biển

Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com